Thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp nội "lên tiếng"

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 27/10/2018 03:37

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bán lẻ liên tục diễn ra và hiện tại là sự trỗi dậy của Vingroup - một doanh nghiệp nội chưa có nhiều thâm niên trong lĩnh vực này.

Thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp nội

Fivimart đã về tay Vingroup. Ảnh: T.Linh

Cuối tháng 9, Công ty CP Dịch vụ Thương mại VinCommerce - đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup công bố hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Fivimart của Công ty CP Nhất Nam. Đây là đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu 23 điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương.

Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Việc mua lại Fivimart của Vingroup nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

Chia sẻ về thương vụ M&A với Công ty CP Nhất Nam, bà Thái Thị Thanh Hải - Tổng giám đốc VinCommerce cho biết: "Trong chiến lược phát triển của VinCommerce, các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ không chỉ có mặt tại toàn bộ các khu đô thị Vinhomes, các trung tâm thương mại Vincom trên cả nước mà sẽ mở rộng tới từng khu dân cư để phục vụ đông đảo người tiêu dùng bằng những sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tận tâm. Thương vụ sáp nhập hệ thống Fivimart là một trong những bước đi để hiện thực hóa kế hoạch này của chúng tôi".

Link bài viết

Cũng theo bà Thái Thị Thanh Hải, sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ đổi tên thành VinMart. Bên cạnh việc tiếp tục kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng, phân phối các mặt hàng thực phẩm, gia dụng, đồ dùng hóa mỹ phẩm..., các siêu thị mới này sẽ được tăng cường nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống an toàn vốn là đặc trưng của chuỗi VinMart, cũng như bổ sung thêm nhiều sản phẩm phong phú và các nhãn hàng riêng như nông sản VinEco, thực phẩm sơ chế và chế biến VinMart Cook, các mặt hàng tiêu dùng gia đình VinMart Home...

VinCommerce cũng sẽ tiến hành nâng cấp mọi mặt, từ cơ sở vật chất, hàng hóa, chất lượng nhân sự cũng như thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ hiện nay.

Trước Fivimart, cuối năm 2015, Vingroup đã mua chuỗi 9 siêu thị Maximark của Công Ty đầu tư An Phong. Thành lập năm 1996 với siêu thị đầu tiên rộng hơn 5.000m2 tại TP.HCM, Maximark đã trở thành là một trong những hệ thống bán lẻ có uy tín tại khu vực nam Trung bộ và Nam bộ.

Chia sẻ với báo giới thời điểm đó, ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, thương vụ Maximark nằm trong chiến lược tăng tốc mở rộng hệ thống bán lẻ Vingroup trên toàn quốc, nhằm khẳng định vị trí hàng đầu thị trường.

"Bên cạnh việc mang đến phong cách mua sắm, tiêu dùng hiện đại theo xu hướng thế giới cho người Việt, là thương hiệu Việt 100%, chúng tôi sẽ hợp lực cùng các doanh nghiệp trong nước giữ vững thị phần cho hàng Việt và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài", ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ.

Thực ra, chiến lược M&A đã được Vingroup thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Trước Maximark, giữa năm 2015, Vingroup đã mua chuỗi 39 siêu thị Vinatexmart của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Năm 2014, Vingroup bắt đầu tham gia vào thị trường bán lẻ bằng việc mua lại 13 siêu thị Ocean Mart của Công ty Ocean Retail.

Link bài viết

Tập đoàn Vingroup liên tục đầu tư mở rộng cả về quy mô lẫn nâng cao chất lượng dịch vụ khẳng định sự đầu tư nghiêm túc, bài bản trong lĩnh vực bán lẻ với mục tiêu tạo dựng nên một kênh phân phối nội địa thực sự vững chắc, góp phần hỗ trợ các ngành hàng sản xuất trong nước giữ vững thị phần trên các kênh bán lẻ hiện đại.

Chỉ sau chưa đầy 4 năm tham gia thị trường bán lẻ, các thương hiệu VinMart và VinMart+ của Vingroup đã trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất và tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam. Hệ thống VinMart và VinMart+ lọt vào Top 2 nhà bán lẻ được người tiêu dùng nghĩ đến nhiều nhất và Top 10 nhà bán lẻ uy tín nhất (theo thống kê của Vietnam Report). Trong khi đó, hệ thống trung tâm thương mại Vincom của tập đoàn này cũng đạt đến 60 trung tâm trên toàn quốc.

Không chỉ Vingroup, nhà bán lẻ số 1 Việt Nam là Saigon Co.op cũng đã từng chọn phương thức M&A để lớn mạnh. Đó là câu chuyện muốn mua hệ thống Big C tại Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp). Thế nhưng, cơ hội mua Big C Việt Nam bị bỏ qua vì cơ chế chính sách đầu tư nước ngoài cản trở. Vì vậy mà Big C Việt Nam đã vào tay nhà đầu tư Thái Central Group. Theo lãnh đạo của Saigon Co.op, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

"Cốt lõi để một thương hiệu bán lẻ Việt Nam như Saigon Co.op trụ vững suốt gần 30 năm nay chính là ý thức chủ động học hỏi và nắm bắt xu hướng thị trường, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng và đồng thời phải biết xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tính gắn kết, nhân văn để người lao động yên tâm cống hiến vì một thương hiệu bán lẻ của người Việt và vì người Việt", vị này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp nội "lên tiếng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO