Một tay cắt may, hai tay cắt lỗ

HỒNG NGA - Ý NHI, Ảnh: QUÝ HÒA| 24/05/2012 09:12

Doanh số sụt giảm mạnh đặt DN vào bài toán tái cơ cấu toàn bộ hoạt động, từ thương hiệu, sản phẩm cho đến quản trị.

Một tay cắt may, hai tay cắt lỗ

Doanh số sụt giảm mạnh đặt DN vào bài toán tái cơ cấu toàn bộ hoạt động, từ thương hiệu, sản phẩm cho đến quản trị.

>>Tả tơi hàng hiệu Việt

Thay đổi toàn diện

Theo ông Nguyễn Hữu Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang Việt (Ninomaxx), kinh doanh trong một thị trường nhiều cạnh tranh và cũng để theo kịp xu thế của thời đại, vươn tầm ra thế giới thì việc đổi mới công ty, làm mới thương hiệu là điều tất yếu phải làm.

Chính vì vậy, Công ty đang cải tổ toàn diện bộ máy từ khâu sản phẩm, kênh phân phối, nhân sự, đối tượng khách hàng và đặc biệt là thay đổi cách quản trị công ty. Sự đổi mới công ty phải bắt đầu từ định hướng về sản phẩm.

Trước đây, Ninomaxx theo đuổi tiêu chí thời trang, nhưng nay hướng đến chất lượng nhiều hơn. Nếu trước đây, tỷ trọng giữa thời trang và chất lượng là 70/30, thì bây giờ ngược lại, yếu tố chất lượng chiếm đến 70%.

Cùng lúc đó, Ninomaxx cũng định vị lại thương hiệu. Lâu nay, Ninomaxx chủ yếu phục vụ đối tượng người trẻ, độ tuổi từ 22 - 28, thì nay sẽ mở rộng sang nhiều phân khúc khác nhau, như thời trang trẻ em, giới nhân viên văn phòng, công sở.

Bên cạnh đó, Công ty xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng Ninomaxx Concept - mô hình nhiều nước đang áp dụng. Ở đó không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm cho tất cả đối tượng khách hàng, mà còn là nơi để mọi người trải nghiệm sự chọn lựa mua sắm trong không gian trưng bày hiện đại, thoải mái và phong phú về chủng loại sản phẩm, kiểu dáng.

Tại đây sẽ có đầy đủ các thương hiệu thời trang của Công ty như: Ninomaxx, Maxstyle và N&M. Bước đầu, Ninomaxx sẽ mở ít nhất 9 - 15 cửa hàng và những cửa hàng mới này sẽ xuất hiện tại TP.HCM trong 2 tháng nữa.

Các DN kinh doanh thời trang cho rằng, càng khó khăn, DN càng phải đổi mới, cải tổ để vượt khó và tồn tại. Trước đây, hầu hết các DN đều chọn cách càng mở nhiều cửa hàng càng tốt nhưng bây giờ, với họ, hiệu quả là trên hết.

“Cửa hàng nào có lợi nhuận ổn định thì duy trì, cửa hàng nào không hiệu quả thì đóng cửa”, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan giày An Phước, nói dứt khoát.

Xác định vẫn “trung thành” với hướng đi mở nhiều cửa hàng để vừa quảng bá thương hiệu, vừa tăng sự nhận biết của khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng phủ kín ở các nơi, nhưng ba tháng một lần, An Phước sẽ rà soát lại hoạt động của hơn 80 cửa hàng trong cả nước. Với các cửa hàng đang hoạt động, An Phước sẽ đầu tư thêm hệ thống tủ trưng bày, quầy kệ mới, trang trí các bảng hiệu, huấn luyện nhân viên bán hàng kỹ càng hơn.

Cùng với việc kiểm soát chặt hoạt động của cửa hàng, An Phước đầu tư vào việc thay đổi chủng loại, cơ cấu mặt hàng, cải tiến chất lượng sản phẩm. Theo bà Điền, để tồn tại và cạnh tranh, chiến lược tái cơ cấu sản phẩm là quan trọng nhất.

Chính vì vậy, Công ty đã nhập các loại vải ít nhăn, mua máy may áo vest tự động và đặc biệt là mới đây, Công ty đã đầu tư mua máy chống nhăn lên tới nửa triệu USD.

Bà Đặng Quỳnh Đoan, Tổng giám đốc Công ty Việt Thy, cho rằng, kinh doanh mặt hàng thời trang cũng đồng nghĩa với việc phải luôn đổi mới. Không chia sẻ kế hoạch cụ thể nhưng bà Đoan cho biết, trong thời gian rất gần Việt Thy sẽ có sự thay đổi toàn diện từ hệ thống phân phối, đội ngũ bán hàng, sản phẩm với mong muốn thương hiệu Việt cũng có vị trí trong quyết định chọn lựa của khách hàng trong nước.

Còn bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty thời trang Nguyên Tâm (Foci), thì cho rằng, các DN phải tự thân vận động, xoay xở để thích ứng với điều kiện kinh doanh. Trong điều kiện này cần phải đối đầu với khó khăn để tồn tại, sau đó mới tính đến việc phát triển.

Tuy vậy, “Foci cũng phải thay đổi mẫu mã nhanh hơn, đặt sự sáng tạo cao hơn, giảm tối đa chi phí vận hành để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá tốt nhất có thể.

Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng, mang đến cho khách hàng sản phẩm tốt nhất để gợi nhớ đến thương hiệu”, bà Báu cho biết.

May đo đường dài

Thực hiện việc cải tổ công ty trong điều kiện này có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng, đây cũng là thời điểm có nhiều thuận lợi.Thứ nhất, giá thuê mặt bằng ở những vị trí đắc địa, có diện tích lớn đang xuống giá khoảng 12 - 13% nhưng số người thuê mặt bằng lớn lại đang giảm.

Thứ hai, hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng muốn đến mua sắm ở các cửa hàng lớn nên việc “đóng cửa hàng nhỏ, mở cửa hàng to” là một hướng đi đúng. Hơn nữa, mô hình này cũng là “đường dài” để Ninomaxx đón đầu cạnh tranh. Bởi sắp tới, chắc chắn các nhãn hiệu thời trang nước ngoài sẽ vào Việt Nam và kênh phân phối nhỏ sẽ không cạnh tranh được.

“Lúc đó, sản phẩm họ đẹp, mình cũng đẹp, cửa hàng của họ lớn, mình cũng lớn nhưng giá rẻ hơn nên khả năng cạnh tranh là hoàn toàn có thể”, ông Phụng phân tích.

Ông Lâm Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang Xanh Cơ Bản (Blue Exchange), cho biết sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên giá trị cốt lõi, tập trung vào kế hoạch dài hạn.

Trong đó, tập trung để tạo ra nhiều sản phẩm thời trang hơn, đẹp hơn nhưng giá thành thấp nhất. Song song đó, Công ty cũng sẽ phát triển những đối tác chiến lược có cùng tầm nhìn, cùng quan điểm.

Hiện tại, Công ty đang hợp tác với Garmex Saigon để xây dựng chuỗi giá trị hoàn hảo từ việc mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất và xây dựng hệ thống kinh doanh. Lợi thế của nhà sản xuất, cung ứng các sản phẩm may mặc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật thế giới của Garmex Saigon sẽ giúp nâng chất lượng sản phẩm cho Blue Exchange.

Dù đã có hệ thống hơn 140 cửa hàng trong cả nước và ngành kinh doanh thời trang Việt Nam đang rất khó khăn nhưng ông Thái cho biết, Blue Exchange vẫn sẽ tiếp tục phát triển và mở thêm cửa hàng khi điều kiện thích hợp nhất.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một tay cắt may, hai tay cắt lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO