Nghịch lý thị trường xe gắn máy: Cầu giảm mà giá tăng

Hồng Nga| 28/07/2022 02:40

Sức tiêu thụ xe máy liên tục sụt giảm và đây là năm thứ tư, các doanh nghiệp đối diện tình trạng này. Tuy vậy, giá xe không hề giảm, thậm chí còn tăng.

Nghịch lý thị trường xe gắn máy: Cầu giảm mà giá tăng

Số lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh vì xu hướng chọn xe máy chạy điện và xe đạp

Theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), quý II/2022, các thành viên VAMM tiêu thụ được 655.433 xe, giảm 1,79% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hãng xe chiếm 80% thị phần hiện nay là Honda ghi nhận mức tiêu thụ sụt giảm liên tục trong 2 tháng qua. Cụ thể, tháng 6/2022, Honda bán ra thị trường 147.693 chiếc, giảm 5% so tháng 5. Trước đó, trong tháng 5, hãng này bán được 155.414 chiếc, giảm đến 16% so tháng 4. 

Tương tự, sản lượng xe máy sản xuất của Yamaha 6 tháng đầu năm 2022 đã sụt giảm khoảng 15%.

Số liệu của VAMM cũng cho thấy, đây là năm thứ 4 sức tiêu thụ xe máy sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong năm 2021, 5 thành viên VAMM (Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha) bán ra 2.492.372 xe, giảm 220.243 xe so với năm 2020, tương đương giảm 8,1%. Trước đó năm 2020, thị trường tiêu thụ 2,84 triệu xe, giảm 14,4% so với 2019. Năm 2019, con số này là 3.254.964 xe các loại, giảm 3,87% so với năm 2018.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường xe máy sụt giảm thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19, nền kinh tế bị ngưng trệ trong những tháng giãn cách xã hội khiến nhu cầu mua xe máy của người dân giảm. 

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu thụ xe máy chạy điện tăng cũng là nguyên nhân khiến doanh số xe máy truyền thống tại Việt Nam sụt giảm. Thông tin từ Dat Bike - một thương hiệu xe máy chạy điện gia nhập thị trường từ năm 2019 cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức tiêu thụ xe máy chạy điện của doanh nghiệp đã tăng 3 - 4 lần so với đầu năm. Có thời điểm, nhu cầu tăng quá cao khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng ngay, khách hàng phải đặt cọc và chờ vài tuần mới nhận xe. 

Một yếu tố khác đến từ xu hướng rèn luyện sức khỏe của một bộ phận không nhỏ người dân đô thị hiện nay. Có không ít người chọn xe đạp làm phương tiện đi làm thay cho xe máy, thậm chí đầu tư sắm xe đạp hàng hiệu đắt tiền còn hơn xe máy. Đó cũng là lý do khiến Thế Giới Di Động mở hàng loạt cửa hàng xe đạp bên cạnh điện máy, điện thoại di động, thực phẩm… Theo chia sẻ của CEO Thế giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em, nhu cầu tăng cường vận động ngoài trời và nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng lớn khiến xe đạp trở thành mặt hàng được săn đón. Bình quân mỗi năm, có đến 2,5 triệu xe đạp được bán ra tại thị trường Việt Nam.

-8006-1658932629.jpg

Các hãng xe máy đều thiếu linh kiện cho sản xuất

Các hãng xe máy đều đang thiếu phụ tùng để sản xuất

Một lý do khác gây nên sự sụt giảm số lượng xe máy bán ra là các hãng xe máy đều đang thiếu phụ tùng để sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp xe máy đều cho biết, từ đầu năm 2022 đã phải giảm số lượng xe xuất xưởng vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến nhà máy không đủ phụ tùng. Có hãng xe máy cho biết, mặc dù hiện nay xe máy của họ có tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng có một số phụ tùng vẫn thiếu, khiến một số mẫu xe “hot” không thể cung cấp kịp thời.

Thậm chí, việc thiếu phụ tùng sản xuất đã buộc Honda Việt Nam tạm dừng sản xuất một số mẫu xe tay ga trong tháng 5 và 6, và chỉ mới khôi phục lại dây chuyền thời gian gần đây. Đại diện hãng Honda Việt Nam cho hay: "Do ảnh hưởng từ các biến động kinh tế - chính trị và cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu, quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm của nhiều ngành hàng bị tác động nặng nề. Honda Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Từ tháng 4/2022, hoạt động sản xuất xe tay ga của Honda đã bị gián đoạn vì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây, chúng tôi mới khôi phục lại dây chuyền sản xuất".

Theo phân tích của một vị đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian qua, nhiều mẫu xe máy được ưa chuộng khan hàng vì các doanh nghiệp thiếu nguồn cung chip và chi phí đầu tư sản xuất tăng. Việt Nam hiện chưa sản xuất được chip xử lý mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó phần lớn nhập từ Trung Quốc. Do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", nên nhiều nhà máy tại nước này phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa, điều này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung chip của ngành công nghiệp ô tô, điện tử, xe máy toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

Điều nghịch lý là dù thị trường sụt giảm nhưng giá bán của các hãng, đặc biệt là thương hiệu Honda vẫn không ngừng tăng lên. Cụ thể, trong tháng 4/2022, hãng xe Honda đã điều chỉnh tăng giá bán xe máy, trong đó, các mẫu xe SH tăng 2-3,7 triệu đồng/xe, các mẫu khác tăng từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/xe. Tại các đại lý, mức tăng giá các mẫu xe được ưa chuộng còn cao hơn nhiều lần, thậm chí có mẫu bán ra chênh lệch hàng chục triệu đồng so với giá đề xuất của hãng.

Tương tự, tại nhiều đại lý của Yamaha, một số mẫu xe bán chạy như Janus, Grande… được chào giá cao hơn giá đề xuất của nhà máy khoảng 3-5 triệu đồng.

Trong khi đó, dù không tăng giá các dòng xe cũ nhưng với các mẫu xe phiên bản mới, các hãng khác như Suzuki, Piaggio bổ sung thêm một vài chi tiết và đưa ra mức giá cao hơn phiên bản cũ vài triệu đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý thị trường xe gắn máy: Cầu giảm mà giá tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO