SFC thiếu PNJ

NGỌC THỦY| 10/10/2014 05:18

Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã không còn là cổ đông lớn nhất tại SFC. Liệu hoạt động của SFC sau khi PNJ rút đi có gặp biến động?

SFC thiếu PNJ

Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã không còn là cổ đông lớn nhất tại SFC. Liệu hoạt động của SFC sau khi PNJ rút đi có gặp biến động?

Đọc E-paper

PNJ rời đi

Ngày 29/9 vừa qua, PNJ đã bán thành công toàn bộ 5,55 triệu cổ phiếu SFC của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn, tương đương 49,13% vốn điều lệ của SFC. Hai nhà đầu tư đã mua số lượng cổ phiếu này là Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS (mua 2,77 triệu cổ phiếu, giữ hơn 24,56% vốn của SFC) và bà Trần Thị Thu Phượng (mua vào khoảng 2,77 triệu cổ phiếu, tương đương 24,75% vốn ở SFC).

Như vậy, cùng với việc chuyển nhượng 100.000 cổ phiếu ngày 10/9, PNJ đã thoái toàn bộ 50,02% vốn ở SFC, thu về 174,6 tỷ đồng từ đợt chuyển nhượng này.

Theo lý giải từ phía lãnh đạo PNJ, việc PNJ thoái vốn khỏi SFC nhằm mục đích tập trung vào kinh doanh chính là vàng bạc trang sức và cũng để tạo ra một khoản lợi nhuận bất thường. Nhìn trên báo cáo tài chính của PNJ, giá vốn của khoản đầu tư vào SFC là 138,6 tỷ đồng. Nghĩa là PNJ ghi nhận một khoản doanh thu tài chính 38 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến cổ phiếu PNJ lẫn SFC trở nên sôi động.

PNJ đầu tư vào SFC từ năm 2007. Ban đầu, đây chỉ là khoản đầu tư ngắn hạn của PNJ. Qua nhiều lần gom mua, PNJ đã tăng dần sở hữu cổ phần tại SFC. Đến ngày 5/7/2013, sau khi được chi trả cổ tức đợt 2/2013 bằng cổ phiếu, PNJ mới trở thành cổ đông chi phối tại SFC, với sở hữu 50,02% vốn tại SFC.

Từ thời điểm đó, SFC là công ty con của PNJ. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SFC, xác nhận, trước khi đầu tư vào SFC, PNJ không kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Mảng năng lượng mà PNJ tham gia chỉ là gas. Cụ thể, năm 1995, PNJ đã thành lập VinaGas là trạm chiết gas đầu tiên trong nội thành TP.HCM.

Trạm kinh doanh này về sau được cổ phần hóa và trở thành Công ty Năng lượng Đại Việt (2007) mà PNJ nắm 70% vốn. Và trong nhiều năm, kinh doanh gas chỉ đứng sau mảng kinh doanh vàng và bạc trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận cho PNJ.

Dù vậy, với tư cách là cổ đông lớn, PNJ vẫn có những tác động nhất định đến SFC. Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, những giá trị mà PNJ mang lại cho SFC là lớn và có thể nhận thấy rõ ràng. Việc đưa người PNJ vào vị trí chủ chốt nhất ở SFC được cho là đã góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh của SFC.

SFC kể từ sau thời điểm ông Tuấn Quỳnh tham gia quản trị, điều hành, đạt những thành tựu nhất định. Đơn cử, trong năm 2009, SFC đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn gấp đôi, từ 22,4 tỷ đồng (2008) lên 53,7 tỷ đồng (2009). Kinh doanh ở SFC tiếp tục khởi sắc trong năm 2010.

Chỉ từ năm 2011, hoạt động ở SFC có phần sa sút và lợi nhuận giảm mạnh. Nguyên nhân được lý giải do bối cảnh kinh doanh thực tế quá khó khăn so với dự báo. Mức thù lao xăng dầu trong năm 2011 quá thấp đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tính chung, doanh thu SFC kể từ năm 2008 đến nay vẫn đạt tăng trưởng khoảng 10-15%. Từ năm 2013, lợi nhuận của SFC đã tăng trở lại. Đặc biệt, chỉ mới 6 tháng đầu năm 2014, SFC đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

SFC vẫn ổn

Sau khi PNJ rút đi, SFC đã có thêm chủ mới là hai cái tên chưa từng nằm trong danh sách cổ đông lớn ở SFC. Trước khi mua hơn 2,77 triệu cổ phiếu SFC và nắm giữ 24,56% vốn ở SFC, Hàng hải STS không phải là cổ đông và không có đại diện ở SFC.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn Quỳnh, 2 cổ đông lớn mới này thực ra không phải là "người lạ” với SFC. Cả hai đều đang kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Sự hiện diện của họ hoàn toàn không phải là đầu tư tài chính mà là sự hợp tác trong chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, STS là một công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu có uy tín và khi hợp tác với SFC - công ty bán lẻ xăng dầu lớn tại TP.HCM, cả 2 đều có thể hoạt động hiệu quả hơn.

Về những lo ngại liên quan đến nhân sự lãnh đạo, ông Tuấn Quỳnh thừa nhận: "Tôi rất muốn gắn bó lâu dài với SFC nhưng điều đó, giờ đây tôi không thể quyết định 100% được".

Được biết, sau thời điểm PNJ công bố kế hoạch thoái vốn khỏi SFC, ông Tuấn Quỳnh đã tìm cách đăng ký mua thêm cổ phiếu SFC nhưng những cố gắng để đàm phán mua lại một phẩn cổ phiếu SFC do PNJ nắm giữ đã không thành.

Mặc dù vậy, cổ đông mới của SFC vẫn đề nghị ông Tuấn Quỳnh tiếp tục ở lại điều hành Công ty. Như vậy sẽ chưa có biến động nhân sự ở SFC và chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SFC vẫn do ông Tuấn Quỳnh đảm trách.

Trong định hướng phát triển lâu dài của SFC, Công ty đặt mục tiêu từ 3-5 năm tới sẽ trở thành công ty bán lẻ xăng dầu, nhớt hàng đầu và đạt hiệu quả cao tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Để đạt mục tiêu này, SFC sẽ tập trung kinh doanh mảng bán lẻ xăng dầu, tăng cường bán buôn xăng dầu cho các khu công nghiệp, đại lý...

Được biết, mảng xăng dầu vẫn là đóng góp chính, chiếm hơn 98% doanh số năm 2013 của SFC. Cũng trong năm qua, Công ty đã xây dựng thêm 2 trạm kinh doanh xăng dầu (số 9 và số 13). Tính chung, SFC hiện có gần 20 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM và Đồng Tháp với doanh thu hằng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Ở mảng dịch vụ, Công ty đã và sẽ có nguồn thu từ khai thác các mặt bằng, kho bãi. Đáng chú ý, từ tháng 7/2013, Công ty có thêm nguồn thu từ hợp tác kinh doanh siêu thị Co.opmart Bình Triệu (Thủ Đức).

Trong lĩnh vực bất động sản, tháng 8 năm ngoái, SFC đã hợp tác với Công ty Đô Thành khởi công xây dựng cao ốc văn phòng SFC - Đô Thành (tại 1A, Phạm Ngọc Thạch Q.3, TP.HCM). Công ty còn thêm dự án về nhà ở thương mại tại 105 Lê Lợi, Q.Gò Vấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
SFC thiếu PNJ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO