“Thêm cửa” cho doanh nghiệp may mặc

Lữ Ý Nhi| 29/07/2019 06:39

Trong lúc nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc đang ôm nỗi lo hàng tồn khi siêu thị Big C tạm ngừng nhập mặt hàng may mặc Việt Nam, một số siêu thị trong nước đã đồng hành, tổ chức nhiều chương trình cho các DN may mặc có thêm cơ hội để nâng cao chất lượng, cạnh tranh trên sân nhà.

“Thêm cửa” cho doanh nghiệp may mặc

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn tự hào là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, các DN lại để ngỏ thị trường nội địa cho các hãng thời trang nước ngoài. Những năm gần đây, nhiều DN dệt may đã có chiến lược quay trở lại thị trường trong nước. Hiện, Việt Nam có hơn 150 DN may mặc đang từng bước nội địa hóa sản phẩm, đầu tư máy móc, dây chuyền, gia tăng giá trị sản phẩm. “Song, dù thị trường nội địa có tiềm năng, điều kiện thuận lợi luôn sẵn có, nhưng để chiếm được thị phần từ 10-30% ở thị trường nội địa là điều rất khó và nhiều trở ngại đối với DN dệt may Việt Nam”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM chia sẻ.

Một trong những trở ngại, đó là tâm lý người dùng chưa tin tưởng hoàn toàn vào chất lượng hàng may mặc Việt. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hệ lụy này là do thị trường này vẫn còn nhiều sản phẩm vàng thau lẫn lộn. Một DN (xin giấu tên) cho biết: “Do hàng may mặc Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu nên sản phẩm chất lượng thì giá thành luôn cao, khó cạnh tranh với sản phẩm các nước như Thái Lan, Trung Quốc... Chính vì vậy, nhiều cơ sở may gia công, DN chạy theo lợi nhuận đã tung ra sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nhập khẩu hàng Trung Quốc chất lượng thấp về dán mác Việt Nam và cạnh tranh với các DN may mặc có thương hiệu trong nước với giá rẻ hơn rất nhiều”.

Là DN đang có sản phẩm cung ứng trong siêu thị Big C, chị NTT - Giám đốc DN may mặc VM cũng cho biết: “Ngay cả trong siêu thị Big C, cũng có nhiều hàng may mặc chất lượng kém, dán nhãn mác hàng Việt nhưng là hàng Trung Quốc. Có lẽ, đây cũng là một phần lý do siêu thị này ngưng nhận hàng may mặc để sàng lọc DN. Vì vậy, đây cũng là lúc DN trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh tốt hơn”.

Để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng may mặc chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ DN đang phải loay hoay đầu ra sau vụ Big C, nhiều siêu thị như VinMart, Co-op Mart đã nhanh chóng đưa ra nhiều chương trình đồng hành với DN như: chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Đưa sản phẩm dệt may vào hệ thống bán lẻ trên cả nước”, và mới đây, VinMart tổ chức hội chợ hàng may mặc với chủ đề: “VinMart đồng hành cùng dệt may Việt Nam” diễn ra trong suốt tháng 7 tại các hệ thống siêu thị VinMart.

Ông Trịnh Phan Đăng Hòa - Giám đốc VinMart cho biết: “Việc VinMart đồng hành cùng DN Việt, tạo ra các kênh khuyến mãi, bán hàng không ngoài mục đích tạo điều kiện cho khách hàng có thêm kênh mua sắm, tiếp cận với sản phẩm Việt Nam có chất lượng và cũng là nơi cho các DN, nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam có điều kiện tiếp cận sản phẩm uy tín của mình đến với khách hàng, qua đó, tạo thêm động lực để DN nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã”. Chị Ngọc Mai ở quận 7 cho biết: “Mua sắm tại hội chợ này, tôi thấy có nhiều sản phẩm tốt, giá cả hợp lý và tôi đã thay đổi quan điểm về hàng Việt Nam”.

Riêng Big C Việt Nam cũng cho biết, với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc tại Big C, đơn vị này cũng đang chọn lọc để tiếp tục hợp đồng cung cấp với các DN có sản phẩm chất lượng tốt nhất để đáp ứng nhu cầu người dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Thêm cửa” cho doanh nghiệp may mặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO