Thị trường F&B: Hấp dẫn dòng vốn ngoại

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 28/04/2016 08:43

Trong lúc thị trường chứng khoán, bất động sản rơi vào khó khăn, ngành F&B vẫn "sống khỏe", thậm chí còn trở thành một trong ba ngành dẫn đầu về tốc độ phát triển lẫn thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường F&B: Hấp dẫn dòng vốn ngoại

Với sự tăng trưởng vượt trội của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (Food&Beverage - F&B) trong những năm gần đây ở Việt Nam, các quỹ đầu tư tài chính đã không ngừng tìm kiếm những khoản đầu tư mới vào doanh nghiệp sở hữu các chuỗi nhà hàng ẩm thực. 

Đọc E-paper

Dòng vốn tiếp tục chảy vào bàn ăn

Khi thị trường chứng khoán, bất động sản rơi vào khó khăn, ngành F&B vẫn "sống khỏe" do nhu cầu ăn uống không vì suy thoái kinh tế mà giảm sút, thậm chí F&B đã trở thành một trong ba ngành dẫn đầu về tốc độ phát triển lẫn thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối năm 2015, trong buổi ăn trưa ở nhà hàng Cô Ba xứ Quảng (Q.1, TP.HCM), Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management Corporation (SAM) nhận xét mô hình nhà hàng này có nét đặc trưng riêng, có thể thu hút các quỹ đầu tư tư nhân đang tìm kiếm những khoản đầu tư tốt trong lĩnh vực F&B.

Louis nhắc đến trường hợp Huy Việt Nam (gọi tắt của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam), gần đây đã thành công trong việc gọi vốn ở vòng Serie C từ các nhà đầu tư châu Á. Theo đó, vào tháng 4/2015, Huy Việt Nam đã huy động được 25 triệu USD từ quỹ đầu tư tư nhân Templeton Asset Management (có trụ sở tại Singapore) và Welkin Capital (Hồng Kông).

Dennis Nguyễn - Phó chủ tịch của Huy Việt Nam và Chủ tịch New Asia Partners, một nhóm nhà đầu tư cổ phần tư nhân từ Hong Kong nhận xét, cả hai quỹ mới này không chỉ mang đến nguồn tài chính mà còn có ưu thế về phân tích thị trường và kinh nghiệm quản trị cho Huy Việt Nam trong quá trình mở rộng chuỗi nhà hàng do công sở hữu.

Cũng trong thông cáo báo chí phát đi sau đó, Johnny Kong - Giám đốc Điều hành Welkin Capital, cho rằng, tầm nhìn của Huy Việt Nam là phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng địa phương lẫn tâm lý khám phá ẩm thực của khách nước ngoài khi đến Việt Nam với những loại thực phẩm chất lượng cao, giá cả phải chăng, kết hợp với mô hình phù hợp. Huy Việt Nam là khoản đầu tư đầu tiên của Welkin theo mô hình "Trung Quốc + 1".

Thành lập từ năm 2006, đến nay, Huy Việt Nam sở hữu 4 thương hiệu nhà hàng ăn uống, đáng chú ý là Món Huế (cuối năm 2015 có 53 cừa hàng), Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy (Cơm Express, 30 cửa hàng vào cuối năm ngoái). Trong khi Great Bánh Mì và Café là thương hiệu "tân binh" của doanh nghiệp này. Hiện Huy Việt Nam đang sở hữu và điều hành hơn 100 cửa hàng ở các thành phố lớn của Việt Nam.

Templeton Asset Management và Welkin Capital không phải là hai tổ chức tài chính đầu tiên tham gia vào Huy Việt Nam. Theo dữ liệu của CrunchBase, từ năm 2013, tổng cộng Huy Việt Nam thu hút được trên 40 triệu USD từ 5 nhà đầu tư, như AIF Capital (vòng Serie B), Fortress Capital Bhd (Serie B), New Asia Partners (Serie B), Templeton Asset Managemet và Welkin Capital (cổ phần tư nhân).

Trong đầu tư vào các chuỗi nhà hàng của các tổ chức tài chính, nếu gọi là tiên phong phải kể đến trường hợp VinaCapital tham gia chuỗi nhà hàng Phở 24 (thuộc Nam An Group). Cụ thể, vào tháng 9/2006, VinaCapital đầu tư 3 triệu USD, tương đương 30% cổ phần của Phở 24. Sau khi có hậu thuẫn về tài chính từ quỹ ngoại, hệ thống Phở 24 liên tục được mở rộng, từ 14 cửa hàng ban đầu tại TP.HCM, đến 2012 đã đạt khoảng 80 cửa hàng (mở rộng ra thị trường nước ngoài); đồng thời đầu tư vào nhà máy sản xuất nguyên liệu (bánh phở).

Song, đến cuối 2012, báo cáo hoạt động của VinaCapital cho thấy, Vietnam Opportunity Fund (VOF, một trong ba quỹ niêm yết thuộc VinaCapital) đã thoái vốn ở khoản đầu tư vào Phở 24 với tỷ lệ hoàn vốn thuần không như mong muốn, chỉ 1,4 lần và tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp là 7%, trong khi khoản đầu tư thoái vốn cùng thời điểm là Bệnh viện Hoàn Mỹ đạt tỷ suất hoàn vốn nội bộ 51%.

Cũng là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên tham gia đầu tư vào chuỗi nhà hàng nhưng Mekong Capital có kết quả khả quan hơn. Tháng 9/2014, Quỹ Mekong Enterprise Fund II Ltd (MEF II) đã thoái vốn thành công khoản đầu tư vào Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate).

Khoản thoái vốn này đem lại tỷ lệ hoàn vốn thuần là 9,1 lần và tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp đạt 45,1% trên tổng số trái phiếu mà quỹ bán ra. Chad Ovel (khi đó là Phó giám đốc Mekong Capital), cho biết, rất hài lòng về kết quả hoạt động của Gloden Gate.

Từ 5 nhà hàng tại thời điểm MEF II đầu tư (tháng 4/2008, Mekong Capital đầu tư gần 3 triệu USD vào Golden Gate) đến tháng 9/2014, Golden Gate có 67 nhà hàng hoạt động dưới 11 thương hiệu (Ashima - chuỗi nhà hàng lẩu nấm, Kichi-Kichi, SumoBBQ, Gogi House, Ba Con Cừu, Vuvuzela, City Beer Station...).

Ngay khi Mekong Capital thoái vốn, Golden Gate cũng có nhà đầu tư mới. Cụ thể, Standard Chartered Private Equity (SCPE), một quỹ đầu tư tư nhân thuộc Ngân hàng Standard Chartered đã đầu tư 35 triệu USD vào Golden Gate. Đây là khoản đầu tiên đánh dấu sự tham gia của SCPE vào thị trường Việt Nam.

Hiện Golden Gate sở hữu 19 thương hiệu với 150 nhà hàng tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Biên Hòa, Vũng Tàu, Hạ Long, đồng thời, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nhà hàng mới để thực hiện mục tiêu dẫn đầu thị trường F&B của Việt Nam (khu vực dịch vụ ăn uống) với 400 nhà hàng vào năm 2018.

>Thị trường F&B: Sôi động nhượng quyền thương hiệu

>Thị trường F&B: Làm chủ cuộc chơi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường F&B: Hấp dẫn dòng vốn ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO