Sắp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Minh Huy| 20/03/2023 03:31

Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp về thuế tối thiểu toàn cầu, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Sắp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Cuối tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Ở khu vực châu Á, Malaysia, Singapore hay Hồng Kông đang ở rất gần việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 và 2025. Các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng ban hành các quy tắc thuế mới hay thông báo dự thảo cải cách thuế nhằm tiến tới việc áp dụng từ năm tài chính 2024.

Trước đó, năm 2021, 136 nước thành viên của diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có Việt Nam đã thông qua tuyên bố chung về việc thực hiện chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) 2.0. Trụ cột 2 của chính sách thuế mới này đã đưa ra giải pháp về thuế tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo lợi nhuận của các công ty đa quốc gia phải nộp ở mức thuế suất tối thiểu 15% trong trường hợp các khoản lợi nhuận đó đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn hoặc không chịu thuế.

Link bài viết

Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những động thái kịp thời trước khi quá muộn. Theo các chuyên gia, trước mắt Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Nói một cách dễ hiểu, QDMTT là cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột 2 theo hướng dẫn của OECD. Đây là biện pháp mà một số quốc gia đã công bố ý định áp dụng.

Là biện pháp phản ứng nhanh, việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc chỉ nên áp dụng cho các đối tượng là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2, tức là các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu euro. Việc áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực đến các công ty không thuộc phạm vi Trụ cột 2, mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam.

Liên quan đến việc hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể cân nhắc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột 2.

Theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do OECD khởi xướng, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024.

Dự kiến, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng vào năm 2024, các công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư vào Việt Nam có thể phải nộp thuế bổ sung tại các nước khác liên quan đến hoạt động của các công ty con tại Việt Nam. Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa.

Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền.

Ưu đãi bằng tiền có thể thực hiện bằng cách hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ. Chính phủ một số quốc gia tại châu Á, châu Âu đã và đang cung cấp các khoản ưu đãi bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án trong một số lĩnh vực nhất định. Đây được đánh giá là một biện pháp khá hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ưu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sắp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO