Thị trường đặc sản Việt: Vào siêu thị, ra nước ngoài

THANH NGÂN| 11/10/2015 02:16

Bằng biện pháp kết nối giữa nhà phân phối và cung ứng, hàng Việt, đặc biệt là các loại đặc sản đang hiện diện ở nhiều kênh bán lẻ và từng bước vươn ra thị trường thế giới.

Thị trường đặc sản Việt: Vào siêu thị, ra nước ngoài

Bằng biện pháp kết nối giữa nhà phân phối và cung ứng, hàng Việt, đặc biệt là các loại đặc sản đang hiện diện ở nhiều kênh bán lẻ và từng bước vươn ra thị trường thế giới. 

Đọc E-paper

Vào siêu thị

Cuối tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị chắp nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức, hơn 40 doanh nghiệp (DN) địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã kết nối với 6 đơn vị phân phối có hệ thống siêu thị phủ rộng là Co.opmart, Lotte Mart, Big C, Aeon...

Điều đáng nói là mặt hàng đưa vào bán trong những hệ thống siêu thị này là các loại đặc sản địa phương như đường thốt nốt, khô cá sặc, khô cá lóc, dưa mắm các loại, cam sành, bưởi 5 Roi...

Đây được xem là phương cách giúp hàng đặc sản Việt đến tận tay người tiêu dùng đồng thời thúc đẩy hàng Việt phát triển, hình thành chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả.

Là DN kinh doanh các loại khô cá sặc, cá lóc, cá chạch... nổi tiếng tại Đồng Tháp, thế nhưng, lâu nay sản phẩm của Công ty CP Tứ Qúy Đồng Tháp chỉ đưa vào các chợ truyền thống và các cửa hàng đặc sản.

Nhưng trong đợt kết nối này, Tứ Qúy Đồng Tháp đã được Saigon Co.op đồng ý đưa vào bán tại hệ thống hơn 70 siêu thị Co.opmart.

Ông Đỗ Qúy Bình - Giám đốc Công ty CP Tứ Qúy Đồng Tháp, cho biết: "Sản phẩm của Công ty trước đây chỉ bán ở các chợ truyền thống, cửa hàng đặc sản nên số lượng tiêu thụ còn hạn chế nhưng sắp tới đây với sự hỗ trợ đầu ra từ Saigon Co.op, chúng tôi tin số lượng sẽ tăng nhiều so với mức 10 tấn/tháng như hiện nay", ông Đỗ Qúy Bình, cho biết.

Cùng với Saigon Co.op, tại hội nghị này, Big C đã ký kết với 11 nhà cung ứng địa phương khu vực phía Nam như Công ty TNHH MTV mắm Bà Giáo Khỏe, Cở sở sản xuất bánh hạnh nhân Tiến Anh, Tổ hợp tác tàu hủ ky Mỹ Hòa, HTX bưởi 5 Roi Mỹ Hòa, Trang trại Nguyên Khanh Garden....

Chia sẻ về chương trình, đại diện Big C, cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Big C tìm đến với các sản phẩm địa phương.

Từ nhiều năm nay, thông qua chương trình do Bộ Công Thương tổ chức và cả những chương trình riêng, Big C đã tìm được hàng trăm nhà cung ứng đặc sản địa phương ở nhiều tỉnh - thành, từng bước giúp DN hoàn thiện bao bì, nhãn mác, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong quản lý bán lẻ hiện đại.

Nhờ vậy, nhiều DN gia đình, DN nhỏ và vừa như Mắm Bà Giáo Khỏe (An Giang), Rượu mận Sáu Tia (Cần Thơ), Rượu Ba Kích (Quảng Ninh), cà chua Rừng hoa Bạch Cúc (Đà Lạt)... đã mở rộng phạm vi phân phối đến đông đảo người tiêu dùng.

Mặt khác, nhờ những chương trình này mà Big C đã thu mua được nhiều mặt hàng đặc sắc của địa phương, góp phần đa dạng hóa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

Ra nước ngoài

Một tin vui nữa cho các DN địa phương là sản phẩm sẽ không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Bởi, hầu hết các nhà phân phối như Aeon, Co.opmart, Lotte Mart... đều có những chương trình "đưa hàng Việt ra nước ngoài".

Ông Kim Tae Ho - Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart, cho biết, tháng 6 vừa qua, bộ phận thu mua đã chọn được 8 nhà cung cấp để đưa hàng qua Hàn Quốc.

Trong tháng 10 tới, Lotte sẽ tổ chức hội chợ Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu tại 100 siêu thị Lotte Mart tại Hàn Quốc.

Với các chương trình này, Lotte Mart sẽ xuất 200 mặt hàng đặc sản của Việt Nam, gồm trái cây, nước yến, bánh gạo, đậu phộng... với tổng giá trị ước đạt 750.000 USD sang Hàn Quốc.

Là một trong những đơn vị nhiều năm đưa hàng Việt ra nước ngoài, năm 2014, Big C đã xuất khẩu một lượng lớn nông - đặc sản Việt Nam sang Pháp.

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Truyền thông hệ thống siêu thị Big C, cho biết, hiện đã có hơn 700 mặt hàng nông sản, đặc sản của hơn 60 nhà cung cấp được tiêu thụ tại Pháp.

Khách hàng Pháp rất thích các loại trái cây, trà túi lọc, bánh tráng, nem, bánh phồng, đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất...

Cùng với Big C, Aeon cũng đã làm việc với hơn 1.000 cung cấp Việt Nam để đưa hàng qua Nhật. Năm 2013, thông qua hệ thống bán lẻ, Aeon đã đưa một lượng hàng Việt Nam trị giá 60 triệu USD sang Nhật.

Cũng như các hệ thống siêu thị ngoại, nhiều năm qua, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng tăng cường xuất khẩu hàng Việt.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Saigon Co.op (đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị Co.opmart), cho biết, 9 tháng đầu năm nay, doanh số xuất khẩu hàng Việt sang Singapore của Saigon Co.op tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năng trước.

Các mặt hàng chủ lực là mà Saigon Co.op xuất qua Nhật là thanh long, khoai lang... "Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu thông qua đối tác Fairprice (Singapore) tăng 60%", ông Võ Hoàng Anh, cho biết.

Hàng nông - đặc sản "xuất ngoại" chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, bởi ngoài chương trình xúc tiến thương mại của các nhà phân phối , các các chương trình của Bộ Công Thương cũng liên tục được triển khai.

Ba năm qua, các chương trình quảng bá hàng Việt tại các nước đã được Bộ Công Thương triển khai.

Vào tháng 11 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức "Tuần lễ hàng Việt Nam" tại hệ thống siêu thị Selgros (Đức). Vào tháng 6 năm sau, chương trình sẽ diễn ra tại hệ thống siêu thị Big C Casino (Pháp).

>“Đổi vận” cho đặc sản miền Tây

>Nhà phân phối đua tìm đặc sản

>Vào siêu thị Trung Quốc - cơ hội lớn cho hàng Việt

>Vì sao hàng Việt "thua" hàng Trung Quốc ở nông thôn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường đặc sản Việt: Vào siêu thị, ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO