Thị trường rượu: Giả giảm, lậu tăng

MINH HÀO| 20/09/2012 09:45

Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ rượu cao nhất châu Á với giá trị nhập khẩu lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thị trường này lại bị chi phối bởi rượu giả và rượu lậu!

Thị trường rượu: Giả giảm, lậu tăng

Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ rượu cao nhất châu Á với giá trị nhập khẩu lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thị trường này lại bị chi phối bởi rượu giả và rượu lậu!

Đọc E-paper

70% rượu ngoại nhập lậu vào Việt Nam qua tuyến biên giới Tây Nam

IFSP quốc tế vào cuộc


Theo thống kê của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), mỗi năm, cả nước tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu nhưng chỉ có khoảng 20% là rượu có thương hiệu, 80% là rượu không nhãn mác, rượu làng nghề.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), cho rằng, sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu nhái và rượu kém chất lượng đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam.

Do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong nước đã cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái nhãn các nhãn hiệu rượu cả nội lẫn ngoại nổi tiếng, có uy tín để lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay, phương thức sản xuất rượu giả phổ biến ở Việt Nam là dùng vỏ chai rượu các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng mà nhãn mác còn mới cùng với nắp, nút giả để đóng chai rượu giả.

Rượu được pha chế từ những loại cồn, rượu trắng, rượu gạo, rượu đế và pha với màu công nghiệp, mùi công nghiệp có hương vị giống với mùi của các loại rượu nội, ngoại các thương hiệu nổi tiếng. Và các đối tượng sản xuất hàng giả luôn thay đổi phương thức hoạt động, cải tiến kỹ thuật để sao chép công nghệ của các công ty chính hãng đồng thời hoạt động rất tinh vi và cảnh giác hơn.

Ông Nicolas Aasheim, đại diện Hiệp hội Chống rượu giả quốc tế tại Việt Nam (IFSP Việt Nam), cho biết, năm 2011, IFSP đã giúp các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý 21 vụ, bắt 16 đối tượng và thu giữ 6.300 dụng cụ làm rượu giả như vỏ chai, hộp thành phẩm, nắp, nút, tem...

Tám tháng đầu năm nay, đơn vị này cũng đã hỗ trợ cơ quan chức năng triệt phá 12 vụ, bắt giữ 13 đối tượng làm giả, thu giữ 6.513 dụng cụ làm rượu giả... Cũng như IFSP Việt Nam, trong năm 2011, VATAP đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hơn 20 vụ sản xuất rượu giả và 6 tháng đầu năm 2012 đã phối hợp xử lý gần 10 vụ.

Nhờ sự tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng mà tình trạng làm rượu giả đã giảm đáng kể. Theo NSP - một công ty Thái Lan chuyên về nghiên cứu thị trường các sản phẩm có cồn ở châu Á, rượu giả ở Việt Nam đã giảm mạnh.

Kết quả khảo sát thị trường rượu mạnh cao cấp đơn vị này thực hiện trong 3 năm liên tiếp (2009-2011) tại các thành phố lớn, gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ rượu giả đã giảm mạnh từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4,4% năm 2011.

Rượu lậu ào ào qua cửa khẩu

Tuy việc sản xuất rượu giả đã giảm nhưng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường Việt Nam vẫn rất phổ biến và cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được. Nhiều ý kiến cho rằng, rượu lậu hiện vẫn chiếm đến 60-70% quy mô thị trường rượu.

Theo ông Bảo, 70% lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường được nhập vào Việt Nam qua tuyến biên giới Tây Nam như: An Giang, Tây Ninh, Long An và hành lang cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).

Hình thức được áp dụng nhiều nhất là khai hải quan theo kiểu tạm nhập để tái xuất vào các cửa hàng miễn thuế trong khu vực kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do hoặc tái xuất sang nước thứ 3 nhưng phần lớn lại được tuồn vào thị trường nội địa trên đường vận chuyển, hoặc gian lận khi làm thủ tục thông quan hàng nhập khẩu như nhập nhiều khai ít, nhập rượu ngoại nhưng khai là hàng khác.

Trước đây, rượu nhập lậu được chuyển từ Nam ra Bắc, nhưng gần đây đã có hiện tượng rượu ngoại được nhập lậu vào các cảng biển phía Bắc và được vận chuyển ngược vào phía các tỉnh miền Trung, miền Nam. Nguy hiểm hơn là rượu giả được trộn lẫn vào rượu ngoại nhập lậu hoặc các loại hàng khác để tuồn vào Việt Nam.

Ông Bảo cho rằng, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian qua đã có những tiến bộ. Tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều yếu kém.

Rượu là hàng hóa “kinh doanh có điều kiện” nên hoạt động sản xuất rượu cần phải được quản lý chặt chẽ hơn, không thể để sản xuất tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý đối với rượu làng nghề nhằm chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, bởi hiện tượng làm giả thường xuất hiện ở một số làng nghề.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tăng sản lượng sản phẩm rượu công nghiệp để chống nạn hàng giả, hàng nhái. Nhà nước cũng nên tính toán và cân nhắc thêm chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu để hướng doanh nghiệp làm ăn chân chính, hạn chế nhập lậu, sản xuất hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường rượu: Giả giảm, lậu tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO