Thị trường bán lẻ Việt: Nhìn từ thương vụ Central Group thâu tóm Big C

VÂN THẢO (tổng hợp)| 05/05/2016 03:48

Lý do khiến cho Saigon Co.op thất bại trong việc thâu tóm hệ thống siêu thị Big C chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm trong thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay.

Thị trường bán lẻ Việt: Nhìn từ thương vụ Central Group thâu tóm Big C

Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp (DN) ngoại, đặc biệt các DN đến từ Thái Lan, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn.

Cuộc đua giữa các "đại gia" ngoại

Mới đây, Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD. Theo đó toàn bộ hệ thống siêu thị Big C của Việt Nam sẽ thuộc quyền sở hữu của Central Group thay vì Tập đoàn Casino (Pháp).

Theo giới phân tích, sức hút lớn của Big C Việt Nam đến từ những “tài sản” mà nhà bán lẻ này đang sở hữu, gồm hệ thống điểm bán lẻ đứng thứ 2 Việt Nam (sau Saigon Co.op) với 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi C Express, trang thương mại điện tử Cdiscount.vn; lượng khách hàng lên đến hơn 50 triệu lượt/năm và 2,8 triệu khách hàng thành viên.

Doanh thu của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ năm 2002-2014 (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: Casino Group

Ngoài ra, sức hấp dẫn của Big C Việt Nam còn nằm ở chỗ thương vụ này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đua giành vị trí số 1 về bán lẻ tại Việt Nam. TCC cũng chính là tập đoàn đã mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro Việt Nam hồi 2015.

Trước khi nắm trong tay Big C, người Thái đã sở hữu 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất, chiếm 70% thị trường bán lẻ trong siêu thị Việt Nam, gồm: Robins (Central Group), Nguyễn Kim (Power Buy - đơn vị thuộc Central Group), Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - Berli Jucker (BJC) - đơn vị thuộc Tập đoàn ThaiBev), Metro Cash & Carry Việt Nam (TCC).

Trước đó, theo thông tin từ Bộ Công Thương, nhiều tập đoàn khổng lồ về bán lẻ của thế giới như Wal-Mart (Mỹ) hay Auchan (Pháp) đang tìm kiếm các nhà cung ứng để tiến bước chính thức hoạt động tại Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cụ thể, Tập đoàn Auchan (Pháp) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty CP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) đồng thời ký hợp đồng thuê mặt bằng của Trung tâm Thương mại Long Biên (Hà Nội), để triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc. Tập đoàn này cho biết, có thể đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng chuỗi đại siêu thị trong 10 năm tới.

Nhiều thương hiệu lớn khác như Tập đoàn E-mart (Hàn Quốc), Seven Eleven của CP Thái Lan cũng bước đầu tham gia thị trường.

Dù bị đánh giá chậm chân khi vào Việt Nam, tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc Lotte tuyên bố, đến năm 2020 sẽ lập tổng cộng 60 siêu thị tại Việt Nam trong khi Aeon của Nhật Bản cũng thông báo sẽ mở tổng cộng 20 trung tâm thương mại. Nắm bắt tâm lý chuộng đồ Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon cho biết sẽ đi theo mô hình cân bằng 30% hàng nhập từ Nhật Bản, 30% hàng Việt Nam và 30% hàng nhập từ các nước khác.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian đầu, người tiêu dùng Việt sẽ hưởng lợi, nhưng bản thân nền kinh tế, DN Việt sẽ rất khó khăn và vất vả trong cuộc đua mới với các đại gia ngoại này.

Vì sao DN Việt thua trên sân nhà?

Theo các chuyên gia, đến nay Việt Nam đã mất quá nửa thị phần bán lẻ hiện đại, và trong tổng số khoảng 100 siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, Thái Lan chiếm một nửa, bên cạnh đó là Lotte, Aeon, Emart... Chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam của người Thái hết sức bài bản: tiếp thị sản phẩm, tham gia vào phân phối, thâu tóm và trực tiếp sản xuất.

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2016, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng 1,8 tỷ USD. Trước đó, Việt Nam chi 8,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hoá Thái Lan trong 2015, và năm 2014 con số này ở mức 7,1 tỷ USD. Trong cán cân thương mại hai chiều, từ năm 2010 đến nay Việt Nam luôn nhập siêu từ Thái Lan.

Còn theo Tổng cục Hải Quan, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu của Thái Lan rất đa dạng, từ rau, từ rau quả đến các mặt hàng tiêu dùng, từ hàng điện tử đến sản phẩm có giá trị cao là ô tô. Năm 2015, xe ô tô các loại (xe tải, xe du lịch, xe khách, xe chuyên dụng) nhập từ Trung Quốc là 26.700 chiếc, xe Hàn Quốc hơn 26.500 chiếc, thì xe Thái Lan cũng đạt 25.000 chiếc.

Riêng trong lĩnh vực bán lẻ, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao trăn trở: “Người ta đang đặt câu hỏi, bán lẻ ngoại được bán cho nước ngoài thì có lợi hay bất lợi cho Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là hai phạm trù của một vấn đề mà nước nào cũng gặp phải”.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội phân tích: "Các nước đều coi thị trường trong nước là sân nhà, điểm tựa của mình và xuất khẩu là vũ khí phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các DN tập trung chủ yếu vào xuất khẩu. Trong khi họ chưa thành công về xuất khẩu vì sản phẩm Việt vẫn xuất thô để cho các nước chế thành các sản phẩm với bao bì khác, nhãn hàng khác thì tại thị trường trong nước, các DN Việt lại đánh rơi, hay nói đúng hơn, bỏ rơi thị trường trong nước vì giá trị thị phần nhỏ, tiềm năng không lớn".

Ngoài ra, theo ông Phú, trên thực tế, các DN bán lẻ ngoại được ưu tiên vị trí đẹp hơn các DN nội, một phần vì chính quyền các địa phương thường “thích” dự án FDI thay vì các dự án nội có quy mô nhỏ.

“Trong khi tại một số nơi, DN bán lẻ Việt xin đất làm dự án mất ít nhất 3 tháng, nhưng một DN ngoại chỉ mất 1 tháng”, ông Phú dẫn chứng.

Được biết, trong thương vụ mua lại Big C Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước như Công ty CP Thăng Long GTC (thành viên Hanoitourist), Saigon Co.op và Masan Group (Việt Nam) cũng đã tham gia, sau đó Saigon Co.op đã lọt vào vòng đàm phán cuối cùng. Tuy nhiên, tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ diễn ra ngày 29/4 ở TP.HCM, ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã chia sẻ: "Chúng tôi gặp khó khăn vì DN trong nước muốn tiến hành thương vụ mua lại DN nước ngoài (Big C là nhà đầu tư đến từ châu Âu) phải xin được giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Đối tác hỏi Saigon Co.op có xin được giấy phép đầu tư ra nước ngoài không và lo lắng về điều này, vô tình đặt chúng tôi vào tình thế hết sức khó khăn. Đây cũng là rào cản để DN Việt Nam tham gia vào hoạt động mua bán DN".

Trên thực tế, lý do khiến cho Saigon Co.op thất bại trong việc thâu tóm hệ thống siêu thị Big C chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm trong thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thì việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước theo các cam kết WTO không có nghĩa là các DN bán lẻ nước ngoài muốn làm gì thì làm.

Có khá nhiều quy định của WTO cho phép Việt Nam quản lý một cách chặt chẽ việc đầu tư của các DN bán lẻ nước ngoài. Đơn cử, trước khi các DN nước ngoài mở cơ sở bán lẻ phải xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm đó thì mới được các cơ quan quản lý trong nước cấp phép, hay còn gọi “quy định ENT”.

Ở nhiều quốc gia, quy định ENT được sử dụng như một biện pháp để chống việc chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh từ phía các DN bán lẻ nước ngoài. Ví dụ, các DN nước ngoài không được phép mở các siêu thị lớn quá gần các siêu thị có trước đó để tránh xảy ra tình trạng vi phạm nguyên tắc là đáp ứng vừa đủ nhu cầu kinh tế cần thiết của một khu vực dân cư, đồng nghĩa với việc tránh để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Quy định này được xem như một biện pháp bảo hộ cần thiết với các DN bán lẻ trong nước trước áp lực từ các DN bán lẻ nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính và trình độ quản lý tốt hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam, điều này dường như chưa được quan tâm đến. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cơ quan này đã từng đề xuất lên Bộ Công Thương đề án quy hoạch, trong đó nội dung các đại siêu thị phải cách nhau khoảng 30 km, nhưng không được chấp thuận.

Tình trạng cấp phép tràn lan, thiếu quy hoạch cụ thể của các cơ quan quản lý trong nước cho các DN bán lẻ nước ngoài thời gian vừa qua cũng được xem là một nguyên nhân khiến cho các DN bán lẻ trong nước đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Tại một số địa phương, những dự án lớn của các DN bán lẻ nước ngoài thường được ưu tiên ở những vị trí đẹp với mục đích cải tạo bộ mặt đô thị, nhưng lại đang trở thành nguyên nhân bóp chết các DN bán lẻ trong nước.

Cạnh tranh để phát triển

Trước tình hình trên, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền cho rằng, không nên quá lo việc các đại gia bán lẻ thế giới đổ bộ vào Việt Nam. Việc các DN ngoại vào sẽ khiến các DN trong nước phải nhìn nhận lại toàn bộ quy trình hoạt động nếu không muốn bị đóng cửa, phá sản vì không cạnh tranh được.

Với người tiêu dùng, các "đại gia" ngoại sẽ cung cấp nguồn hàng chất lượng tốt và đặc biệt sẽ giúp hàng nghìn hộ nông dân định hướng lại việc sản xuất theo quy trình an toàn, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng.

“Thực tế, Metro, Big C vào Việt Nam 20 năm nay nhưng qua quá trình cạnh tranh, các DN trong nước đã nâng cao hiệu quả hoạt động rất nhiều. Các DN ngoại vào thị trường nhưng họ vẫn phải bán các sản phẩm trong nước chứ không thể bán 100% sản phẩm nhập khẩu. Cùng đó, chúng ta vẫn có công cụ kiểm soát được hoạt động của họ nên cũng không nên quá bi quan. Đây phải được coi là cơ hội để các DN bán lẻ trong nước nâng cao sức cạnh tranh của mình”, ông Quyền phân tích.

Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Xu hướng liên kết hóa, mở cửa là không nước nào tránh khỏi được. Việt Nam là nước hội nhập sau nên có dư địa về thị trường bán lẻ rất lớn, giá trị thị trường hàng tỷ đô la đang “phơi” ra cho các chủ tư bản, cá mập tập đoàn nhòm ngó".

Tuy nhiên, ông Doanh đặt vấn đề, tại sao những nhà kinh doanh bán lẻ hàng đầu thế giới chịu nhượng lại cho các chủ đầu tư Thái những chỗ ngon nhất, đẹp nhất? Phải chăng Metro hay BigC thua lỗ? Hay lợi thế thị trường có nhiều nhưng DN Việt chưa biết cách tận dụng, khai thác…?

"Các DN bán lẻ Thái rất mạnh, họ chiếm lĩnh rất nhiều thị trường bán lẻ của Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipines và gần đây là Việt Nam. Người Thái xâm nhập Việt Nam hết sức bài bản, có trường hợp giám đốc dự án đi học tiếng Việt để giao tiếp với thương nhân Việt. Mỗi năm, người Thái mở 1 – 3 lần hội chợ hàng tiêu dùng tại Hà Nội, TP.HCM", ông Doanh cho biết.

Có thể thấy, thời gian tới, chắc chắn cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên khốc liệt hơn đòi hỏi các DN Việt phải tự đổi mới mình và tăng cường liên kết với nhau để giữ vững thị phần và phát triển ngành bán lẻ nội địa.

>Big C Việt Nam: Cuộc đua thâu tóm giữa các đại gia ngoại

>Hấp dẫn Big C

> Thương vụ thâu tóm Metro: Ông chủ người Thái lên tiếng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bán lẻ Việt: Nhìn từ thương vụ Central Group thâu tóm Big C
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO