Thị trường Fintech Việt Nam trở thành lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn

Minh Huy| 22/03/2023 08:30

Thị trường công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam được đánh giá sẽ đạt đến tầm cao mới và có mức độ cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, khung pháp lý mới đang tiếp tục thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Thị trường Fintech Việt Nam trở thành lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn

Theo trang AsiaOne.com của Singapore, thị trường Fintech của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mốc 18 tỷ USD vào năm 2024. Tuy được đánh giá là còn non trẻ và đầy triển vọng, với mức định giá 4,5 tỷ USD kể từ năm 2016, thị trường Fintech Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với gần 200 tổ chức Fintech, Việt Nam hiện có 66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, 91,3 triệu thuê bao điện thoại thông minh và tỷ lệ tiếp cận Internet là 73,2% là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển lĩnh vực Fintech.

Một trong những yếu tố rất quan trọng tác động đến sự phát triển của Fintech tại Việt Nam là tác động từ phía chính sách của Chính phủ trong ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chính phủ điện tử (thanh toán dịch vụ công) và đặc biệt là thực hiện chiến lược tài chính toàn diện với mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2025. Chính phủ đã đẩy mạnh việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. Điều này đã có tác động rất tích cực đến toàn xã hội và thúc đẩy thanh toán bùng nổ, là cơ hội phát triển của Fintech.

Bên cạnh đó, các tổ chức Fintech thành công là nhờ mối quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực ngân hàng, tạo ra sức mạnh tổng hợp vô giá. Đối với những bên tham gia quan trọng, nhà đầu tư và thậm chí cả những bên mới tham gia, thời kỳ non trẻ hiện nay và quy mô tương đối nhỏ của thị trường Fintech trong nước đang khiến thị trường Fintech Việt Nam trở thành lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn vì có rất nhiều cơ hội để tham gia và mở rộng quy mô.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng hơn 40 ví điện tử và thị trường được đánh giá đang trong giai đoạn bùng nổ, với 90% thị phần thuộc về 3 ví Momo, Moca và ZaloPay. Tiếp đến là các ví ShopeePay (AirPay), ViettelPay và VNPT Pay. 6 ví điện tử này cùng nhau chiếm tổng cộng 99% thị trường. Theo nghiên cứu của Decision Lab, cuối năm 2021, 56% dân số Việt Nam sử dụng MoMo, ShopeePay (17%), ZaloPay (14%), ViettelPay (8%), Moca (2%) và VNPT Pay (1%).

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) luôn đi đầu trong việc mang đến những thay đổi có lợi cho ngành dịch vụ tài chính trong nước từ việc giảm phí tin nhắn SMS cho các dịch vụ ngân hàng hay hối thúc Visa và Mastercard giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam trong đại dịch Covid-19.

Động thái gần đây nhất đã thu hút nhiều sự chú ý khi VNBA trở thành đối tác hỗ trợ chính thức cho sự kiện đổi mới tài chính thế giới (WFIS), dự kiến sẽ là sự kiện Fintech hàng đầu tại Việt Nam. Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường Fintech Việt Nam trở thành lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO