Làm nông sản sạch phải từ tâm

THANH NGÂN| 28/09/2018 03:32

Các thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam tiêu tốn hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu rau quả. Trong số đó, có không ít loại trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ có cùng loại với Việt Nam nhưng được tiêu thụ mạnh nhờ dán tem kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Làm nông sản sạch phải từ tâm

Tại sao một đất nước nông nghiệp như Việt Nam lại nhập khẩu lượng trái cây lớn như vậy? Đó là vì có không ít người sản xuất trái cây chưa tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chưa tạo được lòng tin vững chắc nơi người tiêu dùng, và do vậy, người tiêu dùng chưa thể mạnh dạn, tự tin khi lựa chọn trái cây Việt Nam.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công bố sản xuất rau quả, trái cây an toàn, nhưng an toàn đến đâu, an toàn như thế nào vẫn còn là dấu hỏi lớn. Vậy nhưng giá bán những loại nông sản này lại cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại. Điều đó càng khiến nông sản được cho là an toàn của các doanh nghiệp nội vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Link bài viết

Để có những sản phẩm "độc" và "lạ", như cà phê tươi sấy, nước mía tươi sấy, rau má tươi sấy 100% tự nhiên, không có đường, chất tạo ngọt hay hóa chất đưa ra thị trường, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit đã bỏ ra 2 năm và tốn đến 5 triệu USD để nghiên cứu, sản xuất thử. Đó là chưa kể để có nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất, từ nhiều năm nay, Vinamit đã chủ động đất canh tác, và đã có vùng nguyên liệu 200ha đất sạch.

Đến tháng 11 tới, bộ sản phẩm sấy của Vinamit sẽ bổ sung một số mặt hàng rau củ, trái cây sấy tẩy độc (detox), nước ép chế biến từ rau củ, trái cây hữu cơ trồng trong trang trại của Công ty. Vinamit sẽ đưa các lợi khuẩn vào sản phẩm rau củ, trái cây sấy đông khô để tăng thêm lợi ích về sức khỏe cho người dùng. "Lợi thế lớn nhất của chúng tôi là chủ động nguồn nguyên liệu và ứng dụng công nghệ sinh học vào trồng trọt để nâng cao chất lượng rau củ, trái cây nguyên liệu", ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

Để có trái cây chế biến sạch phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Công ty CP Lavifood cần một vùng nguyên liệu sạch rất lớn. Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh khoảng 27.000ha để tái cơ cấu cây trồng và hiện đã trồng 120ha chanh dây, 20ha khóm tại huyện Tân Biên và Trảng Bàng. Ông Phạm Ngọc Ấn - Phó tổng giám đốc Công ty CP Lavifood cho biết, ngoài cung ứng thị trường nội địa, trái cây chế biến của Lavifood sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, một số nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chất lượng quyết định sự thành bại của sản phẩm. Muốn thuyết phục nông dân hợp tác với doanh nghiệp, sản xuất theo quy chuẩn khắt khe thì nông dân phải có niềm tin với doanh nghiệp. Niềm tin đó là uy tín trong thanh toán, mua hàng ổn định, luôn có lợi nhuận tốt so với trồng thông thường và bán cho thương lái.

Với kinh nghiệm của một người theo đuổi nông sản hữu cơ, nông sản sạch, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, muốn biết một đơn vị nào đó có thật sự sản xuất theo phương pháp hữu cơ hay không, chỉ cần nhìn người chủ đó chăm sóc các loài vật, cây trồng như thế nào, công nhân của họ có cuộc sống ra sao, vui vẻ hay không, trong các nông trại, người chủ đối xử với mọi người, mọi loài vật như thế nào. Người làm nông sản sạch phải có niềm đam mê, hết lòng với nó. Tất cả đều phải từ tâm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm nông sản sạch phải từ tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO