Sức nóng từ bát mì ăn liền 3.500 đồng

LỮ Ý NHI| 14/08/2016 06:24

Khó ăn" ở phân khúc mì ăn liền cao cấp, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng tập trung vào phân khúc phổ thông (bình dân), có giá bán 3.500 đồng/gói trở xuống.

Sức nóng từ bát mì ăn liền 3.500 đồng

Theo đánh giá của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Vương quốc Anh), ngành hàng mì ăn liền ở Việt Nam có doanh thu khoảng 24.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng 2 năm 2014 - 2015, mức tiêu thụ liên tục giảm, nhất là phân khúc cao cấp. Dù vậy, cuộc đua giữa các "ông lớn" trong ngành này ở Việt Nam vẫn không hạ nhiệt. 

Đọc E-paper

"Khó ăn" ở phân khúc mì ăn liền cao cấp, nhiều doanh nghiệp (DN) chuyển hướng tập trung vào phân khúc phổ thông (bình dân), có giá bán 3.500 đồng/gói trở xuống, khiến thị phần này trở nên chật chội, nhiều thương hiệu dần đuối sức.

Không thể cạnh tranh với Acecook và Masan nhưng nhận ra phân khúc bình dân còn rộng đất, Asia Foods tung mì Gấu Đỏ. Chiến lược khôn ngoan này cùng với việc mạnh tay chi 150 tỷ đồng cho quảng cáo (những năm trước chỉ 30 tỷ đồng), đã đưa Asian Foods lên "chiếu trên" cùng Acecook, Masan và chiếm thị phần thứ ba.

Mặc dù đến thời điểm này chưa có thương hiệu nào soán ngôi Asia Foods nhưng 2 năm gần đây, khi phân khúc bình dân đang có gần 100 nhãn hàng đua tranh, Gấu Đỏ đang thấm mệt, có thông tin cho biết doanh thu năm 2014 và 2015 của Gấu Đỏ giảm lần lượt 15% và 20%.

Mặc dù định hướng không cạnh tranh về giá mà tập trung vào chất lượng nhưng "không để sót" phân khúc phổ thông đang có nhu cầu lớn, Acecook góp mặt thêm 4 nhãn hàng là mì Bốn Phương, Số Đỏ, Hảo 100 và Doroemon đã kịp chia thị phần với Kokomi, Gấu Đỏ, 3 Miền.

Ông Kajiwara Junichi - TGĐ Acecook Việt Nam khẳng định: "Bốn nhãn hàng trên của Công ty có mức giá dễ mua còn chất lượng vẫn giữ nguyên. Vì vậy, doanh thu của các sản phẩm thuộc phân khúc này chỉ đóng góp khoảng gần 10% doanh thu của toàn Công ty nên Acecook không tập trung nghiên cứu thêm hương vị mới cho sản phẩm giá thấp mà chỉ củng cố. Ngay cả chi phí quảng cáo cũng chỉ đầu tư tương thích với hiệu quả nó mang lại".

>>GDP và "con đường mì gói"

Giữa lúc phân khúc bình dân đang cạnh tranh gay gắt thì "tân binh" Kido góp mặt sản phẩm Đại Gia đình An Hảo với tham vọng đạt 400 tỷ đồng doanh thu cho mảng mì ăn liền trong năm 2015.

Dù tự tin với thế mạnh kênh phân phối có sẵn đồng thời "đi tắt" bằng cách liên kết sản xuất với Saigon Vewong để giảm chi phí đầu tư, tranh thủ lợi thế của đối tác để bù đắp điểm yếu của "kẻ đến sau", nhưng kết thúc năm tài chính 2015, mảng mì gói vẫn không như kỳ vọng.

Kido phải thừa nhận: "Đi vào thị trường này chậm hơn dự kiến nên năm 2016, Kido thận trọng trong chiến lược đầu tư”.

Được biết, hiện Kido đang gặp 2 cái khó. Một là thói quen người tiêu dùng, nhất là rất khó thay đổi ở nông thôn. Hai là khó vượt qua các "ông lớn" trong cuộc đua marketing và quảng cáo. Mặc dù kinh phí của Kido không đến nỗi eo hẹp nhưng so với các công ty đang có doanh thu rất lớn, chi phí sản xuất ổn định và không phải khấu hao đầu tư thì Kido chưa thể đọ sức đường trường. Mà nếu có cũng sẽ bị dập bằng tiếp thị, quảng cáo kiểu bom tấn.

Trước Kido, để gỡ khó cho phân khúc mì cao cấp, Nissin đã len chân vào thị phần mì giá 3.000 đồng/gói với mì Waxada (Quá xá đã) và mì không chiên 365.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của đại diện Nissin: "Hai sản phẩm này cũng không mang lại doanh thu khả quan khi quanh năm Công ty phải theo đối thủ để chạy đua khuyến mãi". Đơn cử, trước đây Nissin khuyến mãi "mua một thùng tặng một gói", nay nhiều nhãn hàng đã khuyến mãi "mua một thùng tặng hai gói" và Nissin phải đua theo".

Thị trường còn có thêm nhãn hãng riêng từ các DN phân phối, như Big C với mì gói Wow có giá 2.200 đồng/gói. Bên cạnh đó, hàng loạt nhãn hiệu mì từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hong Kong cũng góp mặt khiến các thương hiệu mì lâu năm như Miliket - Cosula, Vifon bị dồn vào "sân chơi hẹp", trong số đó có đơn vị phải nhận làm gia công nhãn hàng riêng hoặc tìm đường xuất khẩu.

Giám đốc một công ty mì có tên tuổi tại TP.HCM (giấu tên) cho biết: "Mặc dù phân khúc bình dân khá lớn nhưng với giá bán dưới 3.000 đồng/gói mì ăn liền thì lợi nhuận cực thấp. Đó là lý do khiến nhiều DN bị đuối sức. Để có lãi mà vẫn có thể cạnh tranh về giá, một số DN đã giảm trọng lượng gói mì, thay vì 65gr còn 60gr/gói hoặc dùng bột mì loại hai, loại ba thay vì dùng loại một (giảm chi phí khoảng 5.000 đồng/kg)".

Theo tính toán của vị giám đốc này, một gói mì làm ra thì nguyên vật liệu chiếm 60 - 70% giá thành, chi phí sản xuất (nhân công, điện, nước...) chiếm 15 - 20%. Nếu DN đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước thải thì giá thành phải cộng thêm vài % nữa. Chưa kể chi phí quảng cáo, tiếp thị. Như vậy, nếu giá một gói mì 3.000 đồng thì lợi nhuận gần như không còn.

Mì chiên không tốt vì có Trans Fat?

Trans Fat không phải chỉ có dạng nhân tạo (do quá trình Hydro dầu thực vật, xử lý dầu thực vật ở nhiệt độ cao) mà trong những thực phẩm tự nhiên cũng có chứa Trans Fat, như thịt bò, thịt trâu, thịt cừu…, hoặc trong sữa và một số sản phẩm từ sữa. Trong sữa mẹ cũng có Trans Fat.

Trans Fat vẫn được cho phép dùng hằng ngày và ở mức dưới 1% tổng lượng calo nhu cầu, tương đương 20kcal (~ 2 g)/2.000 kcal cần thiết mỗi ngày. Theo quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), nếu sản phẩm có chứa dưới 0,5gr Trans Fat trên một khẩu phần ăn thì được phép công bố "Zero Trans".

Mì ăn liền chứa Acid Oxalic gây sạn thận?

Hiện có thông tin trên các phương tiện truyền thông cho rằng mì ăn liền gây ra sạn thận mà nguyên nhân là do mì ăn chứa nhiều Acid Oxalic. Sự kết hợp của Acid Oxalic với Canxi tạo ra Calci Oxalat, có thể gây kết tủa lắng đọng tạo thành sỏi ở các các cơ quan tiết niệu, gan mật, tụy. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân sỏi thận nên tránh hoặc hạn chế ăn thực phẩm có chứa hàm lượng lớn Acid Oxalic. Thông tin mì ăn liền chứa nhiều Acid Oxalic là chưa chính xác. Acid Oxalic có hai dạng: dạng tự nhiên và dạng nhân tạo. Acid Oxalic tự nhiên là Acid hữu cơ vốn có trong nhiều loại rau, củ, quả như ngò tây, cà rốt, bông cải xanh, trà, bột mì… Còn Acid Oxalic nhân tạo được dùng trong công nghiệp, sử dụng để tẩy trắng gỗ, tẩy rửa dụng cụ gia đình, xử lý nước thải.

Acid Oxalic không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong mì ăn liền. Lượng Acid Oxalic có trong mì ăn liền là do các nguồn nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm có thể chứa Acid Oxalic tự nhiên (bột mì, rau củ) nên các sản phẩm nào có sử dụng nguồn nguyên liệu này thì kết quả kiểm nghiệm có thể chứa Acid Oxalic.

TS-BS. Dư Thị Ngọc Thu (Khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy) khẳng định: "Mối liên quan giữa Acid Oxalic tự nhiên và sỏi thận là không cao. Đa số bệnh nhân sỏi thận có thành phần sỏi là Oxalat Calci (hơn 80%). Trong đó tập quán ăn uống, loại thức ăn sử dụng giàu Protein, đường tinh khiết, thức ăn giàu Natri, nhiều Acid Oxalic, ít sợi xơ làm tăng tỷ lệ bị bệnh sỏi niệu. Uống nước không đầy đủ cũng làm tăng nồng độ Canxi trong nước tiểu. Cần lưu ý, người bình thường ăn rau củ quả, ngũ cốc có Acid Oxalic tự nhiên với lượng ăn bình thường khó có tác dụng độc hay gây sỏi thận".

Mì ăn liền gây nóng?

Thành phần chính của mì ăn liền là bột lúa mì, có vai trò cung cấp năng lượng cũng như 3 nhóm chất dinh dưỡng chính là đạm, béo, bột đường. Trung bình, một gói mì ăn liền (75gr) cung cấp khoảng 350kcal.

Trong khi đó, nhu cầu năng lượng hằng ngày của một người trưởng thành là 2.300 - 2.700Kcal (nam) và 2.200 - 2.300Kcal (nữ). Và theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì mỗi ngày cơ thể cần nhiều loại chất dinh dưỡng thiết yếu khác nhau như chất đạm (Protein), chất béo (Lipid), chất bột đường (Glucid) và các Vitamin, khoáng chất và nước.

Các chất dinh dưỡng ấy đảm bảo sự sống hằng ngày nhưng nếu dư thừa sẽ sinh ra nhiều nhiệt năng. Đối với một số người do bài tiết mồ hôi ít hay ít vận động thì nhiệt trong cơ thể và nhiệt thải ra ngoài sẽ không cân bằng, gây dư thừa nhiệt tích tụ, dẫn đến "nóng trong người".

(Nguồn: Acecook Việt Nam)

>>Kinh Đô tham gia thị trường mì gói: Thêm bát có nát mâm?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức nóng từ bát mì ăn liền 3.500 đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO