M&A ngân hàng: Chớ "ép duyên"

25/05/2012 04:43

Mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng thời điểm này đang khá rẻ, song nếu không kiểm soát được quản trị rủi ro, thì khoản đầu tư này trở thành đắt đỏ.

M&A ngân hàng: Chớ

Mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng thời điểm này đang khá rẻ, song nếu không kiểm soát được quản trị rủi ro, thì khoản đầu tư này trở thành đắt đỏ.

Trước nhận định cho rằng, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng ở Việt Nam quá chậm, ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, Công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) khẳng định, trên thực tế, có nhiều thương vụ M&A ngân hàng đã mua bán thành công, song chưa được công bố.

“Ngoài những thương vụ M&A ngân hàng đã lên báo ồn ào, còn nhiều thương vụ đã mua bán thành công, nhưng chưa công bố. Cách thức tiến hành M&A của các ngân hàng này rất nhẹ nhàng, không phải là gộp hai ngân hàng lại với nhau, đổi tên ngân hàng đó, mà nhiều trường hợp là ngân hàng này mua và nắm giữ cổ phần chi phối của một ngân hàng khác, đưa người vào tham gia điều hành, đến một thời điểm nào đó mới chính thức công bố", ông Thịnh nhận xét.

Nguyên nhân của sự gia tăng những thương vụ M&A ngân hàng đàm phán thành công, ngoài định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo ông Nguyễn Viết Thịnh là do thâu tóm ngân hàng thời điểm này có giá rẻ hơn nhiều so với 2 năm trước đây.

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong M&A ngân hàng, nếu hai bên bị ép buộc, thì chi phí rủi ro là rất lớn. Đây cũng chính là lý do khiến ngay cả nhiều ngân hàng lớn cũng rất thận trọng với M&A.

Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, nước này đã từng chủ trương ép buộc các ngân hàng phải sáp nhập để giảm từ hơn 30 ngân hàng xuống còn 10 ngân hàng.

Theo đó, nước này đã chọn ra 6 ngân hàng tốt, các ngân hàng còn lại bị chỉ định “ghép đôi”. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng mệnh lệnh hành chính này, Malaysia đã phải thay đổi chiến thuật, đề ra nguyên tắc đầu tiên trong tái cơ cấu ngân hàng là M&A tự nguyện.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) khẳng định, phương án M&A sẽ chỉ được VietinBank thực hiện trên nguyên tắc phải đánh giá lại giá trị thực của ngân hàng được mua lại.

M&A ngân hàng không đơn thuần chỉ là “nhập” một cơ thể này vào một cơ thể khác, bởi đằng sau mỗi thương vụ M&A là cả một “núi” vấn đề cần giải quyết.

Chính vì vậy, dù ông Depark Mistra - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, tiến trình M&A ngân hàng diễn ra quá chậm so với dự kiến và khuyến nghị NHNN cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại số ngân hàng yếu. Song nhiều ý kiến cho rằng, M&A ngân hàng không thể vội vàng, do rủi ro hậu sáp nhập là rất lớn.

Khi sáp nhập, phải trả lời được hàng loạt câu hỏi tại sao sáp nhập, mục tiêu sáp nhập là gì, tại sao chọn đối tác đó? Sau khi sáp nhập liệu có tích hợp được hai hệ thống ngân hàng lõi, hệ thống nhân viên, hệ thống khách hàng hay không...?

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC khuyến cáo: “Yếu kém của ngân hàng thời gian qua là do thanh khoản. Nếu các ngân hàng sáp nhập mà không quản lý được tốt hơn hệ thống quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, thì hậu sáp nhập vẫn có thể là một ngân hàng không khỏe mạnh”.

Cũng theo bà Vân, xử lý tài sản xấu là trọng tâm trong bất kỳ cuộc M&A ngân hàng nào. Có thể xử lý nợ xấu bằng nhiều phương pháp khác nhau, như thành lập công ty mua bán nợ, tách các khoản nợ xấu ra trước khi sáp nhập. Chỉ khi xử lý được những khoản nợ xấu này, thì việc sáp nhập ngân hàng yếu vào ngân hàng khỏe mới không làm ngân hàng khỏe yếu đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A ngân hàng: Chớ "ép duyên"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO