Liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Cần thực chất

Minh Hào| 29/12/2021 06:15

Liên kết, hợp tác phát triển kinh tế đã được TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện nhiều năm qua nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Đã đến lúc việc liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm này phải  thực chất hơn.

Liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Cần thực chất

Cấp thiết liên kết, hiệp lực phát triển

Liên kết phát triển kinh tế vùng là vấn đề quan trọng cho cả TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong khi các tỉnh, thành ĐBSCL dồi dào nguồn nguyên liệu tái tạo có lợi thế phát triển kinh tế biển, hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh thì TP.HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung đến từ ĐBSCL. Nhiều năm qua, TP.HCM và ĐBSCL đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất, kinh doanh, kinh tế biển, kết nối năng lượng - du lịch - hàng không, hệ sinh thái khởi nghiệp và liên kết công nghiệp hỗ trợ, bình ổn và phát triển thị trường...

Nhưng điều đáng nói là dù đã liên kết nhưng cả TP.HCM và ĐBSCL đều không phát huy hết tiềm năng. ĐBSCL là nguồn lương thực của cả nước, có sản lượng xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp lớn nhất nước nhưng hệ thống giao thông, vận tải yếu kém, đầu tư cho giáo dục đào tạo, nhất là khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp còn yếu. Trong khi đó, TP.HCM - thành phố lớn nhất về tiềm lực kinh tế của cả nước, đồng thời là trung tâm khoa học công nghệ, thương mại dịch vụ, đầu mối giao lưu quốc tế của phía Nam nhưng mới phát huy được một phần khả năng.

Chia sẻ tại diễn đàn Mekong Connect mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL phải tăng liên kết, đồng tâm hiệp lực để đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, gián đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa.

Liên kết và phát triển là nhu cầu cấp thiết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong phát triển kinh tế vùng. TP.HCM luôn xem các tỉnh, thành ĐBSCL là đối tác phát triển và sẵn sàng hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Với lợi thế tập trung các nguồn lực phát triển, TP.HCM cam kết hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL củng cố hệ thống y tế cơ sở phòng, chống dịch, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, hỗ trợ chuỗi cung ứng hàng hóa. 

Với các tỉnh, thành ĐBSCL, đổi mới sáng tạo mở là giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Cần thiết phải hình thành thị trường khoa học và công nghệ cho ĐBSCL. Và quan trọng là TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL phải cùng nhau xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của vùng.

Cần thực chất hơn

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng, để mối liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL chặt chẽ hơn và thực chất hơn, cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, với ĐBSCL, cần phát huy thế mạnh của người đồng bằng, thích nghi và sáng tạo của người dân đi khẩn hoang, quyết tâm vượt khó. Bên cạnh đó, Trung ương cần đẩy nhanh hơn việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho toàn vùng, gồm đường cao tốc, quốc lộ, sân bay, bến cảng, đường sắt (từ TP.HCM đến Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Rạch Giá - Hà Tiên), đường thủy, bố trí lại dân cơ theo cụm và đô thị hóa kết hợp với việc xây dựng các khu chế biến công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần một cơ chế pháp lý phù hợp cho toàn vùng ĐBSCL, TP.HCM và Đông Nam Bộ, trong đó vai trò hạt nhân và động lực phát triển của toàn vùng là TP.HCM. Cần tập trung phát triển ngành sinh học, làm nền tảng phát triển giống cây, con phù hợp yêu cầu thị trường, từ đó phát triển các ngành chế biến thực phẩm, dược...

Cũng theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, một vấn đề lớn hiện nay trong liên kết vùng là chuỗi cung ứng. Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ điểm yếu trong liên kết của vùng là đứt gãy chuỗi cung ứng, vai trò của logistics cho toàn vùng chưa đảm bảo. Vì vậy, cần "nhận dạng" lại vai trò của hệ thống logistics bằng việc thiết kế lại phương thức quản lý cả hệ thống. Cụ thể, mỗi đơn vị hành chính tỉnh, thành có giải pháp cụ thể cho hệ thống logistics, đảm bảo sự thông thoáng toàn vùng. Mỗi tỉnh, thành có thể mở làn xanh để kiểm soát và hỗ trợ hệ thống logistics liên vùng song song với việc tạo dựng chuỗi giá trị ngành hàng với sự tham gia của từng công đoạn theo mô hình "cụm - ngành".

Vấn đề nguồn nhân lực là rất quan trọng trong mối liên kết này. Cần phải xem nông nghiệp là thế mạnh của vùng để tiếp tục phát huy, khai thác tốt nhất nội lực và huy động các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Phải triển khai các giải pháp liên kết về hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp của các địa phương trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, chuyển đổi số giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. 

Muốn mối liên kết giữa TP.HCM với vựa lúa của cả nước hiệu quả hơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải thay đổi tư duy. Bởi trong tư duy liên kết vùng hiện nay vẫn đang tồn tại việc xem ĐBSCL là địa giới hành chính của 13 tỉnh, thành và liên kết theo kiểu riêng lẻ. TP.HCM hiện có rất nhiều chương trình hợp tác với các địa phương miền Tây Nam Bộ. Cần phải xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế và hợp tác cả vùng. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia, chuyển từ mục tiêu "đơn giá trị” sang "tích hợp đa giá trị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Cần thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO