Những doanh nhân can trường - Bài 1: Không chịu bó gối

D.Nguyễn-T.An-Ng.Thoại| 12/10/2020 03:37

Làn sóng doanh nghiệp đóng cửa do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang trụ vững. Họ can trường vượt khó, duy trì sản xuất, tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận, nuôi sống hàng trăm nghìn lao động. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Doanh Nhân Sài Gòn giới thiệu loạt bài về họ như một cách để tri ân những người đang đứng trước đầu sóng.

Những doanh nhân can trường - Bài 1: Không chịu bó gối

Đứt nguyên liệu, ngừng xuất khẩu

Là công ty tư nhân chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng dược trong ngành thú ý, Mebipha cũng chịu tác động xấu từ hai đợt dịch bệnh như nhiều ngành khác. Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Công ty TNHH SXTM Mebipha cho biết, do dịch bệnh kéo dài, nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Mebipha (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…) bị chậm nhiều. Trước đây, từ lúc xin giấy phép đến lúc hàng về mất 45-60 ngày. Khi dịch nổ ra, mất 3-5 tháng nguyên liệu mới về đến nhà máy. “Thậm chí, một số mặt hàng đang bán được bị đứt nguyên liệu, số này được nhập từ châu Âu, như các mặt hàng thuốc thú ý”, bà Thúy Ái chia sẻ.

Doanh thu giảm, tưởng đâu chi phí cũng giảm theo. Tuy nhiên, theo bà Ái, nhiều loại chi phí còn tăng so với lúc không có dịch. Chẳng hạn trước đây, nhà máy chỉ cần sát trùng mỗi tuần một lần. Nhưng trong lúc dịch, công ty buộc phải sát trùng cách ngày, khiến chi phí hoạt động tăng đáng kể.

Mebipha cho biết, do dịch bệnh kéo dài, nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Mebipha (Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Quốc…) bị chậm nhiều.

Mebipha cho biết, do dịch bệnh kéo dài, nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Mebipha bị chậm nhiều

Chi phí tăng ở chỗ này, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm cách cắt giảm chỗ kia. Nhưng theo bà Ái, đến một giới hạn nào đó, giải pháp cắt chi phí là không thể. Như “điện thì vẫn phải dùng xuyên suốt, nước cũng dùng nhiêu đó. Hay các định phí khác đều không giảm được”, chủ tịch Mebipha kể. Các khoản phí giảm theo doanh thu đã đành, nhưng có một số khoản vẫn tăng vì dịch bệnh, chẳng hạn như phí vận tải. Ngoài ra, giãn cách xã hội cũng làm hàng hóa gián đoạn do phải vận chuyển đường vòng, đây cũng là yếu tố tác động không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của công ty trong giai đoạn đầu. Do các đợt cao điểm dịch bệnh, hoạt động xuất khẩu của công ty này gần như ngưng trệ, nên 9 tháng đầu năm 2020, doanh số giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Đến nay, sau thời gian nỗ lực tìm kiếm khách hàng, cùng họ tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, phân phối nên hoạt động xuất khẩu trái cây (sang Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản) của Vina T&T phục hồi lại khoảng 95%.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Vina T&T giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các đợt cao điểm dịch bệnh, hoạt động xuất khẩu của công ty này gần như ngưng trệ bởi hoạt động giãn cách xã hội.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Vina T&T giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các đợt cao điểm dịch bệnh, hoạt động xuất khẩu của công ty này gần như ngưng trệ bởi hoạt động giãn cách xã hội

Đối với Công ty Hoàng Linh Biotech, hoạt động bán hàng cũng tạm dừng do ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội. Thay vào đó, bà Phạm Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hoàng Linh Biotech cho biết đã dành ra một số sản phẩm để tặng cho các tuyến đầu chống dịch. Hoàng Linh Biotech là doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất hơn 20 dòng sản phẩm liên quan chính đến nguyên liệu là đông trùng hạ thảo (cà phê, trà, cốm gừng tây trà…).

Trong đợt dịch lần thứ nhất, công ty tặng nhiều sản phẩm cho các bệnh viện như Nhiệt Đới, Cần Giờ, Củ Chi… Trong đợt dịch lần hai, công ty tiếp tục tặng sản phẩm cho các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi… Cũng nhờ hoạt động chia sẻ này mà sản phẩm được nhiều khách hàng biết tới và tăng mua sau dịch.

Không dừng lại

Chủ tịch Hoàng Linh Biotech chia sẻ, do nhu cầu khách hàng tăng, công ty đang xây dựng nhà máy hơn 2.000m2 (Gò Vấp, TP.HCM) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài thị trường nội địa đang phát triển ổn định, Biotech bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng từ Campuchia. Hệ thống phân phối của công ty đang phủ rộng từ Trung vào Nam, sắp tới sẽ được mở rộng ra phía Bắc.

Trong giai đoạn dịch, bên cạnh các hoạt động chia sẻ, Hoàng Linh Biotech cũng tranh thủ phát triển các sản phẩm mới. Bà Vân cho biết, công ty ra mắt thêm sản phẩm mới là rượu nếp nương Điện Biên nhằm phục vụ cho mùa Tết. Đồng thời, công ty cũng được cấp chứng nhận vùng trồng hơn 1.600ha gừng gió Tây Trà (Quảng Ngãi). Đây là nguyên liệu chính để sản xuất cốm gừng Tây Trà đông trùng hạ thảo, một đặc sản của Việt Nam.

Tại Vina T&T, tranh thủ thời gian khó khăn, ngoài việc mở rộng nhà máy sản xuất dừa tươi Kim Thanh ở Bến Tre, tập đoàn còn đầu tư thêm hai cửa hàng Food T&T và cửa hàng cà phê để chuẩn bị cho sự ra đời của thương hiệu cà phê thành phẩm riêng.

Hoạt động trong ngành thực phẩm, Công ty CP Ba Huân may mắn không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, để ổn định sản xuất, công ty phải xây dựng thêm các kênh bán hàng mới. Bên cạnh hệ thống đại lý bán trực tiếp, Ba Huân mở thêm nhiều kênh bán hàng mới như online, bán qua bếp ăn, đoàn thể hiệp hội và giao hàng tận nhà. Các kênh mới đóng góp đến 30% doanh thu công ty trong kết quả 9 tháng đầu năm 2020.

Bên cạnh hệ thống đại lý bán trực tiếp, Ba Huân mở thêm nhiều kênh bán hàng mới như online, bán qua bếp ăn, đoàn thể hiệp hội và giao hàng tận nhà.

Bên cạnh hệ thống đại lý bán trực tiếp, Ba Huân mở thêm nhiều kênh bán hàng mới như online, bán qua bếp ăn, đoàn thể hiệp hội và giao hàng tận nhà

Đáng chú ý là trong thời gian dịch bệnh, Ba Huân chủ động liên hệ với các hiệp hội doanh nghiệp và công đoàn, bên cạnh khách hàng mua trực tiếp, để giảm giá sản phẩm 20-30%. “Đây là hành động nhỏ nhằm chia sẻ với khách hàng trong lúc khó khăn”, ông Phạm Thanh Hùng - Phó chủ tịch Ba Huân lý giải.

Còn đối với Mebipha, dù bị ảnh hưởng nhiều nhưng bà Thúy Ái - Chủ tịch Mebipha vẫn tranh thủ tái cấu trúc doanh nghiệp. Từ đầu năm 2020, Mebipha triển khai hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning - Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp). 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tranh thủ sàng lọc lại hệ thống phân phối với hơn 600 cửa hàng nhượng quyền trên khắp cả nước, như thu gọn 10 đơn vị không hiệu quả. Theo bà Ái, đây là những trường hợp bán hàng không ổn định, tài chính xấu…

Về phía khách hàng, Chủ tịch Mebipha nhận định tình hình thị trường đều khó cho doanh nghiệp và đối tác, do đó bà đưa ra chính sách giảm giá và tặng quà cho khách hàng liên tục. “Ngoài mục tiêu kích cầu, hoạt động này còn nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, dù doanh nghiệp cũng khó”, bà Ái tâm sự.

Để ứng phó tình hình mới, Nhựa Duy Tân cho biết cũng tăng cường tiếp cận khách hàng thông qua các kênh mạng xã hội. Chiến lược bán hàng, kênh phân phối cũng được thay đổi để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Đặc biệt, dự án nhà máy tái chế Duy Tân cũng đang trong quá trình triển khai theo đúng dự kiến. Với quy mô 65.000m2, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế chai nhựa phế liệu thành chai nhựa mới, đạt chuẩn FDA để sử dụng trong bao bì thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những doanh nhân can trường - Bài 1: Không chịu bó gối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO