Sản xuất cuối năm: Làm sao vượt “chướng ngại vật”?

03/12/2012 05:21

Gần kết thúc năm 2012, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) nỗ lực vượt khó, hứa hẹn “cán đích” như dự kiến, không ít ngành hàng, DN phải ngậm ngùi chấp nhận mức... tăng trưởng âm.

Sản xuất cuối năm: Làm sao vượt “chướng ngại vật”?

Gần kết thúc năm 2012, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) nỗ lực vượt khó, hứa hẹn “cán đích” như dự kiến, không ít ngành hàng, DN phải ngậm ngùi chấp nhận mức... tăng trưởng âm.

Sản xuất cầm chừng

Quý 4 hàng năm được xem là mùa làm ăn của đa số các ngành sản xuất kinh doanh do rơi vào thời điểm cuối năm - kết thúc một năm tài khóa và đúng vào nhịp mua sắm tết. Thế nhưng năm nay, đối với ngành sản xuất kinh doanh phục vụ trong lĩnh vực xây dựng lại “gặp hạn” nên gần như án binh bất động.

Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX TM Huy Hoàng, chuyên sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất quận Tân Phú TPHCM cho biết, tình hình sản xuất trong mấy tháng cuối năm nay chưa được cải thiện, sản lượng hàng cao lắm chỉ bằng thời điểm những tháng giữa năm.

“Cả năm nay công ty không những không tăng giá các mặt hàng mà phải liên tục chạy các chương trình khuyến mãi giảm giá, đồng thới chấp nhận chịu lỗ ở một số dòng sản phẩm để giữ khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này sức mua vẫn yếu nên công ty không mặn mà lắm với sản xuất mùa tết năm nay”, ông Tình giải thích.

Tương tự, một số DN “đại gia” trong ngành thép như Thép Việt Ý, Thép Việt Đức… cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên càng về cuối năm càng giảm công suất hoặc ngừng hẳn sản xuất.

Còn các DN xi măng, gạch ngói, gốm sứ vệ sinh... tuy có “sáng” hơn nhưng cũng đành an phận với những con số tăng trưởng... thụt lùi.

Đơn cử, hết tháng 11 Công ty CP Xi Măng Hoàng Mai (HOM) chỉ đạt hơn 40% kế hoạch cả năm. Do đó, HOM ước đạt khoảng 90 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay, trong khi kế hoạch ban đầu là 163 tỷ đồng.

Hay tại Công ty CP Cơ điện và xây dựng Việt Nam (MCG) cũng chỉ đạt 3,56 tỷ đồng lợi nhuận, chưa bằng số lẻ của kế hoạch đề ra từ đầu năm là 63,77 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bao bì, nhiều DN phải chấp nhận điều chỉnh mức tăng trưởng do không đạt kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Lực (DNTN Sao Mai, chuyên sản xuất bao bì nhựa quận 6) cho biết, sản lượng bao bì mà công ty sản xuất hiện đạt 10 tấn hàng/tháng, chỉ bằng bằng 60% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, trước đây, DN Sao Mai có làm hàng xuất khẩu, nhưng mấy tháng gần đây do thị trường khó khăn nên công ty đã ngưng hẳn, chỉ còn sản xuất cầm chừng cho thị trường trong nước.

Thực tế cho thấy, ngành vật liệu xây dựng, ngành bao bì được xem là ngành phụ trợ cho các ngành sản xuất hàng hóa khác. Chính vì vậy sự sụt giảm của những lĩnh vực này cho thấy các ngành khác cũng không mấy sáng sủa.

Doanh nghiệp cần linh hoạt

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 11 tháng đầu năm nay tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hầu hết các ngành hàng đều có mức tăng trưởng dù ở mức khiêm tốn. Đáng chú ý, bên cạnh đó khá nhiều ngành có mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử, sản xuất dây cáp, dây điện giảm 3,5%; sản xuất vật liệu từ đất sét giảm 5,6%; sản xuất xi măng giảm 6,2%; sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng giảm 7,5%; sản xuất hàng may sẵn giảm 8,3%; sản xuất bao bì giảm 9,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 16...

Bộ Công thương cũng đánh giá, sản xuất công nghiệp những tháng qua có mức tăng trưởng nhưng ở mức thấp.

Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 4,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,7% cùng kỳ do sức mua trên thị trường trong và ngoài nước thấp, trong khi tồn kho của một số ngành còn cao. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ; trong đó, tồn kho xi măng, sắt, thép, gang tăng trên 40%.

Nguyên nhân và khó khăn tồn tại lớn nhất vẫn là nhu cầu vốn tăng cao nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả đầu tư kinh doanh.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, Bộ Công thương kêu gọi các DN sản xuất phải tiếp tục tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm hàng tồn kho; khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước để kích thích sản xuất phát triển.

Mặt khác, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm khai thông thị trường; tổ chức hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hiệp hội chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.

Bộ này cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, đồng thời tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khắc phục tình trạng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, bên cạnh những giải pháp nêu trên, các DN cần phải tích cực tìm kiếm khách hàng.

Song song đó, xem xét áp dụng hình thức hàng đổi hàng đối với DN có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của DN khác. Mặt khác, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng tạm thời khoanh các khoản nợ cũ của DN với ngân hàng, để tiến hành cho vay nguồn vốn mới, lãi suất thấp, để DN có vốn đầu tư, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản xuất cuối năm: Làm sao vượt “chướng ngại vật”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO