Máy xây dựng: Nhập khẩu 100%

06/02/2010 06:35

Nhu cầu xây dựng tăng mạnh đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc phục vụ cho ngành này

Máy xây dựng: Nhập khẩu 100%

Nhu cầu xây dựng tăng mạnh đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc phục vụ cho ngành này.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM), hàng loạt các bãi bán các loại máy hay xe tải nặng nhập khẩu phục vụ xây dựng, liên tục mọc lên. Không chỉ TP.HCM, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các tỉnh, thành phố có nền công nghiệp phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương... Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo nhận định của giám đốc một doanh nghiệp, cả nước có khoảng hơn 500 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu mặt hàng này.

Khoảng trống

Theo anh Nguyễn Tấn Hóa, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hiếu Thảo, chuyên bán các loại máy xây dựng trên xa lộ Hà Nội, hầu hết máy móc được bày bán trên xa lộ này chủ yếu là nhập khẩu. Anh cho biết, vài năm trước, số doanh nghiệp buôn bán mặt hàng này còn thưa thớt, nhưng gần đây dường như nhiều người nhận thấy kinh doanh mặt hàng này dễ ăn nên tập trung về đây.

Thực tế, với những đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, đang rất cần đầu tư mạnh vào phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cầu, đường sắt, bến cảng, thủy điện, nhà ở cao tầng... thì việc nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu các loại máy này cũng là điều dễ hiểu.

Không chỉ được các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước chú ý, thị trường máy xây dựng Việt Nam còn được các doanh nghiệp trong ngành trên thế giới đánh giá cao. Năm ngoái, với sự giúp đỡ của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), một đoàn doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị xây dựng Hàn Quốc đã đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam để tìm cơ hội liên kết đầu tư, kinh doanh. Hồi giữa năm 2009, đoàn doanh nghiệp lĩnh vực máy xây dựng của Nga cũng đã đến làm việc với VCCI để tìm cơ hội hợp tác.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện Việt Nam có khoảng 150.000 nhà thầu xây dựng, trong đó có khoảng 2.000 nhà thầu cỡ lớn và vừa, nên nhu cầu về máy móc xây dựng sẽ rất lớn.

Thế nhưng, trừ một vài doanh nghiệp sản xuất thiết bị nâng và ôtô tải nặng theo nhu cầu của thị trường, thị trường máy xây dựng vẫn còn bỏ trống. Gần như 100% máy xây dựng của Việt Nam là nhập ngoại.

Bên cạnh lý do chưa sản xuất được, theo nhận định của giới kinh doanh, một nguyên nhân khác khiến nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu mặt hàng này chính là thuế. Hầu hết các mặt hàng này đều hưởng thuế suất nhập khẩu 0% do nằm trong danh mục được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

Theo tính toán của VAMI, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 3-4 tỉ USD để nhập các loại máy xây dựng.

95% hàng đã qua sử dụng

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Thương mại Việt Nam (Vinanet), trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 15.000 máy xây dựng cũ các loại, chiếm tới 95% tổng lượng máy nhập khẩu. “Khả năng tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh. Do vậy, họ muốn mua hàng giá rẻ nhưng vẫn có thể xài được. Trong khi đó, mức giá của máy cũ chỉ bằng 1/4 so với máy mới” anh Hóa, Doanh nghiệp Hiếu Thảo, nhận định.

Bên cạnh giá rẻ, nguồn cung dồi dào từ các thị trường cũng khiến các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc nhập khẩu. Theo Vinanet, các loại máy được nhập nhiều nhất là máy xúc đào, máy ủi, xe lu và thị trường nhập chủ yếu từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Đây là những quốc gia có nền kinh tế phát triển, đã trải qua giai đoạn xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhu cầu sử dụng các loại máy móc xây dựng không còn nhiều, nên nguồn máy xây dựng dư thừa rất dồi dào.

Không chiếm thị phần lớn như dòng máy cũ, nhưng theo các nhà phân phối, dòng máy xây dựng mới nhập khẩu (5%) ở Việt Nam vẫn có chỗ đứng riêng. Anh Trần Duy Nin, phụ trách kinh doanh Công ty Komatsu Việt Nam chi nhánh TP.HCM, cho biết, trong khi phân khúc máy cũ đang lộn xộn do doanh nghiệp nhập khẩu vốn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì phân khúc máy nhập khẩu mới chủ yếu tập trung ở một vài nhà phân phối nhất định.

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam ở phân khúc này, 2 doanh nghiệp lớn là Komatsu và Cat chiếm phần lớn thị phần. Komatsu chiếm khoảng 52%, Cat chiếm khoảng 32%, phần còn lại của các hãng khác. Theo anh Nin, năm 2009, Việt Nam tiêu thụ khoảng 300 máy xây dựng của Komatsu, trị giá gần 108 triệu USD. Trong khi đó, Công ty Cat Việt Nam cho biết, năm 2009, công ty này bán được khoảng 250 chiếc, trị giá khoảng 70 triệu USD.

Cơ hội mua máy giá rẻ

Thị trường tiềm năng, nhưng theo các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này, không phải là không có khó khăn. Chị Hoàng Thanh Tâm, chủ Doanh nghiệp Lưỡng Tiện, chuyên mua bán các loại máy xây dựng (Q.2, TP.HCM), cho rằng, 2010 sẽ là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khi gói kích cầu của Chính phủ không còn, khiến nhu cầu về máy xây dựng sẽ giảm sút.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu máy xây dựng như Lưỡng Tiện còn gặp một khó khăn nữa, đó là việc đồng yên Nhật bị mất giá. Theo chị Tâm, máy xây dựng chủ yếu được nhập từ Nhật, trong khi hiện nay tỉ giá của đồng yên Nhật đang mất giá so với đồng USD, nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu bị lỗ nặng. Tuy nhiên, cũng theo chị, khó khăn sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong ngành có sự sàng lọc tốt hơn.

Mặc dù vẫn thừa nhận khó khăn nhưng anh Hóa, Doanh nghiệp Hiếu Thảo, lại cho rằng đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng ở các quốc gia phát triển phá sản nên lượng máy xây dựng cần thanh lý rất lớn.

Nếu nhập khẩu trong thời điểm này thì khi thị trường ổn định trở lại, lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được là rất lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ không làm đại lý nữa mà chuyển hẳn sang nhập trực tiếp để kinh doanh”, anh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Máy xây dựng: Nhập khẩu 100%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO