M&A trong bối cảnh luật pháp bất cập

19/05/2010 08:23

Sự gia tăng các vụ M&A những tháng đầu năm nay có tới 278 thương vụ được công bố, trị giá tới 1,1 tỉ USD.

M&A trong bối cảnh luật pháp bất cập

Công ty cổ phần Bibica có thể tự hào về mạng lưới kinh doanh của mình: họ đã thiết lập được một hệ thống đại lý khắp các tỉnh ở Việt Nam từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Từ hệ thống đại lý đó, những chiếc bánh Choco Pie truyền thống của Bibica hay những sản phẩm bánh kẹo khác cùng thương hiệu được chuyển đến hàng ngàn điểm bán lẻ khác. Đây là thế mạnh mà bất kỳ nhà sản xuất bánh kẹo đối thủ nào của Bibica cũng phải thèm muốn.

Sự gia tăng các vụ M&A những tháng đầu năm nay có tới 278 thương vụ được công bố, trị giá tới 1,1 tỉ USD.

Cũng vì thế mà Bibica đã rơi vào tầm ngắm của tập đoàn Lotte Hàn Quốc với thương vụ mua hơn 30% cổ phần Bibica cuối năm 2007, rồi tăng lên hơn 35% đầu năm 2008. Đến nay thì những chiếc bánh Choco Pie mang tên Lotte Pie hay các sản phẩm bánh kẹo khác có đuôi Lotte đã được bán trong hệ thống phân phối của Bibica. “Cuộc hôn phối” này đã mở đường cho Lotte thâm nhập thị trường Việt Nam một cách sâu rộng trước ngày 1.1.2009, thời điểm mà Việt Nam bắt đầu cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mở chỉ duy nhất một cơ sở phân phối, theo cam kết WTO.

Theo quy định hiện hành, vụ mua bán sáp nhập (M&A) có vốn đầu tư nước ngoài kiểu như trên sẽ được xem xét tại uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc bộ Kế hoạch và đầu tư. Tuy nhiên, bộ Kế hoạch và đầu tư – với chức năng giám sát luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp đã không biết đến vụ M&A này. Điều này được cả vụ trưởng vụ Pháp chế Phạm Mạnh Dũng và một cựu cục phó cục Đầu tư nước ngoài thời đó xác nhận.

“Vụ hôn phối” của Bibica và Lotte đánh dấu cột mốc mà các vụ M&A giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, hay giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau bắt đầu gia tăng. Chỉ trong năm tháng đầu năm nay đã chứng kiến những vụ M&A lớn như Masan mua lại mỏ Núi Pháo chuyên khai thác volfram; Vinamilk mua toàn bộ công ty cổ phần sữa Lam Sơn; Vietinbank bán 10% cổ phần cho công ty tài chính quốc tế IFC và 15% cổ phần cho ngân hàng Nova Scotia của Canada; công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương chào mua công khai 3,75 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang; ngân hàng Commonwealth of Australia tuyên bố sẽ mua 15% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại ngân hàng Quốc tế VIB; tập đoàn công nghệ CMC trở thành cổ đông chiến lược với gần 44% cổ phần của công ty NetNam.

Sự gia tăng các vụ M&A những tháng đầu năm nay tiếp nối xu thế của năm 2009, khi theo thống kê chưa đầy đủ của công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Avalue có trụ sở tại Hà Nội – có tới 278 thương vụ được công bố, trị giá tới 1,1 tỉ USD. Ông Đặng Xuân Minh, giám đốc công ty Avalue nhận xét thêm: “Con số thực tế và giá trị có thể cao hơn vì nhiều thương vụ M&A không được công bố công khai”.

Con số thống kê này đã không được một cơ quan quản lý nào của Việt Nam thực hiện, cho dù M&A đã bắt đầu trở thành một xu thế ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề chính trong quản lý nhà nước nằm ở chỗ khác: Việt Nam đang thiếu một cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động kinh tế được dự báo là sẽ trở nên rất sôi động.

Ông Phạm Mạnh Dũng kể, ông đã thống kê một số chi tiết không hợp lý mà Nghị định 88 của Chính phủ quy định về hoạt động M&A. Ví dụ, một doanh nghiệp Việt Nam có 12 cơ sở phân phối thì buộc phải bỏ đi 11 cơ sở nếu muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài (vì theo cam kết WTO, Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài mở một cơ sở phân phối. Đây là kẽ hở nhờ đó Lotte đã lọt qua được với vụ mua cổ phần của Bibica). Ông nhận xét: “Khuôn khổ pháp lý cho M&A nằm rải rác mỗi nơi mỗi tí, nhiều khi mâu thuẫn với WTO”.

Cách đây một thời gian, ông Dũng được lãnh đạo bộ Kế hoạch và đầu tư giao kiểm tra lại khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này. Sau khi kiểm tra, ông Dũng có bằng chứng để đưa ra nhận định trên. Các quy định về M&A nằm rải rác trong các luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Cạnh tranh, Chứng khoán,… nhưng mỗi nơi “chỉ có vài dòng”.

Trong khi đó, thực tế đã khác rất nhiều. Nhiều chuyên gia tư vấn nhận xét, các thương vụ M&A đặc biệt sôi động trong bốn lĩnh vực: khai thác mỏ, ngân hàng, chứng khoán và phân phối. Ông Dũng nói, ông biết trong hai năm qua có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội và TP.HCM đăng ký thành lập rồi bán lại ngay cho doanh nghiệp nước ngoài nhằm đi trước những cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam theo WTO. Đây là thực tế mà ông Dũng đang tiếp tục tìm hiểu theo sự giao phó của lãnh đạo bộ Kế hoạch và đầu tư. Ông cho biết sẽ tổ chức một diễn đàn về M&A ở TP.HCM cuối tháng này. Ông nói: “Chúng tôi muốn giúp Nhà nước có cái nhìn tốt hơn về hoạt động này”.

Kết thúc năm 2009, Bibica có thể tự hào khi công bố lợi nhuận sau thuế là 58 tỉ đồng, gấp đôi so với 21 tỉ đồng năm 2008; tỷ suất lợi nhuận là 9,2% so với 3,8% năm 2008 và 5,4% năm 2007. Những con số này, không thể chối cãi, có sự đóng góp của Lotte. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thương vụ được coi là thành công này có đại diện cho các thương vụ M&A với nước ngoài hay không, và người Việt Nam được gì sau những thương vụ đó, trong bối cảnh thiếu hành lang pháp lý như hiện nay?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A trong bối cảnh luật pháp bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO