Làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp Nhật Bản: Mục tiêu vẫn còn quá xa

22/10/2018 03:34

Làm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia đang sản xuất tại Việt Nam hiện vẫn khó đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp Nhật Bản: Mục tiêu vẫn còn quá xa

Các doanh nghiệp Nhật tại Triển lãm Công nghiệp phụ trợ 2018 tại TP.HCM - Ảnh: T.Ân

Cải thiện năng lực doanh nghiệp nhỏ

CNS Amura Precision là một công ty về cơ khí chế tạo máy với các sản phẩm như khuôn mẫu phun nhựa, cao su, đúc nhôm, phụ tùng cơ khí được JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) chọn trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ.

Ông Nguyễn Trọng Văn - Tổng giám đốc CNS cho biết, sau khi được JICA hỗ trợ, CNS bắt đầu tiếp cận kiến thức quản lý theo mô hình 5S của Nhật (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng) với phương pháp Kaizen (cải tiến). "Nghe thì đơn giản nhưng rất khó để thực hiện và duy trì nếu không hiểu sâu bản chất của mô hình này. Theo ông Văn, trước hết phải tự trả lời câu hỏi vì sao mình chọn đối tác Nhật? Năng lực của mình có đáp ứng được chất lượng họ yêu cầu hay không?

Doanh nghiệp không nên trả lời rằng "chúng tôi làm được" mà cần trả lời thành thật mọi câu hỏi của đối tác. Khi gửi báo giá xác nhận "tôi làm được" thì phải giữ lời hứa, làm đúng cam kết. "Một khi giữ được chữ tín, đối với các vấn đề phát sinh khác, 2 bên đều có thể hợp tác giải quyết", ông Văn chia sẻ.

Link bài viết

CNS thuộc nhóm 10 doanh nghiệp (5 tại TP.HCM và 5 tại Hà Nội) được JICA lựa chọn hỗ trợ trong năm 2018 và chương trình 2019 sẽ khởi sự từ tháng 10 tới. Theo ông Ide Takamichi - chuyên gia JICA, chương trình hỗ trợ này là để giải quyết các vấn đề đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Chương trình thí điểm sẽ kiểm chứng việc thực hiện mô hình thành công ra sao sau khi nhờ vào sự hỗ trợ.

Theo đó, JICA sẽ lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà cung cấp, đồng thời phản hồi về chính sách đào tạo tiếp theo cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều vấn đề về nâng cao năng suất, tính toán giảm hàng tồn kho, phát triển công nghệ; đa số doanh nghiệp chưa thiết lập được kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh do mảng bán hàng tiếp thị còn yếu và chưa rõ ràng trong chiến lược kinh đoanh.

Về đào tạo nguồn nhân lực, các doanh nghiệp quy mô nhỏ tại các quốc gia ASEAN gặp khó khăn trong việc xác định hình mẫu nhân viên để đào tạo và phát triển đội ngũ quản lý cấp trung. Sau hỗ trợ, doanh nghiệp từng bước cải thiện được các khâu quan trọng như tiến độ sản xuất, định giá chính xác, quan tâm nhiều hơn đến việc gia tăng giá trị sản phẩm và giá trị doanh nghiệp.

Chưa đạt kỳ vọng

Chương trình hỗ trợ phát triển nhà cung ứng nội địa Việt Nam được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thúc đẩy hàng chục năm qua. Nhiều hoạt động kết nối và các chương trình triển lãm được tổ chức hằng năm để thắt chặt quan hệ giữa các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy các ngành điện tử và ô tô tại Việt Nam phát triển mạnh hơn.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn cách xa các mục tiêu kỳ vọng. Theo khảo sát của JETRO, tổng đầu tư đăng ký từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng vượt bậc, từ 2,15 tỷ USD năm 2016 lên 8,64 tỷ USD năm 2017. Hiện có gần 2.500 công ty Nhật Bản tại Việt Nam với hơn 50% thuộc ngành công nghiệp sản xuất.

Con số khả quan hơn với 70% công ty Nhật phản hồi sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong một vài năm tới. Đây là chỉ số cao nhất trong 6 quốc gia được khảo sát gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn phụ tùng nguyên liệu sản xuất được nhập từ Nhật hoặc Trung Quốc bởi họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những nhà cung cấp tại Việt Nam.

Theo ông Idei Ippei - chuyên gia nghiên cứu của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam năm 2017 nằm ở mức thấp nhất trong 6 quốc gia được khảo sát với 33,2%, giảm so với 34,2% của năm 2016. Nếu tính riêng tỷ lệ cung ứng từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác thì cao hơn so với các nước cung ứng khác. Trong khi tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp nội địa còn khá thấp, chỉ 13,1%, là mức dưới tiêu chuẩn và thấp so với năm 2016 là 14,1%.

Khảo sát của JETRO cũng cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam băn khoăn trong thời gian tới làm gì để tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa lên 79%. Họ kỳ vọng đạt đến tỷ lệ 84% nhằm giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng (63%) và phân tán rủi ro (20,6%).

Có đến 76,8% doanh nghiệp Nhật cho rằng các doanh nghiệp nội địa chính là các nhà cung ứng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài chiếm tỷ lệ 68,2%, kế tiếp là doanh nghiệp Đài Loan với 26,8%.

Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đặt kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp cung ứng Việt Nam nhưng thời hạn giao hàng và chất lượng sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Dù nhiều doanh nghiệp Việt có máy móc hiện đại nhưng vẫn không thể tận dụng tối đa chức năng của chúng, không có nhân lực có khả năng hướng dẫn nâng cao hiệu quả. Còn ít doanh nghiệp cung cấp có thể đáp ứng được công việc trong thời gian dài, hoặc trục trặc có thể xảy ra với nhà cung cấp là doanh nghiệp ưu tú nhưng chất lượng của các công ty họ thuê ngoài lại không đảm bảo.

JETRO cho biết chương trình hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam đã lên danh sách 158 doanh nghiệp có triển vọng thuộc các lĩnh vực gia công kim loại, khuôn đúc, khuôn nhựa, linh kiện điện, điện tử, xử lý bề mặt... Theo ông Takamichi, với xu hướng phát triển kinh tế tại Việt Nam, các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được chú trọng trong nhiều năm tới như ô tô và điện, điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp Nhật Bản: Mục tiêu vẫn còn quá xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO