Phân vân “hai bảng”

TRƯƠNG CHÍ DŨNG Giám đốc R&D Công ty L&A| 02/07/2010 05:07

Vào đầu những năm 2000, các từ như ERP, CRM, SCM bắt đầu được giới thiệu tại Việt Nam. Gần đây, lãnh đạo DN lại đón nhận thêm hai cụm từ “lạ” nữa, đó là Balanced Scorecard (Bảng điểm cân bằng) và Dashboard (Bảng điều khiển).

Phân vân “hai bảng”

Vào đầu những năm 2000, các từ như ERP, CRM, SCM bắt đầu được giới thiệu tại Việt Nam. Gần đây, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) lại đón nhận thêm hai cụm từ “lạ” nữa, đó là Balanced Scorecard (Bảng điểm cân bằng) và Dashboard (Bảng điều khiển). DN có nên ôm đồm hết những hoạt động này?

Có Bảng điểm cân bằng

Năm 1992, phương pháp này được Kaplan and Norton (Trường Đại học Harvard) công bố. Rồi đến năm 2000, cũng chính Kaplan and Norton, trong một bài báo khác đăng trên Harvard Business Review với nhan đề: “Bạn gặp trục trặc với chiến lược của mình ư? Vậy thì lập bản đồ cho nó.” Bài báo ấy nêu ra cách vẽ một bản đồ trực quan chỉ rõ các mục tiêu và các liên kết nhân quả cần thiết để hiện thực hóa một chiến lược.

Chính các liên kết nhân quả ấy làm cho các nhà điều hành nhận diện ra các số đo cần thiết để hướng đến thành công. Việc kết hợp hai ý tưởng Bản đồ Chiến lược và Bảng điểm cân bằng, cùng với một số thành tựu khác gần đây, đã hình thành ra một hệ thống quản lý chiến lược hiện đại.

Bản đồ chiến lược là bản đồ trực quan chỉ ra cách mà một tổ chức hiện thực hóa chiến lược. Nó là một công cụ truyền thông minh bạch và giúp nhận diện số đo cần thiết để theo dõi việc thực hiện chiến lược.

Trong lúc đó, Bảng điểm cân bằng là một thành phần của hệ thống chuyển đổi chiến lược thành hành động. Bảng điểm này cho một cái nhìn “cân bằng” giữa bốn phương diện, nhằm thể hiện mức độ khả quan mà một tổ chức thực hiện và kết quả tương ứng có được.

Bốn phương diện này gồm: tài chính; khách hàng và thị trường; các hoạt động nội bộ; học hỏi và phát triển. Nghĩa là con người, văn hóa, sở hữu trí tuệ và hạ tầng công nghệ thông tin.

Về thời gian, thường phải mất ba năm để triển khai thành công Bảng điểm cân bằng, nhưng kết quả nhận được là rất ấn tượng:

- Làm sáng tỏ chiến lược. Khi triển khai Bản đồ chiến lược, những thảo luận và suy nghĩ sẽ làm sáng tỏ chiến lược và kịch bản phối hợp liên phòng ban.

- Chuyển đổi chiến lược thành hành động để thực hiện. Bảng điểm cân bằng còn có tác dụng là công cụ chuyển đổi và theo dõi việc thực hiện.

- Kết nối mọi đơn vị trong tổ chức quanh chiến lược. Khi dùng Bản đồ chiến lược và Bảng điểm cân bằng thì các “bức tường” vô hình phân ranh giới chức năng bị dỡ bỏ. Khi đó các chủ điểm chiến lược sẽ buộc mọi phòng ban cùng cộng tác để có thành công chung cho tổ chức.

- Truyền thông chiến lược đến mọi cấp. Mọi cấp đều có cơ hội đóng góp vào tành công của tổ chức. Người phụ trách các khu vực chức năng có thể phản hồi đến cấp lãnh đạo dễ dàng hơn nhiều.

- Theo dõi và quản lý việc hiện thực hóa chiến lược. Thực tế cho thấy, các vị trí quản lý chỉ mất ít hơn 10% thời gian đề theo dõi và thực hiện chiến lược.

Bảng điều khiển đứng vào đâu?

Làm gì thì làm, tổ chức vẫn phải có thông tin để điều hành và ra quyết định. Dù tổ chức có ứng dụng công nghệ thông tin hay không thì thông tin cần thiết này vẫn phải có trên giấy hoặc trên màn hình, cho cấp quản lý sử dụng.

Bảng điểm cân bằng và Bảng điều khiển làm vai trò thay đổi văn hóa điều hành và ra quyết định của từng tổ chức khi áp dụng chúng. Bảng điều khiển không phải là hình thức báo cáo “cao cấp” mới, mà là nơi thể hiện các liên kết nhân quả giữa các điều phải thực hiện và những kết quả tương ứng, nhằm mang lại thành công cho tổ chức.

Muốn vậy Bảng điều khiển cần phải:

• Dẫn xuất các số đo qua một quy trình khoa học.

• Gia tăng tốc độ, độ chính xác cho việc ra quyết định.

• Cảnh báo người ra quyết định để hành động kịp lúc.

• Sử dụng dữ liệu đúng lúc để các quyết định luôn kịp thời.

• Để tránh lạc lối, có thể dùng một Bản đồ mức hoạt động.

Như vậy DN đã làm Bảng điểm cân bằng ở mức chiến lược, sẽ làm tiếp Bảng điều khiển ở mức chiến thuật và hoạt động. Để kết quả liền lạc và nhanh chóng hơn, nên ứng dụng công nghệ thông tin để thể hiện cả hai mức này. Điều thú vị là khi áp dụng cả hai công cụ này thì dòng thông tin là liên thông. Những thông tin như vậy sẽ chi tiết hơn ở mức Bảng điều khiển và cô đọng hơn ở mức Bảng điểm cân bằng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phân vân “hai bảng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO