Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao "sống sót"?

QUỐC KHÁNH/DNSGCT| 15/11/2016 08:24

Dù hàng loạt website bán hàng trực tuyến phải đóng cửa trong thời gian gần đây, mức tăng trưởng hấp dẫn của Thương mại điện tử tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào ngành này.

Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao

Dù hàng loạt website bán hàng trực tuyến phải đóng cửa trong thời gian gần đây, mức tăng trưởng hấp dẫn của Thương mại điện tử vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào ngành này.

Đọc E-paper

Hàng loạt cái tên mới gia nhập thị trường trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các tên tuổi lớn vẫn vô cùng khốc liệt. Do đó, ngoài chất lượng sản phẩm và dịch vụ, doanh nghiệp cần có chiến lược về tài chính để "sống sót" trên thương trường còn lắm chông gai này.

Bài học từ những kẻ ra đi

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2015, tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, dự đoán đến năm 2020 sẽ đạt 10 tỷ USD (chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ). Doanh số năm nay dù chưa được thống kê chính thức, tuy nhiên các chuyên gia dự đoán năm 2016 có nhiều thuận lợi để thương mại điện tử bùng nổ.

Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến năm 2016 sau 2 năm khá thành công đã đặt ra kỳ vọng lớn về doanh thu, khi ban tổ chức cho biết các doanh nghiệp hiện đã cải thiện đáng kể trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hạn chế khuyến mại ảo và ngày càng hoàn thiện về dịch vụ giao nhận, chăm sóc khách hàng. Năm nay, ban tổ chức dự đoán chương trình sẽ thu hút hơn 5 triệu lượt truy cập (gấp đôi chương trình năm ngoái) và đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng (gấp 4 lần so với năm ngoái).

Tiềm năng lớn, sức hút các nhà đầu tư vào thương mại điện tử này ngày càng tăng và cuộc chiến thương mại điện tử Việt Nam vì thế cũng ngày càng khốc liệt.

Không ít trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã đóng cửa sau một thời gian hoạt động. Năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử có tên tuổi như: Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn… chia tay thị trường vì không thể chịu nổi áp lực cạnh tranh, chưa kể đến những doanh nghiệp nhỏ đến rồi đi không ai hay biết.

Tháng 8/2016, website Lingo.vn đình đám một thời cũng đã tạm biệt thị trường với khoản lỗ 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, không ít các trang thương mại điện tử được nước ngoài đầu tư cũng phải nhượng lại cho đối tác do thua lỗ. Rocket Internet - chủ sở hữu Zalora Việt Nam đã bán lại sàn này cho Central Group (Thái Lan) vào tháng 4/2016, Lazada tại Đông Nam Á cũng chịu chung số phận khi phải bán lại phần lớn cổ phần cho hãng Alibaba của Trung Quốc với giá 1 tỷ USD…

Nguyên nhân khiến các website thương mại điện tử đến rồi nhanh chóng ra đi là do chiến lược đánh nhanh thắng nhanh. Khi mới gia nhập thị trường, nhiều doanh nghiệp đổ tiền ồ ạt để thực hiện các chiến dịch truyền thông, khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Cách này giúp họ nhanh chóng thu hút người dùng, thế nhưng lại chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực và tài chính bền vững. Nhiều website qua thời kỳ "trăng mật" với doanh số khủng rơi vào trạng thái hụt hơi, thiếu vốn và đành rời bỏ cuộc chơi.

Hiện nay, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, chất lượng sản phẩm và chi phí vận chuyển là 2 điểm đáng lo ngại nhất. Trong nghiên cứu về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng được công bố cùng Báo cáo về tình hình thương mại điện tử năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 73% trong tổng số 967 người tham gia khảo sát cho rằng điều khiến họ lo lắng nhất khi mua sắm trực tuyến đó là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.

Bên cạnh đó, tình trạng chuyển phát chậm, thiếu chuyên nghiệp, chi phí cao cũng là rào cản lớn với người dùng và cả các website thương mại điện tử. Trong báo cáo này, 45% khách hàng thương mại điện tử phàn nàn về chi phí vận chuyển. Đối với doanh nghiệp, chi phí vận chuyển ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh, dự kiến mỗi trang thương mại điện tử sẽ tốn 10 – 20% doanh thu cho các dịch vụ vận chuyển, đóng gói, thu tiền và chăm sóc khách hàng.

Làm thế nào để "sống sót"?

Nhìn vào các sàn giao dịch, website thương mại điện tử hiện nay, có thể thấy các trang này có nhiều điểm tương đồng về danh mục hàng hóa, sản phẩm lẫn nhà cung cấp… Vậy yếu tố nào sẽ giữ chân người mua sau cơn sốt về giá cả và khuyến mại?

Câu trả lời hẳn nhiên nằm ở chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần có một chiến lược kinh doanh rõ ràng cũng như biết phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, trong đó, cần chú trọng khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm và hoàn thiện dịch vụ. Hai yếu tố sẽ tạo nên khác biệt so với các đối thủ và giữ chân người dùng.

Đã có nhiều trang thương mại điện tử làm được chuyện này. Thay vì ồ ạt khuyến mại, giảm giá, họ chọn cách đi chậm mà chắc. Họ không đầu tư dàn trải tất cả các danh mục hàng hóa mà phát triển từ một thị trường ngách để đủ tiềm lực phát triển những giá trị cốt lõi.

Yes24.vn - trang thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) khi mới gia nhập thị trường Việt, chỉ tập trung vào mảng thời trang, giày túi, mỹ phẩm nhập từ Hàn Quốc vốn là thế mạnh của tập đoàn. Điều này giúp họ dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm và hoàn thiện dịch vụ. Dù không có tên trong danh sách các website có doanh số khủng nhưng Yes24.vn đã xây dựng được một mạng lưới khách hàng trung thành.

Tiki cũng là một điển hình của website thương mại điện tử thành công nhờ tập trung vào thị trường ngách. Gia nhập thị trường từ năm 2010 và chỉ tập trung vào sách, Tiki đã xây dựng được chính sách nhất quán trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và các dịch vụ giao hàng, chăm sóc khách hàng - những yếu tố giúp họ phát triển bền vững và sẵn sàng cho việc mở rộng doanh mục hàng hóa như hiện nay.

Theo thống kê tháng 6/2016 của Tiki, 60% khách hàng mua hàng trên trang này đã trở thành khách hàng thường xuyên và đóng góp trên 2/3 doanh thu.

Từ hai ví dụ này có thể thấy chiến lược thị trường ngách ban đầu sẽ hạn chế thị trường thế nhưng lại giúp doanh nghiệp thương mại điện tử dễ dàng xây dựng lòng tin, gia tăng số lượng khách hàng trung thành, đây là bước đệm để họ mở rộng thị trường một cách bền vững. Cách làm này rõ ràng ít tốn chi phí và hiệu quả hơn so với việc vung tiền ồ ạt cho khuyến mại, tiếp thị để thu hút khách hàng mới nhưng lại chăm sóc không tốt khiến họ bỏ đi.

Với sự phát triển không ngừng của người dùng internet, smartphone tại Việt Nam, thương mại điện tử đang nhận được sự kỳ vọng lớn và tiếp tục thu hút những tay chơi mới. Sự cạnh tranh sẽ là yếu tố giúp các doanh nghiệp đi nhanh hơn và hoàn thiện mình. Doanh nghiệp nào sẽ lớn mạnh và giữ vai trò dẫn dắt thị trường, phụ thuộc vào nỗ lực của chính họ trong việc mang đến người mua những sản phẩm chất lượng và dịch vụ chu đáo nhất.

>[INFOGRAPHIC]M-commerce thay đổi ngành bán lẻ

>Bán hàng trực tuyến - xu hướng của ngành điện máy

>6 doanh nhân bán hàng trực tuyến thành công nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao "sống sót"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO