Đi vào hoạt động từ năm 2006, từng có thời điểm sở hữu mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 100 cửa hàng, vượt qua những tên tuổi như Circle K hay Family Mart nhưng cuối cùng Shop & Go vẫn phải chuyển nhượng cho Vingroup. Giống nhiều mô hình cửa hàng tiện lợi khác, Shop & Go hoạt động 24/24, chuyên bán các mặt hàng tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế và phục vụ các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại...
Trước sức ép cạnh tranh với sự xuất hiện hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi khác, tình hình kinh doanh của Shop & Go ngày càng đi xuống. Năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, Shop & Go đã lỗ lũy kế 205 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 1,27 tỷ đồng. Tính từ năm 2016 cho đến khi sang nhượng chuỗi 87 cửa hàng còn lại của Shop & Go cho Vingroup (4/2019), bình quân mỗi tháng Shop & Go lỗ 200.000-300.000 USD, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Chia sẻ với ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Phú Thái Group - Phạm Đình Toàn cho rằng, muốn đạt được điểm hòa vốn trong kinh doanh của cửa hàng tiện lợi, mỗi chuỗi cần có từ 300-500 cửa hàng. Trường hợp chuỗi cửa hàng tiện lợi phát triển đúng format, dù bị lỗ, chủ đầu tư vẫn có thể bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Lý giải về điều này, ông Toàn cho biết, bất cứ hãng bán lẻ ngoại nào nhảy vào Việt Nam cũng chấp nhận lỗ bước đầu, sau đó mới phát triển và thu lãi. Nếu mua lại các chuỗi bán lẻ có sẵn trên thị trường, chủ đầu tư sẽ tận dụng được mặt bằng và cơ sở vật chất trước đó, không mất thời gian triển khai.