Phát triển du lịch MICE - Lối mở cho ngành du lịch

Hồng Nga| 09/09/2022 01:00

Tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2022, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được vinh danh là điểm đến du lịch công vụ hàng đầu châu Á. Phát triển du lịch MICE cũng đang được xem là "lối mở" cho ngành du lịch Việt Nam, nhất là ở thời điểm phục hồi sau đại dịch hiện nay.

Phát triển du lịch MICE - Lối mở cho ngành du lịch

Phát triển du lịch MICE nằm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030

Cơ hội với MICE

Các số liệu thống kê của ngành du lịch cho thấy, đến nay, số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ. Ngành du lịch đang trên đà hồi phục và du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng…) là một trong những nhân tố góp phần vực dậy ngành công nghiệp không khói.

Chia sẻ tại phiên thảo luận về tiềm năng ngành du lịch MICE tại Diễn đàn du lịch cấp cao tại TP.HCM ngày 8/9, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới cho biết, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD và tập trung ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. 

Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, nhiều tổ chức, DN tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là những định hướng quan trọng để thu hút cả khách du lịch quốc tế lẫn nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và đô thị.

Đánh giá về sự phục hồi của ngành, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng, phục hồi du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền và người dân Thành phố. Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp như đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường thông qua chiến dịch truyền thông “TP.HCM chào đón bạn”, xây dựng sản phẩm mới đặc thù với điểm nhấn là chương trình “Mỗi quận huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Thành phố cũng đã liên kết với các tỉnh thành trong cả nước tổ chức các sản phẩm liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đồng thời với việc xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút du khách, nhất là các đoàn khách MICE đến Thành phố... 

“Những giải pháp trên đã bước đầu đạt được kết quả tích cực khi 8 tháng đầu năm 2022 đã đón được hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 16,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ước đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021”, bà Thắng chia sẻ.

-5101-1662655118.jpg

MICE là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm

Cần giải pháp đột phá

Chia sẻ về du lịch MICE, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. 

Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025. Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. 

Tại Việt Nam, MICE là loại hình du lịch còn rất nhiều dư địa để phát triển. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm… Vì vậy, để du lịch MICE bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Bên cạnh đó, phải chú trọng đào tạo, hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên phục vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ tại các điểm đến…

“Các địa phương, DN, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó phải xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế song song với việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp. Liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao đồng thời với việc tăng cường quảng bá, xúc tiến loại hình du lịch này”, ông Hà Văn Siêu nói.

Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 và đã có bước tăng trưởng ấn tượng khi thu hút hơn 81 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế trong 8 tháng đầu năm 2022. Trong đó, khách nội địa đạt 79,8 triệu lượt, tăng 155,7% so với cùng kỳ 2021; khách quốc tế đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 13,7 lần so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 356.600 nghìn tỷ đồng, tăng 161,2% so với cùng kỳ năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển du lịch MICE - Lối mở cho ngành du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO