Tái bảo hiểm có thực sự hấp dẫn?

24/07/2013 07:59

2012 là năm tương đối thành công của ngành bảo hiểm khi tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành tăng 12% so với năm 2011, đạt gần 41.000 tỉ đồng.

Tái bảo hiểm có thực sự hấp dẫn?

2012 là năm tương đối thành công của ngành bảo hiểm khi tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành tăng 12% so với năm 2011, đạt gần 41.000 tỉ đồng. Thế nhưng, tốc độ tăng đã giảm đáng kể so với năm 2011 (18)% và năm 2010 (20,72%), theo số liệu của Bộ Tài chính.

Trong số các công ty bảo hiểm, Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao. Doanh thu phí tái bảo hiểm của công ty này đã tăng đến 13,23% so với năm 2011.

So với các công ty bảo hiểm thông thường, Vinare có mô hình hoạt động khá đặc biệt. Công ty không phải cạnh tranh tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, mà kinh doanh nhờ vào liên kết với các công ty bảo hiểm khác thông qua nghiệp vụ tái bảo hiểm.

Theo đó, công ty bảo hiểm sẽ chuyển một phần rủi ro của việc bảo hiểm cho công ty nhận tái báo hiểm là Vinare. Đổi lại, Vinare sẽ được hưởng một mức phí tái bảo hiểm và sẽ san sẻ một phần trách nhiệm thanh toán cho khách hàng với công ty bảo hiểm gốc.

Sức ép lớn

Vinare đạt được kết quả kinh doanh khá tốt là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lịch sử. Vinare được thành lập vào năm 1994 và là đơn vị độc quyền về sản phẩm tái bảo hiểm ở Việt Nam cho đến tháng 8/2011 khi Tổng Công ty Bảo hiểm PVI bước vào lĩnh vực này. Có lẽ do có một thời gian dài giữ vị trí độc tôn, Vinare đã tích lũy được kinh nghiệm cho cuộc cạnh tranh trên thị trường sau này.

Đến năm 2008, Vinare đã bán 25% cổ phần với giá 79 triệu USD cho Swiss Re, một trong những tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới. Việc công ty Thụy Sĩ này trở thành đối tác chiến lược đã hỗ trợ cho Vinare rất nhiều, đặc biệt trong quản trị rủi ro, công nghệ và mở rộng khách hàng.

Ngoài Swiss Re, Vinare còn có các cổ đông lớn là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC (40,36%), các công ty bảo hiểm khác (25%), Quỹ Đầu tư Templeton Frontier Markets Fund (5%). Như vậy, chỉ còn khoảng 5% cổ phần của Vinare là do các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác nắm giữ.

Trước đây, Vinare còn được hưởng lợi từ việc Chính phủ buộc các công ty bảo hiểm trong nước phải chuyển ít nhất 20% nghiệp vụ tái bảo hiểm cho Vinare. Nhưng kể từ năm 2008, quy định này đã được bãi bỏ, khiến Vinare chịu sức ép cạnh tranh lớn vì các doanh nghiệp bảo hiểm đã có thể mở rộng tái bảo hiểm với công ty nước ngoài. Có thể thấy, năm 2009, phí nhượng tái bảo hiểm toàn thị trường đạt 4.302 tỉ đồng nhưng phần phí trong nước được hưởng chỉ khoảng 45%.

Theo dự báo của Công ty Research and Markets, tốc độ tăng trưởng của thị trường tái bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2012-2016 sẽ đạt 16%/năm, một con số khá lạc quan. Tuy nhiên, Vinare đã không còn được hưởng lợi lớn từ mức tăng trưởng này.

Ngoài sức ép cạnh tranh từ đối thủ trong nước PVI và các công ty nước ngoài, Vinare còn phải đối mặt với những rủi ro khó lường, nhất là thiên tai. Theo công ty xếp hạng tín dụng trong lĩnh vực bảo hiểm A.M.Best (Mỹ), Việt Nam có khá nhiều rủi ro từ tự nhiên như động đất ở phía Bắc, bão lũ ở miền Trung và miền Nam, có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh lợi của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.

Thêm vào đó, ngoài việc thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần, Vinare còn phải thực hiện một số hoạt động chịu sự chỉ đạo của Chính phủ. Năm 2012, Vinare đã tham gia thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp, khiến Công ty bị lỗ 19,7 tỉ đồng do ảnh hưởng bởi những tổn thất trong ngành thủy sản.

Lợi nhuận không đến từ tái bảo hiểm

Mảng tái bảo hiểm chỉ chiếm 12% lợi nhuận trước thuế năm 2012 của Vinare

Trong cơ cấu các mảng mang lại lợi nhuận trước thuế cho Vinare năm 2012, lợi nhuận từ mảng đầu tư tài chính chiếm đến 67% tổng lợi nhuận, theo sau là mảng góp vốn liên doanh vào các công ty khác (chiếm gần 20%). Trong khi đó, mảng tái bảo hiểm chỉ chiếm 12%.

Trong mảng đầu tư tài chính, khoản tiền gửi ngắn hạn vào ngân hàng chiếm đến 96%, rồi đến các mảng kinh doanh chứng khoán. Riêng mảng tiền gửi ngắn hạn năm 2012 đã mang lại 212 tỉ đồng doanh thu cho Công ty, chiếm tỉ trọng lớn nhất, trong khi các mảng đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu lại khá khiêm tốn.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2012 của Vinare, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn năm 2012 khá cao, dao động từ 9,4% đến 12%/năm đối với nội tệ và 4,5% đến 5% đối với ngoại tệ.

Một chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm (không muốn nêu tên) cho rằng tỉ trọng tiền gửi ngân hàng cao như thế có thể hợp lý vì công ty tái bảo hiểm phải chuẩn bị sẵn sàng nhu cầu thanh toán cho khách hàng, đặc biệt là đối với các sản phẩm tái bảo hiểm phi nhân thọ, vốn có thời gian thanh toán thông thường dưới 1 năm.

“Năm 2012, thị trường không có tín phiếu với kỳ hạn thanh toán dưới 1 năm nên có thể Vinare đành để nhiều tiền trong ngân hàng”, vị này nói.

Gửi tiền ngắn hạn sẽ hạn chế rủi ro mất khả năng thanh toán khi cần phải chi trả cho khách hàng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động trên thị trường đang giảm mạnh có thể sẽ tác động đáng kể đến doanh thu tài chính của Vinare trong năm nay.

Vậy có cách nào có thể giúp Vinare gia tăng nguồn thu? “Năm nay, trên thị trường có tín phiếu và Vinare có thể đầu tư vào công cụ này”, vị chuyên gia nói trên gợi ý.

Một mảng khác có thể mang lại lợi nhuận lớn cho Công ty là góp vốn đầu tư vào các công ty khác. Hiện nay, Vinare đã góp vốn vào 10 công ty, nổi bật là Ngân hàng Tiên Phong với tỉ lệ sở hữu 5,47% (trị giá 278 tỉ đồng), Chứng khoán Đại nam, Bảo hiểm PJICO, Bảo hiểm Hùng Hương, Bảo hiểm Samsung Vina. Hoạt động góp vốn đầu tư đã đóng góp khá tốt vào lợi nhuận của Công ty năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái bảo hiểm có thực sự hấp dẫn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO