Thị trường M&A Việt Nam 2018: Hướng đến 95 triệu dân

09/08/2018 08:00

Với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới.”, diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 10 - năm 2018 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 500 diễn giả và lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã cung cấp cái nhìn tổng thể và sâu sắc về thị trường M&A Việt Nam.

Thị trường M&A Việt Nam 2018: Hướng đến 95 triệu dân

Theo KPMG, thị trường M&A Việt Nam kết thúc một thập kỷ với hơn 4.000 giao dịch, giá trị lên tới 48,8 tỷ USD và đạt mức kỷ lục 10,2 tỷ USD trong năm 2017, đánh dấu bước ngoặt mới cho hoạt động M&A. Trong đó, thương vụ kỷ lục nhất thuộc về ThaiBev (Thái Lan), thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco, công ty bia lớn nhất tại Việt Nam, trị giá 5 tỷ USD trong năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017).  Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 - 6,9 tỷ USD.

Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD. Trong kỷ nguyên mới, thị trường có quy mô 95 triệu dân của Việt Nam vẫn là lực hút dòng vốn trên toàn cầu. Cùng với đó là những chuyển động chính sách mới của Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho hoạt động M&A. 

Phó thủ tướng Chỉnh phủ Vương Đình Huệ khẳng định: “Hoạt động M&A đang thực sự trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cấu trúc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Chính phủ đang nỗ lực hành động vì một môi trường đầu tư thực sự minh bạch, thuận lợi, khuyến khích hoạt động M&A phát triển cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế”.

Theo ông Lê Trọng Minh, chỉ tính riêng khu vực Doanh nghiệp nhà nước, từ khi có chủ trương cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đến nay, mới có 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp được bán thành công, trong số đó có những thương vụ kỷ lục được xác lập tại Sabeco, Vinamilk… Điều đó cho thấy tiềm năng M&A trong khu vực này còn rất to lớn.

Ở khu vực tư nhân, sự quan tâm ngày càng cao của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế cũng như những nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đối với các doanh nghiệp Bất động sản, Ngân hàng, Bán lẻ, Sản xuất thực phẩm và Đồ tiêu dùng nhanh của Việt Nam đã và đang được thể hiện rõ nét thông qua những thương vụ lớn thành công, gần đây nhất là Vinhomes, Techcombank…

Link bài viết

Theo đánh giá của Nhóm nghiên cứu, nếu năm 2016 là năm lên ngôi của bán lẻ với các thương vụ mua lại các chuỗi phân phối, thì năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là Sản xuất Hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo là ngành Bất động sản (27%), Tài chính - Ngân hàng (4%), Vật liệu hóa chất (3%). Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Bất động sản chiếm ưu thế (66,75%), Tài chính - Ngân hàng (19,06%) và Sản xuất Công nghiệp (9%).

Như vậy, những ngành đang được quan tâm nhất hiện nay là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận thị trường 95 triệu dân của Việt Nam. Việc mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng (đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu) không chỉ mua lại thương hiệu và còn mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận thị trường.

Trong lĩnh vực Ngân hàng, các giao dịch tập trung vào mua lại các công ty tài chính tiêu dùng, công ty quản lý thẻ, dịch vụ tài chính nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Các giao dịch trong lĩnh vực Bất động sản hướng tới các dự án bất động sản ở khu vực thành thị lớn hoặc đô thị mới phát triển nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, các khách sạn ở vị trí trung tâm.

Các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong những năm qua, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại những công ty lớn dẫn đầu thị trường. Điển hình như lĩnh vực Bán lẻ, Phân phối (BigC, Metro, Nguyễn Kim), Nguyên vật liệu (Prime Group, VCM, Xi măng Holcim), Nhựa (Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong)…và năm 2017 là công ty đầu ngành sản xuất và phân phối bia (Sabeco).  Với thương vụ này, năm 2017, Thái Lan dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam. Còn trong 6 tháng đầu năm 2018, Singapore đang tạm dẫn đầu với những thương vụ đầu tư lớn của GIC, các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất tích cực trong hoạt động M&A với một số thương vụ đáng chú ý cũng đã được công bố.

Nhận định thị trường M&A trong năm 2018 và những năm tiếp theo, báo cáo của Nhóm nghiên cứu nhận định: "Chúng tôi dự báo giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017, do năm nay có thể chưa thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco, tuy nhiên, có thể thị trường sẽ đạt mốc tăng trưởng so với 2017. Với kịch bản này, giá trị M&A tại Việt Nam đạt 6 tỷ USD (tương đương tăng 15,3% so với năm 2017 - không có Sabeco,  bằng 58,8% so với giá trị M&A năm 2017 - có Sabeco)

Như vậy, với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 4 năm 2015 - 2018. Tuy nhiên để thị trường đạt một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường M&A Việt Nam 2018: Hướng đến 95 triệu dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO