Thu hút nguồn vốn đầu tư PPP chất lượng cao - Cách nào?

Hồng Nga| 08/07/2022 05:45

Thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để xây dựng, phát triển hạ tầng là giải pháp được ưu tiên hiện nay. Thế nhưng, vẫn còn nhiều “rào cản” khiến nhà đầu tư (NĐT) cẩn trọng khi rót tiền vào những dự án này.

Thu hút nguồn vốn đầu tư PPP chất lượng cao - Cách nào?

Kênh thu hút vốn tư nhân vào hạ tầng

Đầu tư theo hình thức PPP là một trong những xu thế nổi bật ở giai đoạn hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và khu vực hóa ngày càng sâu rộng hơn. Các dự án PPP đã được áp dụng rộng rãi để phát triển cơ sở hạ tầng và hiện nay đã trở thành một phương thức ngày càng phổ biến để cung cấp các dịch vụ công khác nhau ở các nước trên thế giới.

Theo các chuyên gia tại hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP) do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 7/7, việc triển khai dự án theo hình thức PPP mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt là sự hỗ trợ của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các dự án, giúp tăng cường tính hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý.

Không chỉ vậy, mô hình PPP còn giúp đưa vào các nguồn lực bổ sung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo nên nhiều hơn các cơ hội tiếp cận và nắm bắt công nghệ tiên tiến từ quốc tế.

Ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030. Với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, việc huy động nguồn vốn BOT, BTO và BT là cơ sở pháp lý đầu tiên về đầu tư PPP trong phát triển hạ tầng tại Việt Nam. 

Từ năm 2021 - 2025, cả nước có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng công nghệ thông tin… Trong 34 dự án hạ tầng giao thông có đến 23 dự án kêu gọi đầu tư PPP.

Chỉ riêng tại TP.HCM, có rất nhiều dự án đang cần đến nguồn đầu tư theo hình thức PPP. Đơn cử, với 4 dự án Metro với tổng vốn đầu tư 9,7 tỷ USD, TP.HCM mong muốn được hợp tác với các tổ chức chính phủ có nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các tập đoàn lớn, NĐT xây dựng hạ tầng giao thông có năng lực tài chính và công nghệ. Hình thức đầu tư ODA hoặc PPP.

-9284-1657207557.jpg

LS. Trương Trọng Nghĩa cho rằng chính sách PPP chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư

Chính sách chưa hấp dẫn

Theo ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, dù đã có hệ thống khung pháp lý cho các dự án PPP, nhưng chính sách PPP chưa thật sự hấp dẫn đối với các NĐT. Thậm chí, đầu tư dưới hình thức PPP còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại.

Ở Việt Nam, hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP không được xây dựng riêng biệt mà lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia, ngành, địa phương. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trong đó có PPP. Đã vậy, quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đều không có sự tham gia đóng góp hoặc có tham gia nhưng chỉ mang tính thủ tục từ cá nhà đầu tư, nhà tài trợ…

Cùng quan điểm này, ông Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, nhiều dự án PPP trở nên kém hấp dẫn với NĐT do thiếu các công cụ chia sẻ rủi ro dự án, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện dự án, NĐT cũng chưa cảm nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đã vậy, việc triển khai các dự án PPP vẫn còn tồn tại, bất cập khiến các NĐT cảm thấy lưỡng lự, băn khoăn khi quyết định “chung tay với nhà nước”.

Cụ thể, hiện nay, việc hợp tác PPP gặp vướng mắc ở nhiều khâu, từ khâu lựa chọn dự án, thông tin dự án, thủ tục hành chính cho đến các cơ chế nên NĐT nhất là các NĐT nước ngoài cũng dần cân nhắc hơn, cẩn trọng hơn khi chọn đầu tư vào các dự án PPP.

“Thời gian qua, các tranh chấp liên quan đến dự án PPP đang ngày càng tăng, tính chất cũng dần phức tạp hơn, dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên. Đây cũng là nguyên do quan trọng khiến các dự án PPP vẫn chưa thật sự hấp dẫn các NĐT trong và ngoài nước”, ông Bắc nói.

Giải pháp để hút đầu tư

-1857-1657207557.jpg

Phó chủ tịch Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội các DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Leif Schneider cho rằng, Việt Nam cần cải thiện nhiều vấn đề để thu hút các NĐT nước ngoài

Cũng theo ông Châu Việt Bắc, mặc dù đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý phục vụ cho việc triển khai các dự án PPP nhưng qua thời gian vận hành cho thấy vẫn còn nhiều điểm, quy định bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, việc điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ cơ sở pháp lý, rà soát lại khó khăn là rất quan trọng để có thể kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng cho DN, thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn từ các NĐT chất lượng.

Theo đó, để thu hút hơn các nguồn vốn đầu tư vào các dự án PPP, phát huy những lợi thế mà PPP mang lại thì việc cải thiện môi trường đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, để bảo vệ cho các bên trong quá trình thực hiện dự án PPP, việc tạo lập cơ chế kiểm soát, chia sẻ rủi ro, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng cần được chú trọng. Riêng với NĐT, bên cạnh các yếu tố về tính chất dự án, tài chính, nguồn lực, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những rủi ro có thể phát sinh để có phương án kiểm soát hiệu quả, hạn chế tối đa các tranh chấp không đáng có.

Ông Leif Schneider - Phó chủ tịch Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội các DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, để thu hút các NĐT nước ngoài vào các dự án PPP, có nhiều vấn đề Việt Nam cần cải thiện. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực cho các NĐT. 

Đồng thời “Phải có sự linh hoạt hơn trong các điều khoản, nội dung và điều kiện của hợp đồng PPP. Các vấn đề quản lý, giám sát dự án cũng cần được đầu tư hơn về mặt nguồn lực để đảm bảo tính hiệu quả, liên tục. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần cân nhắc về việc tạo nên một khung pháp luật đủ ổn định để củng cố hơn lòng tin cho NĐT trong thời gian tới”, ông Leif Schneider nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút nguồn vốn đầu tư PPP chất lượng cao - Cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO