Ngành dệt may: Đầu tư ODM là chưa đủ

LỮ Ý NHI - XUÂN HÙNG| 20/07/2015 06:24

Gần 80% doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam đều là doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng các công ty của Hongkong, Đài Loan.

Ngành dệt may: Đầu tư ODM là chưa đủ

Trước thực tế chuỗi cung ứng của ngành dệt may từ xơ, sợi, vải và phụ liệu đang mất cân đối và những ràng buộc khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các công ty dệt may Việt Nam đang nỗ lực đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi (sợi, dệt, nhuộm, may, phân phối) theo định hướng ODM (sản xuất trọn gói kèm thiết kế) và đáp ứng yêu cầu các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đọc E-paper

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 12,18 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ 2014.

Đặc biệt ở hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai sau Trung Quốc và đang tiếp tục mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các quốc gia khác cũng đang đầu tư nhiều biện pháp nhằm giành thị phần tại các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh.

Đơn cử, tại những thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, hàng dệt may Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Indonesia.

Gần đây, khoảng 70 - 80% doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam đều là DN Trung Quốc núp bóng các công ty của Hồng Kông, Đài Loan.

Họ có vốn lớn và đầu tư bài bản trong các khâu sợi, dệt, nhuộm, nên có lợi thế về giá xuất khẩu thành phẩm hơn hẳn các DN Việt Nam.

Trước thực tế đó, các DN dệt may Việt Nam càng ý thức được những mối đe dọa lẫn cơ hội khi Việt Nam chuẩn bị ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương, nhất là TPP, nên đã nỗ lực đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi (sợi, dệt, nhuộm, may, phân phối) theo định hướng ODM.

>>Dệt may thay mô hình đón chào TPP

Đó là các dự án sản xuất vải Yarndyed Long An 10 triệu mét/năm sẽ hoàn thành vào tháng 9/2015, Nhà máy Sợi Nam Định quy mô 2,16 vạn cọc sợi, Nhà máy Sợi Phú Cường 3 vạn cọc sợi sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 4/2016.

Tiếp theo vào tháng 9/2016, dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng 2,16 vạn cọc sợi sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 2.

Đặc biệt là dự án Khu liên hợp Sợi - Dệt - Nhuộm Quế Sơn (Quảng Nam) hoạt động khép kín từ khâu sợi cho đến may, gồm nhà máy sợi 3 vạn cọc, sản lượng 5.000 tấn sợi/năm, nhà máy dệt - nhuộm vải dệt kim 6.000 tấn/năm.

Các dự án khác của Vinatex, như dự án Nhà máy Dệt Hòa Khánh (Đà Nẵng), dự án một nhà máy may ở Quảng Bình cũng đã được phê duyệt chủ trương.

Năm nhà cung cấp sản phẩm dệt may hàng đầu thế giới, tính đến cuối năm 2014
- Trung Quốc đứng thứ nhất, chiếm hơn 42% thị phần với gần 29,8 tỷ USD.
- Việt Nam đứng thứ hai, chiếm 10,73% thị phần với gần 9,3 tỷ USD.
- Bangladesh đứng thứ ba, chiếm gần 6,3% thị phần với hơn 4,8 tỷ USD.
- Indonesia đứng thứ tư, chiếm trên 4,8% thị phần với 4,8 tỷ USD.
- Honduras đứng thứ năm, chiếm 4,2 thị phần, với trên 2,5 tỷ USD.

TPP dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán vào tháng 8 tới.

Tuy nhiên, kết thúc vòng đàm phán tại Washington DC cuối tháng 4 và cuộc họp của các trưởng đoàn đàm phán tại Guam vào giữa tháng 5 vẫn còn những vấn đề tồn đọng đối với nguồn gốc xuất xứ sản phẩm may mặc, tiếp cận thị trường, thực thi thương mại, cạnh đó là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị.

>>Itochu đầu tư 9 triệu USD vào Vinatex

Cho đây là phần khó khăn nhất, bà Julia K.Hughes, Chủ tịch Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ cho rằng cả Việt Nam và Mỹ "phải để ý” trong đàm phán và thực thi sau này.

Thứ nhất, nguồn cung ứng nguyên liệu thiếu hụt do có những quy tắc của TPP về các sản phẩm may mặc sử dụng sợi và vải.

Thứ hai, tiếp cận thị trường, tiến tới loại bỏ hàng rào thuế quan. Một số quốc gia thành viên TPP sẽ được miễn thuế ngay từ ngày đầu, nhưng không phải tất cả.

Cạnh đó, việc "dừng thu thuế” có lộ trình phức tạp và là việc từ trước đến nay Mỹ chưa thực hiện nhiều.

Theo phân tích của bà Julia, nếu gọi "miễn thuế ngay từ ngày đầu tham gia" là mục tiêu A và "dừng thu thuế sau 5 năm với mức thu thuế giảm là 10% mỗi năm" là mục tiêu B, thì hầu hết các sản phẩm lại rơi vào "mục tiêu X", nơi mọi vấn đề bị hạn chế nhất, chẳng hạn quy định sẽ cắt giảm thuế ngay, miễn thuế sau 10 năm đối với sản phẩm dệt kim và sau 12 năm đối với sản phẩm dệt len.

"Mục tiêu X" là để bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, không loại trừ việc có thêm những áp lực liên quan đến "mục tiêu X" từ ngành công nghiệp ngành dệt may và từ chính bản thân nước Mỹ khi áp dụng thuế nhập khẩu bằng 0%, bởi đó là những sản phẩm Mỹ kỳ vọng sẽ nhập khẩu. Thứ ba, xác định chất lượng sản phẩm theo xuất xứ.

>>Công nghiệp phụ trợ: Sợi, dệt đón TPP

Theo đề xuất của Mỹ, Mexico và Peru, các sản phẩm may mặc đều phải có xuất xứ từ sợi trở lên.

Đây cũng là vấn đề thường được lật đi lật lại trong quá trình đàm phán TPP và cũng có những ngoại lệ. Bà Julia lưu ý các DN ngành công nghiệp thời trang nhớ tuân thủ những quy tắc xuất xứ nguyên liệu khi tham gia TPP.

Trong một lần trả lời câu hỏi của giới báo chí, rằng, tại sao các công ty Việt Nam ít đầu tư vào lĩnh vục sản xuất sợi chất lượng trung, cao cấp, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ cho biết: "Sản xuất sợi xơ dài polyester khó hơn sản xuất sợi xơ ngắn, trong khi chi phí đầu tư ngang nhau.

Khó nhất của việc sản xuất xơ sợi dài là kết hợp được hai yếu tố thường tỷ lệ nghịch với nhau là chất lượng và sản lượng hay tốc độ sản xuất. Tốc độ sản xuất cao sẽ dẫn đến giá thành thấp hơn. Ngay cả khâu nguyên liệu cũng quyết định chất lượng và năng suất.

Đơn cử năm 2008, công ty nhận PET chíp để sản xuất POY, nguyên liệu đầu vào của sợi DTY thay vì nhập khẩu giá cao, tỷ lệ sợi đứt ban đầu ở nhà máy là 30 lần, nay giảm còn 2 - 3 lần/ngày. Mấu chốt ngành này nằm ở bí quyết công nghệ mới".

Như vậy, để sản xuất theo hướng ODM, các DN phải đầu tư rất lớn cho công nghệ và phải thay đổi cả cách phân phối.

Theo ông Trường, hiện nay, hai quốc gia có năng lực cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam là Thái Lan và Indonesia. Thái Lan có ngành công nghiệp thời trang rất mạnh nên họ có thể xây dựng thương hiệu ở Việt Nam.

Vì vậy, Vinatex phải cân nhắc việc thay vì thoái vốn ở các công ty thì giữ lại một số đơn vị, tức sắp xếp lại sản xuất - kinh doanh.

Vinatex sẽ đầu tư vào hệ thống siêu thị theo hướng xây dựng thương hiệu chuyên cho sản phẩm dệt may, không còn tình trạng siêu thị Vinatex trộn lẫn giữa hàng tổng hợp với hàng dệt may.

>>DN Thái Lan âm thầm tăng thị phần trên toàn cầu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dệt may: Đầu tư ODM là chưa đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO