Ngành gỗ Việt Nam: Tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo

CẨM TÚ| 30/12/2018 06:36

Xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhu cầu tiêu thụ trong nước khả quan, tuy nhiên ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều áp lực phải thay đổi.

Ngành gỗ Việt Nam: Tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo

Ảnh minh họa

Để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, ngành gỗ trong nước sẽ dần phải tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối.

Cơ hội xuất khẩu sẽ đi cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Số liệu mới nhất của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho thấy, hết năm 2018, xuất khẩu gỗ Việt Nam có khả năng lớn sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Xuất khẩu gỗ Việt Nam chuẩn bị vươn lên hạng 4 về xuất khẩu đồ gỗ nội thất khi sắp sửa vượt qua Ba Lan và chỉ đứng sau Trung Quốc, Đức, Ý.

Tại hội thảo ngành gỗ ngày 7/12 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí lĩnh vực đầu tư chế biến gỗ cũng sẽ có xu hướng dịch chuyển, tạo cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Tuy nhiên vấn đề ở đây là xu hướng đó có thực sự lớn và lâu dài hay không, khi Mỹ và Trung Quốc thống nhất không leo thang trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày 1/1/2019.

Link bài viết

Điều cần lưu ý, nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để “lẩn tránh” mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ Việt cũng bị vạ lây. Như vậy, cơ hội là có, nhưng có thể không lớn và đi kèm với rủi ro.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) nếu đưa vào thực thi năm 2019 cũng sẽ có tác động tới sự phát triển ngành gỗ.

CPTPP mở ra các thị trường mới như Mexico, Canada, Peru, trong khi việc phê chuẩn EVFTA nếu đạt được trong nửa đầu năm 2019 thì sẽ thêm cơ hội mới, bởi thị trường EU có tổng giá trị khoảng 80 - 90 tỷ USD/năm, sản phẩm gỗ Việt Nam hiện chiếm chưa đầy 1% thị trường này nên tiềm năng phát triển là rất lớn.

Bất lợi khi chỉ tập trung sản xuất

Một băn khoăn ngày càng lớn đối với nhiều người trong ngành gỗ, đó là ngành sản xuất và chế biến đồ gỗ của Việt Nam rất mạnh nhưng người tiêu dùng trong nước lại khó tiếp cận các mặt hàng đạt chuẩn xuất khẩu với chất lượng cao và giá hợp lý. Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường gỗ trong nước chứng kiến sự ra mắt của nhiều thương hiệu nội thất quốc tế.

Theo đánh giá của ông Lý Quí Trung - Tổng giám đốc AKA Furniture Group, tầng lớp trung lưu trong nước đang phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy phân khúc thị trường cao cấp hình thành ngày càng rõ ràng. Điều này đã thu hút nhiều thương hiệu nội thất nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam khiến các thương hiệu nội thất trong nước đối mặt với khó khăn.

Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, ông Lý Quí Trung cho rằng, chính nhờ những thương hiệu quốc tế nổi tiếng mà phân khúc thị trường nội thất cao cấp mới được hình thành. Cũng nhờ đó mà giá cả của các thương hiệu nội địa dễ chấp nhận hơn với người tiêu dùng. Chưa kể các doanh nghiệp còn có cơ hội học được cách làm, chất lượng và mẫu mã của họ.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường đồ gỗ nội thất cao cấp trong nước trị giá khoảng 2,5 tỷ USD với 80% nhập từ châu Âu và 20% sản xuất nội địa. Nhu cầu tiêu dùng đối với đồ nội thất cao cấp được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, việc chiếm lĩnh thị trường nội địa không đơn giản đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi lâu nay các doanh nghiệp này chỉ tập trung vào khâu sản xuất và được bao tiêu sản phẩm bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Nay nếu muốn tiêu thụ ở trong nước, các doanh nghiệp này sẽ phải lo cả khâu phân phối, xây dựng thương hiệu…

Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc D’Furni, nhận định: hầu hết doanh nghiệp không thể làm tốt cùng lúc cả khâu sản xuất lẫn phân phối. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng đảm nhận cả hai vai trò nhưng rất ít cái tên đạt được thành công.

Thực tế, thị trường luôn được phân công theo chuỗi giá trị, trong chuỗi giá trị đó sẽ tồn tại nhà phân phối và bán lẻ. Phải có nhà phân phối để đặt hàng quy mô lớn từ những nhà sản xuất công nghiệp, giống như những nhà sản xuất trong xuất khẩu. Sau đó, nhà phân phối này mới làm việc với nhà bán lẻ để cuối cùng người tiêu dùng trong nước được tiếp cận sản phẩm.

Thách thức song song với cơ hội

Thực tế, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lớn nhưng chưa đầu tư mạnh vào thương mại. Chuyên gia Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, nếu như tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới khoảng 140 tỷ USD thì giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng lên đến hơn 450 tỷ USD, bao gồm giá trị của thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu.

Theo ông Ngọc Trai, nếu các doanh nghiệp định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ theo con số 450 tỷ USD, tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối… thì giá trị mà Việt Nam nhận được so với hiện tại sẽ là rất lớn.

Thời gian qua, các thương hiệu gỗ trong nước đã tiếp cận khá hiệu quả với một kênh phân phối lớn là những nhà thầu trang trí nội thất, các kiến trúc sư, nhà thiết kế… Đây cũng chính là con đường đưa các sản phẩm nội thất Việt tiếp cận với phân khúc cao cấp khi tham gia vào các dự án khách sạn, resort năm sao đẳng cấp quốc tế.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã quen dần với mua sắm trực tuyến thì các kênh bán hàng trực tuyến cũng là kênh giúp tiêu thụ tốt.

Các chuyên gia cho rằng các thương hiệu nội thất Việt sẽ từng bước khẳng định được vị trí tại thị trường trong nước. Từ đó, nhiều thương hiệu nội thất Việt sẽ được hình thành và phát triển không chỉ tại thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu bằng chính thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, những nỗ lực cần có là rất lớn, đặc biệt là khi Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ làm giảm thuế suất nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, tạo ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt.

Trong hội thảo ngày 7/12, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng giám đốc Công ty AA Long An cho biết: “Hiện có nhiều đơn hàng không phải truyền thống của Việt Nam sản xuất, điều này đồng nghĩa có làn sóng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Nhân cơ hội này, doanh nghiệp trong nước cần phải hình thành các nguồn lực, công nghệ… để có thể trở thành trung tâm đồ gỗ thế giới.

Đặc biệt, tại hội thảo hôm nay có nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng tham gia. Khác với tổ chức tài chính trong nước chỉ xem xét đất đai để cho vay, tổ chức tài chính quốc tế luôn xem phương án kinh doanh, chiến lược cụ thể, quy mô sản xuất của doanh nghiệp để quyết định. Nếu được tổ chức tài chính quốc tế đầu tư, doanh nghiệp Việt sẽ vững hơn khi tổ chức này hỗ trợ, hướng dẫn, thậm chí có thêm đối tác kinh doanh. Doanh nghiệp Việt chỉ cần xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng để tránh rủi ro”.

(Theo DoanhnhanPlus)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ Việt Nam: Tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO