Phát triển ngành vận tải biển: Còn nhiều nỗi lo

LA QUANG TRÍ - Giám đốc ShipOffer Corp.| 05/09/2017 06:25

Năm 2017, Việt Nam có thêm nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu tương đối lớn về số lượng nhưng lại nằm ngoài khả năng chuyên chở của doanh nghiệp trong nước.

Phát triển ngành vận tải biển: Còn nhiều nỗi lo

Trong năm 2017, Việt Nam có thêm nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu tương đối lớn về số lượng nhưng lại nằm ngoài khả năng chuyên chở của doanh nghiệp trong nước. 

Đọc E-paper

Chẳng hạn như than đá nhập từ Úc, Nga, Indonesia hay thạch cao nhập từ Oman, do chỉ có tàu nhỏ nên không đáp ứng được số lượng hoặc do tàu Việt Nam ít đi các tuyến như Úc, Nga, Oman, Iran, Syria. Một số cảng than Indonesia lại yêu cầu tàu phải chở được 10.000 tấn than nhưng mớn nước cảng chỉ 4,5 - 5m thì tàu Việt Nam hầu như không đáp ứng được, xà lan đi biển của Việt Nam chỉ mới có vài chiếc, vậy là phải phụ thuộc vào đội xà lan từ Indonesia, Singapore, Malaysia.

Các mặt hàng thường xuyên của Việt Nam như gạo xuất đi Trung Quốc hồi trước được chuyên chở bằng tàu 3.000DWT theo đường tiểu ngạch thì giờ lợi thế này không còn nữa do các doanh nghiệp Trung Quốc mua gạo chính ngạch và yêu cầu tàu lớn hơn, các đội tàu Việt Nam không cạnh tranh lại đội tàu của chính họ thuê, nên mất thị phần.

Gỗ dăm xuất khẩu trước đây thường chở bằng các loại tàu nhỏ của Việt Nam thì vài năm gần đây người mua hàng Trung Quốc đã đầu tư đội tàu chuyên dụng hoặc thuê các tàu của Nhật Bản vận chuyển, đẩy đội tàu Việt Nam ra khỏi danh sách cạnh tranh.

Sắn lát vẫn xuất khá nhiều sang Trung Quốc nhưng cũng về tay các tàu Trung Quốc. Họ chở sắt thép, thiết bị từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc qua Việt Nam rồi lấy sắn lát về để bù cước nên có giá khá rẻ, tàu Việt Nam lại ít có tuyến hàng ngược lại, đành ngậm ngùi nhường thị phần cho họ.

Tại thị trường Trung Quốc, các tàu treo cờ Việt Nam luôn được "chăm sóc đặc biệt". Họ kiểm tra PSC (Port State Control - Kiểm soát của chính quyền cảng) rất gắt gao và từ đầu năm đến nay, hàng chục tàu bị bắt giữ, đưa đội tàu Việt Nam đến nguy cơ trở lại danh sách đen của Tokyo-MOU (Thỏa thuận kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương). Giá cước cạnh tranh khó khăn, thủ tục hành chính phía bạn gắt gao làm cho đội tàu việt Nam không thể cạnh tranh là điều dễ hiểu.

Theo thống kê những năm gần đây, đội tàu trong nước chỉ đảm nhận vận tải khoảng 7 - 8% lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong điều kiện số lượng tàu giảm như hiện tại (chỉ còn khoảng 400 tàu) thì để phát triển được ngành vận tải biển có vẻ là nhiệm vụ bất khả thi.

Thạch cao nhập khẩu từ Thái Lan phải cạnh tranh gay gắt với thạch cao nhập từ Oman nên số lượng hạn chế dần và giá thấp dần. Tàu Việt Nam khi tham gia tuyến vận chuyển này chỉ để nối tuyến, giảm thiệt hại là chính, bởi với giá cước khoảng 7 - 8USD/tấn cho tàu chạy từ Thái Lan về TP.HCM, thậm chí về Hải Phòng, Quảng Ninh với giá chỉ tầm 8,5USD/tấn là quá thấp.

Những tháng gần đây, tình trạng cướp biển gây lo sợ cho thuyền viên nên các tuyến hàng truyền thống như xuất xi măng và gạo đi Philippines, Malaysia cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn là vậy nhưng phía người mua lại o ép về giá nên các nhà xuất khẩu thương mại không bán được giá cao, còn phải chịu rủi ro cướp biển nên phần lợi nhuận dành cho doanh nghiệp vận tải biển chẳng được là bao.

Như vậy, thị trường của đội tàu Việt Nam hiện tại vẫn chủ yếu là các tuyến Đông Nam Á, Trung Á và Trung Quốc.

Thị trường trong nước hiện tại cũng không có nhiều khởi sắc. Đáng lẽ ra với lượng hàng hóa như thạch cao Oman, than Indonesia nhập khẩu về ngày càng nhiều sẽ tạo thêm việc làm cho đội tàu nội địa, tuy nhiên, trong khi các loại hàng khác như nông sản, sắt thép, thiết bị giảm thì lại có khá nhiều tàu không thể tham gia vận chuyển quốc tế được nên kéo về vận chuyển nội địa.

Hàng hóa vận tải nội địa không phát triển nhiều trong khi lượng tàu cung ứng càng ngày nhiều đã kéo giá cước giảm xuống là đương nhiên. Hiện nay giá cước cho hàng từ Hải Phòng vào TP.HCM chỉ khoảng 180.000 đồng/tấn, tuyến ngược lại từ TP.HCM đi Hải Phòng chỉ khoảng 70.000 đồng/tấn.

Thị trường mới không phát triển là bao, thị trường truyền thống thì nhiều hiểm nguy, cước thấp, cho nên hầu hết doanh nghiệp ngành vận tải biển Việt Nam thua lỗ. Các cổ phiếu của ngành vận tải biển trên thị trường có giá trị rất thấp, dưới 10.000 đồng, có những công ty có trị giá thậm chí dưới 1.000 đồng, nguy cơ rời sàn là rất cao.

Các công ty có trị giá cổ phiếu hơn 10.000 đồng là Công ty CP Thương mại Dịch vụ vận tải Xi măng Hải Phòng (HCT), Công ty CP Vận tải Hà Tiên (HTV), Công ty CP Xăng dầu đường thuỷ Petrolimex (PJT), Công ty CP Vận tải và Thuê tàu (VFR). Công ty CP VINAFCO (VFC) là doanh nghiệp hiếm hoi có lãi cuối kỳ báo cáo tài chính quý II/2017 với mức 45,6 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đều nằm trong bảng cảnh báo nhà đầu tư. VOSCO lỗ quý II/2017 hơn 88 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 172 tỷ đồng.

NOSCO lỗ quý II/2017 hơn 34 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 91 tỷ đồng. Công ty CP Hàng hải Đông Đô (DDM) lỗ quý II/2017 hơn 20 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 44,5 tỷ đồng. Công ty CP Vận tải và Thuê tàu (VFR) lỗ hơn 4,3 tỷ đồng. VITRANSCHART quý II/2017 lỗ gần 60,5 tỷ đồng, luỹ kế lỗ gần 159 tỷ đồng. VINASHIP lỗ quý II/2017 gần 40 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 68,4 tỷ đồng và đã bị huỷ niêm yết ngày 21/4/2017. Trước đó, Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải đã bị ngừng giao dịch trên sàn UPCoM.

Các doanh nghiệp trên sàn thì luôn lỗ như vậy, các doanh nghiệp tư nhân cũng không mấy khả quan trong những tháng gần đây. Một số doanh nghiệp bán bớt tàu, hoặc bán hết đội tàu, chuyển qua làm môi giới khai thác hộ cho các chủ tàu khác hoặc chủ tàu nước ngoài.

>>Ngành vận tải biển: Sáp nhập hay là chết?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển ngành vận tải biển: Còn nhiều nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO