Ngành mía đường 2017 - 2018: Lợi nhuận giảm, tồn kho tăng

NGỌC ANH| 25/08/2018 06:27

Ngành mía đường đã trải qua niên vụ 2017 - 2018 với không ít khó khăn. Sang niên vụ 2018 - 2019, "bức tranh" ngành này liệu có sáng sủa hơn?

Ngành mía đường 2017 - 2018: Lợi nhuận giảm, tồn kho tăng

Sụt giảm về kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành mía đường là điều không bất ngờ đối với thị trường.

Theo báo cáo chung của các doanh nghiệp ngành đường, niên độ 2017 - 2018, kết quả kinh doanh vẫn còn nằm trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, nhờ thương vụ M&A với Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS), Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, SBT) đã hoàn thành vượt mục tiêu kinh doanh mà đại hội đồng cổ đông đề ra. Cụ thể, doanh thu thuần lũy kế niên vụ 2017 - 2018 của SBT đạt 10.364 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 547 tỷ đồng.

Đóng góp lớn nhất vào kinh doanh của SBT trong niên vụ 2017 - 2018 vẫn là đường, chiếm 82%. Trong đó, đường tiêu thụ qua kênh tiêu dùng đã tăng hơn 2 lần, từ 30.200 tấn lên 63.500 tấn, tương đương doanh thu tăng từ 473 tỷ đồng lên 1.131 tỷ đồng, đã giúp SBT có năm tài chính 2017 - 2018 vượt trội.

Công ty CP Mía đường Sơn La (SLS) cũng tăng trưởng doanh thu, đạt 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lý giải của lãnh đạo SLS, vì giá đường thế giới liên tục giảm nên biên lợi nhuận của Công ty giảm. Kết quả, cả niên vụ 2017 - 2018, SLS giảm 30% về lợi nhuận trước thuế so với niên vụ trước.

Link bài viết

Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LSS) cả niên vụ 2017-2018 giảm gần 40% doanh thu cũng như giảm mạnh về lợi nhuận, từ mức 137,7 tỷ đồng chỉ còn đạt 3,8 tỷ đồng. Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng không tránh được xu hướng chung khi cả năm biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 2,7%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 21,5%.

Lợi nhuận sụt giảm là tình trạng chung của doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Ngay cả TTC Sugar, nếu không nhờ thanh lý các khoản đầu tư, lợi nhuận các khoản kinh doanh khác tăng thì doanh nghiệp này không thể đạt tăng trưởng lợi nhuận như báo cáo.

Không chỉ sụt giảm kinh doanh, các doanh nghiệp mía đường còn gặp vấn đề đường tồn kho. Niên vụ 2017 - 2018, đường tồn kho của LSS đã gia tăng, phải trích dự phòng giảm giá. Đường tồn kho của SLS cũng tăng gấp đôi.

Chính vì thế, nhóm cổ phiếu mía đường đã sụt giảm mạnh, đến 50 - 60% trong thời gian qua. Cụ thể, cổ phiếu LSS đã về dưới 7.000đ/CP, cổ phiếu SLS cũng chỉ còn giao dịch trong mức 65.000đ/CP, từ 130.000 -135.000đ/CP năm trước. Cổ phiếu SBT giảm về 16.000 - 17.000đ/CP từ 28.000 - 29.000đ/CP của năm trước.

bang-bieu-8112-1534906506.jpg

Sụt giảm về kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường là điều không bất ngờ đối với thị trường.

Trước hết, đó là áp lực từ tồn kho lớn, tiêu thụ chậm trong khi lại phải cạnh tranh quyết liệt từ đường nhập khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), riêng đường nhập lậu từ Thái Lan đổ vào Việt Nam đã lên tới 500.000 tấn/năm, chiếm 1/3 sản lượng đường sản xuất trong nước. Thậm chí có thời điểm, đường lậu Thái Lan làm chủ thị trường đường, khiến không ít nhà sản xuất trong nước lao đao.

Sở dĩ đường Thái Lan vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp nội địa lo âu bởi luôn có giá thấp. Cụ thể, theo VSSA, trong khi giá thành sản xuất đường ở các nhà máy của Việt Nam là 11.000 - 13.000đ/kg thì giá đường nhập lậu bán dưới 11.000đ/kg. Đó là nhờ đường Thái Lan có lợi thế về vùng nguyên liệu giá rẻ hơn, quy mô sản xuất lớn hơn, lại được chính phủ trợ giá nên giá đường xuất khẩu chỉ bằng 2/3 giá so với các nước trong khu vực.

Trước bối cảnh đó, để cạnh tranh, các nhà máy đường Việt Nam phải bán đường dưới giá thành, chấp nhận lỗ hoặc tạm đóng cửa. Như Nhà máy Đường Hiệp Hòa, Nhà máy Đường Cà Mau, Nhà máy Đường Long Mỹ Phát đã tạm ngưng sản xuất.

Nhìn xa hơn, các doanh nghiệp mía đường cũng lo ngại không ít về tình trạng cung vượt cầu. Theo báo cáo quý của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), niên độ vừa qua, tình trạng cung vượt cầu đã diễn ra, với sản lượng đường vượt nhu cầu sử dụng tới 10,5 triệu tấn, và sẽ còn tăng, khoảng 13 triệu tấn vào niên vụ 2018 - 2019.

Ở Việt Nam, tình hình không khá hơn khi tồn kho đường có thời điểm lên gần 700.000 tấn. Theo VSSA, đó là vì gần 40 nhà máy ở Việt Nam sản xuất với số lượng lớn, tương đương 1,5 triệu tấn đường/niên vụ. Đó là chưa nói đến việc Nhà nước cho phép nhập đường lỏng với thuế suất bằng 0 khiến doanh nghiệp thực phẩm chuyển dần sang dùng loại đường giá rẻ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành mía đường 2017 - 2018: Lợi nhuận giảm, tồn kho tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO