Người biết, kẻ thờ ơ

H.NGA| 07/01/2010 09:11

Mặc dù cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai mấy tháng nay, nhưng khảo sát các chợ mới thấy giới tiểu thương vẫn còn khá lờ mờ về hoạt động này.

Người biết, kẻ thờ ơ

Mặc dù cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai mấy tháng nay, nhưng khảo sát các chợ mới thấy giới tiểu thương vẫn còn khá lờ mờ về hoạt động này.

Chị Trần Thị Lệ Hồng, chủ sạp trái cây Hồng - Ba Lý chợ Tân Định, cho biết, chưa hề nghe về chương trình kêu gọi người Việt dùng hàng Việt và cũng không thấy các tiểu thương khác ở chợ nói về cuộc vận động này. “Chúng tôi chỉ nghe báo chí nói đến trái cây Trung Quốc có chất bảo quản gây hại cho sức khỏe và những lời khuyên hạn chế kinh doanh loại trái cây xuất xứ từ nước này, chứ không nghe nói gì về việc kêu gọi dùng hàng Việt”, chị Hồng thẳng thắn cho biết. Tuy nhiên, khi được giải thích về chương trình này thì chị lại cho rằng, đây là một hoạt động tốt cần triển khai sâu rộng đến từng hộ dân.

Vải của Phước Thịnh

Theo chị Lê Kim Loan, chủ sạp giày dép Kim Loan (C2 - C3 khu A1, chợ Tân Bình), Cuộc vận động này rất có ý nghĩa, vì không những làm cho người tiêu dùng chú ý hơn đến hàng hóa sản xuất trong nước, mà tiểu thương cũng có thêm cơ hội vận động khách hàng xài đồ nội địa. Bán giày dép trong nước từ nhiều năm nay, chị gặp không ít khách hàng hỏi mua giày Đài Loan, Hồng Kông. “Lúc đấy, phải vận dụng hết tài ăn nói để thuyết phục khách hàng rằng, giày dép sản xuất trong nước không thua kém đồ ngoại”, chị tâm sự.

Ông Lý Luân, chủ bốn sạp hàng Anh Hai Cà ri ở chợ Bến Thành và An Đông, nói: “Người tiêu dùng mua hàng theo nhu cầu sử dụng nên cũng không thể áp đặt người ta được. Khuyến khích người Việt xài hàng Việt là rất tốt, nhưng muốn hiệu quả thì các doanh nghiệp sản xuất phải làm ra sản phẩm chất lượng cao mới được”. Cũng theo ông Luân, chương trình quảng bá hàng Việt hiện nay vẫn chưa mạnh, vì thế vẫn còn quá ít người biết về Cuộc vận động này. Cũng như chị Loan, ông Lý Luân và các con ông, những người trực tiếp bán hàng ở chợ chỉ biết chương trình qua báo, đài, mà như vậy vẫn chưa thể có tác động đến tâm lý người tiêu dùng trong việc dùng hàng Việt.

Chủ đầu tư một hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho biết thêm: "Việc quảng bá, tuyên truyền về Cuộc vận động này còn yếu. Muốn người tiêu dùng ưu tiên, thì hàng Việt phải tốt, giá phải rẻ. Nhưng hiện nay, chất lượng hàng trong nước không ổn định. Muốn người dân ủng hộ hàng Việt mà Chính phủ không có biện pháp giúp doanh nghiệp ổn định giá thì cũng khó. Ví dụ như hiện tại, giá cứ lên như thế, làm sao người Việt ưu tiên cho hàng Việt được".

Trong nội dung triển khai Cuộc vận động, ban chỉ đạo nêu ra một quy tắc là sẽ tổng kết theo từng giai đoạn trong năm, nhằm không để Cuộc vận động “đứt gánh” giữa đường.

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết, điều lo lắng của ông là khởi đầu Cuộc vận động khá hoành tráng nhưng không duy trì lâu dài được. Theo ông Vị, hiệu ứng của Cuộc vận động ban đầu rất tốt, nhưng quan trọng là phải tính đường dài, phải ăn sâu vào cả một thế hệ. Để cuộc vận động có hiệu quả, phải liên tục thực hiện đồng bộ từ vài ba năm trở lên, chứ không thể làm theo dạng “chữa cháy” như hiện nay. “Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản..., sau chiến tranh người ta đã chú ý đến việc vận động nhân dân dùng hàng trong nước sản xuất, còn chúng ta phải hơn 30 năm sau mới thực hiện là quá chậm, đã vậy còn làm chưa đồng bộ. Họ làm rất quyết liệt, dứt khoát không nhập khẩu nhiều mặt hàng và buộc người dân phải sử dụng hàng trong nước, kể cả xe hơi. Họ dùng phim ảnh để chuyển tải văn hóa tiêu dùng. Tất cả đều đồng bộ”, ông Vị nhấn mạnh.

Công ty cổ phần Dược phẩm OPC, đơn vị nhiều năm thực hiện các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa như tham gia các kỳ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, đưa hàng về nông thôn, nhưng riêng với... Cuộc vận động này, bà Đặng Thị Kim Loan, Phó giám đốc kinh doanh OPC, cảm thấy lạc lõng: “Trước cổng Công ty, chúng tôi treo băng rôn hưởng ứng Cuộc vận động; trong các chương trình khuyến mãi, chúng tôi có kèm theo phiếu mua hàng và chỉ dùng phiếu của Co.opMart để tặng khách hàng. Nhưng nói thật, chúng tôi tham gia Cuộc vận động mà không thấy rõ vai trò của mình. Có lẽ là do dược phẩm không phổ biến như các mặt hàng tiêu dùng khác, nên rất khó tự mình tuyên truyền để dân chúng dùng hàng của mình sản xuất.

BSA - Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp đã tiên phong với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, cho biết, sau 18 phiên được tổ chức ở ba tỉnh, thành phía Nam, tổng doanh thu mà các doanh nghiệp đạt được là 11,742 tỷ đồng. Đã có 45 doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng chương trình, 50 hợp đồng được ký kết với nhà phân phối địa phương. Hiện nay UBND TP.HCM tiếp tục giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư của thành phố ITPC thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, trong đó có cả bán hàng về nông thôn. Và Phòng Xúc tiến thương mại Sở Công thương TP.HCM cũng có chức năng và hoạt động tương tự. Như vậy, chương trình bán hàng về nông thôn, đã có ba đơn vị của TP.HCM cùng tham gia. 

HÀNG VIỆT CHƯA VÀO RESORT, KHÁCH SẠN

Qua khảo sát hàng chục khách sạn cao cấp và resort ven biển tại các khu du lịch ở Đà Nẵng, Hội An, như Palm Garden, Furama, The Namhai…, lãnh đạo các đơn vị này đều chia sẻ mong muốn sử dụng hàng Việt để giảm giá và góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam, nhưng ngoài sử dụng một số chất liệu mang tính văn hóa bản địa trong xây dựng, một vài loại đồ gốm trang trí, thì hàng Việt chưa hiện diện.

Lãnh đạo các resort 4 - 5 sao cho biết, nguồn rau quả chỉ lấy một số lượng ít từ các công ty trồng rau do nước ngoài đầu tư tại Đà Lạt, có chế độ kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế, còn các loại thực phẩm khác hầu hết nhập từ nước ngoài. Tại các khách sạn 3 sao và một số nhà hàng, chuyên phục vụ khách Việt Nam, rau củ Đà Lạt và thực phẩm do các công ty có uy tín cung cấp là sự chọn lựa đầu tiên. Tuy nhiên, sản phẩm phục vụ khách sạn như mỹ phẩm, chăn, drap, khăn, hàng gốm sứ của Việt Nam không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc về cả chất lượng và giá cả. Đây là điều đáng tiếc, bởi mỗi năm Việt Nam đón hàng triệu lượt khách quốc tế và có khoảng 20 triệu lượt khách du lịch nội địa.

B.HỒNG


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người biết, kẻ thờ ơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO