Nội địa hóa để cạnh tranh

HỒNG NGA| 29/11/2012 03:50

Khi thị trường khó khăn, các doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô buộc phải tăng tỷ lệ nội địa hóa để hạ giá thành xe.

Nội địa hóa để cạnh tranh

Khi thị trường khó khăn, các doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô buộc phải tăng tỷ lệ nội địa hóa để hạ giá thành xe.

Đọc E-paper

Corolla Altis là dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao của TMV

Tăng tỷ lệ nội địa

Tuy ngành công nghiệp phụ trợ vẫn còn yếu nhưng từ nhiều năm nay, các DN sản xuất ô tô đã tăng cường đầu tư để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Bởi, có tăng tỷ lệ nội địa thì mới có thể giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành xe.

Để tăng cường khả năng cạnh tranh, năm 2004, Công ty Toyota Việt Nam (TMV) đã đầu tư dây chuyền sản xuất 15.000 xe/năm. Cũng trong năm này, TMV đã thành lập Trung tâm Xuất khẩu Phụ tùng Ô tô Toyota với nhiều sản phẩm như ăng ten, van điều hòa khí xả, bàn đạp chân ga... xuất khẩu tới 13 chi nhánh của Tập đoàn tại 10 nước trên thế giới.

Năm 2008, TMV tiếp tục đầu tư xưởng sản xuất khung gầm xe Innova với công suất 21.000 khung xe/năm. Nhờ hoạt động của xưởng dập và xưởng khung gầm xe cũng như đẩy mạnh hoạt động của 13 nhà cung cấp, 6 mẫu xe do TMV sản xuất (Vios, Corolla, Camry, Innova, Fortuner và Hiace) đều có tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 19% - 37%.

Đến năm 2011, mức nội địa hóa của TMV cho tất cả các dòng xe đã lên tới 253 chi tiết sản phẩm. Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc TMV, cho rằng, trong bối cảnh thị trường nhỏ, khó thu hút đầu tư của các nhà cung cấp chính thống, công nghiệp phụ trợ trong nước hầu như chưa có, trong khi yêu cầu phải sản xuất tối thiểu 1.000 xe/tháng, TMV đã đồng thời đầu tư nâng năng lực sản xuất, lắp ráp với việc đầu tư sản xuất phụ tùng ngay tại nhà máy.

Cũng như TMV, Ford Việt Nam, GM Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư sản xuất các linh kiện ô tô. Ông Gaurav Gupta, Tổng giám đốc Công ty GM Việt Nam, cho biết, năm 2011, tỉ lệ nội địa hóa của Chevrolet đạt 23% và "trong thời gian tới, với sự ủng hộ của Chính phủ, chúng tôi sẽ tăng tỉ lệ nội địa hóa lên cao hơn nữa", ông Gaurav Gupta khẳng định.

Theo đại diện Công ty Ford Việt Nam, thực hiện cam kết làm ăn lâu dài và phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Ford Việt Nam đã luôn nỗ lực để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước nhằm tăng cường cạnh tranh.

Bởi đây chính là điều kiện để duy trì sự tồn tại và phát triển của Ford Việt Nam, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho thị trường xe nhập khẩu vào năm 2018.

Và giấc mơ xe Việt

Trong khi các liên doanh tăng cường đầu tư để "nội địa hóa" sản phẩm thì các DN ô tô trong nước đã mơ đến những chiếc xe hoàn toàn "made in Vietnam".

Tháng 6 vừa qua, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải theo công nghệ Hàn Quốc.

Với tổng vốn đầu tư 185,5 triệu USD, nhà máy có công suất 20.000 động cơ/năm, bao gồm ba dây chuyền chế tạo: thân máy, trục khuỷu, nắp máy; lắp ráp động cơ hoàn thiện và hệ thống các phòng thí nghiệm; kiểm nghiệm và nghiên cứu phát triển động cơ...

Theo kế hoạch, cuối năm 2013, nhà máy sẽ chính thức hoạt động, và như vậy, với tỷ lệ nội địa cao, giá các dòng xe của Thaco sẽ còn cạnh tranh hơn nữa.

Giấc mơ "xe Việt" được Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) triển khai quyết liệt hơn. Ông Bùi Xuân Huyên, Giám đốc Vinaxuki đã đeo đuổi giấc mơ này từ nhiều năm nay và quyết thực hiện cho bằng được.

Ngay từ năm 1992, Vinaxuki đã đầu tư gần 10 triệu USD cho nhà máy sản xuất khuôn mẫu dập ép vỏ và đúc phụ tùng xe ô tô. Đây là nhà máy duy nhất trong nước chế tạo được khuôn mẫu dập vỏ ô tô.

Năm 2003, Vinaxuki đầu tư gần 20 triệu USD một xưởng dập ép vỏ xe hiện đại (hiện nhà máy này đã nội địa hóa được toàn bộ cabin, thùng, chassic với giá thấp hơn nhập khẩu tới 40%).

Đến năm 2004, Công ty lại tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền sơn nhúng điện ly. Và đến năm 2005, Vinaxuki đưa ra thị trường những chiếc xe đầu tiên với qui trình sản xuất khép kín hiện đại từ khâu làm khuôn, dập vỏ xe, hàn và sơn.

Với quyết tâm sản xuất bằng được ô tô thương hiệu Việt, ông Huyên lại thuê thêm 20ha đất tại Đông Anh (Hà Nội) để đầu tư sản xuất xe du lịch với số vốn 930 tỷ đồng. Sau thời gian miệt mài với việc sản xuất, ông Huyên và các đồng nghiệp đã cho ra đời chiếc xe cá nhân với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 56-58%.

Trong triển lãm ô tô cuối tháng 9 vừa qua, Vinaxuki đã "trình làng" mẫu xe này và theo tiết lộ của ông Huyên thì xe có giá chưa tới 300 triệu đồng, sẽ chính thức đưa ra thị trường vào cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nội địa hóa để cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO