Khó chồng khó, doanh nghiệp lại đối mặt làn sóng giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt

Hồng Nga| 19/03/2021 07:55

Xăng tăng, điện tăng và hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất liên tục tăng giá trong những tháng đầu 2021, cộng thêm tác động từ đại dịch Covid-19 đang làm đau đầu hàng loạt doanh nghiệp. Họ buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh doanh thu, lợi nhuận.

Khó chồng khó, doanh nghiệp lại đối mặt làn sóng giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc công ty may mặc DONY cho biết, hiện nay nguyên liệu sản xuất ngành may tăng đã khiến giá thành sản phẩm tăng 10% so với trước

Đồng loạt tăng giá

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, lên mức cao nhất trong gần một năm qua. Nếu tính từ tháng 11/20220 đến nay, giá xăng đã tăng từ 3.100 - 3.400 đồng/lít. Việc giá xăng liên tục tăng khiến cho chi phí logistic tăng thêm. Nhưng không chỉ giá xăng tăng, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng mạnh thời gian qua. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng 20%, bao bì tăng từ 15-20%, đẩy giá thực phẩm tăng theo.

Chia sẻ về tình trạng này, ông Đỗ Văn Khuôl - Giám đốc Cung ứng Công ty Sài Gòn Food cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả các nguyên liệu sản xuất, từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng giá. Trong đó, các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5 - 10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15 - 70%, găng tay cao su tăng 300%... Trong khi đó, các nguyên liệu nội địa như gạo, thuỷ sản… do tình trạng mất mùa và giảm sản lượng cũng tăng từ 5 - 20%. "Dự báo giá thành chịu ảnh hưởng tăng từ 5-15% tùy từng loại mặt hàng trong quý I và II, và có thể tăng từ 10-25% từ quý III và IV/2021", ông Khuôl nói.

Vissan-1-JPG-7219-1616058662.jpg

Các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5 - 10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15 - 70%, găng tay cao su tăng 300%...

“Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài tăng vì cước vận chuyển đường biển và đường hàng không tăng. Thậm chí, một số nơi có dấu hiệu trữ hàng tạo khan hiếm cũng góp phần khiến giá tăng đột biến. Ngoài tăng giá, một số thời điểm nguyên liệu sản xuất còn bị đứt hàng do ảnh hưởng Covid-19 không thể vận chuyển bằng đường hàng không lẫn đường biển”, ông Đỗ Văn Khuôl nói.

Trong tình cảnh tương tự, ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, đã có nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, hương liệu sản xuất đề nghị tăng giá từ tháng 3 nhưng công ty thương thảo chỉ áp dụng từ tháng 4. Bên cạnh những nhà cung cấp này, một số nhà cung cấp khác cũng đề nghị điều chỉnh giá lên 15% từ tháng 5 tới.

Tính lại kế hoạch doanh số, lợi nhuận

Giá nguyên vật liệu tục tăng khiến các doanh nghiệp đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không bị lỗ, mất khách hàng. Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, chi phí đầu vào tăng buộc doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh. Bởi “nhiều trang trại đã “kêu” với chúng tôi từ tháng trước nhưng hiện tại do hàng dự trữ vẫn còn và vì thực hiện chương trình bình ổn giá của TP.HCM nên chưa thể tăng giá bán. Nhưng việc giữ giá sẽ không thể tiếp tục khi hàng dự trữ của chúng tôi đã hết. Vào khoảng cuối tháng 4 tới đây, chúng tôi phải tính toán lại giá thành và đề xuất với Sở Tài chính tăng giá bán hàng bình ổn”, ông Thiện cho biết.

Ông Phan Văn Dũng cho rằng, năm nay mới là năm "thấm đòn" của dịch Covid-19 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong khi nguyên liệu đầu vào lại tăng. "Sức mua đã giảm mạnh cả năm qua, giờ lại tăng giá bán nữa càng khó cho doanh nghiệp", ông nói.

Trong tình thế này, dù giá nguyên liệu đã tăng nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết họ buộc phải kìm giá đầu ra để giữ khách hàng. "Chúng tôi vẫn giữ giá đến hết tháng 4/2021 và chỉ điều chỉnh giá một số mặt hàng vào đầu tháng 5 tới", ông Dũng thông tin và cho biết trong đại hội cổ đông sắp tới sẽ phải trình phương án kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế chứ không thể theo kiểu “năm sau cao hơn năm trước” như lâu nay được.

Saigon-Food-3423-1616058663.jpg

Từ tháng 4 trở đi, dự kiến thực phẩm sẽ có đợt tăng giá khá mạnh

Trong lĩnh vực may mặc, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc công ty may mặc DONY cho biết, hiện nay nguyên liệu sản xuất ngành may tăng đã khiến giá thành sản phẩm tăng 10% so với trước. Công ty cũng đã áp giá mới cho các khách hàng Mỹ. Nhưng cũng như các nhóm ngành khác, lúc này theo ông Phạm Quang Anh, việc điều chỉnh giá bán là nỗi trăn trở của doanh nghiệp vì nếu giữ giá bán thì giảm biên lợi nhuận còn tăng giá thì khó tái ký hợp đồng với khách cũ. "Điều rủi ro đối các doanh nghiệp ngành may Việt Nam là khi tăng giá, khách hàng nước ngoài sẽ khảo sát các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Banlades, Pakistan… để tìm kiếm nguồn hàng tốt hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam đã khó lại càng khó hơn”, ông Phạm Quang Anh chia sẻ.

Để đối phó tình trạng nguyên liệu tăng giá, nhiều doanh nghiệp ngoài việc điều chỉnh kế hoạch doanh số, lợi nhuận còn phải tính đến giải pháp tìm mọi cách cắt giảm chi phí. Tại Sài Gòn Food, theo ông  Đỗ Văn Khuôl, công ty đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tiết giảm tối đa chi phí, thay thế nguồn nguyên liệu, tìm thêm nhà cung cấp có giá cạnh tranh…Mục đích nhằm kéo dài thời điểm tăng giá sản phẩm và mức tăng giá bao nhiêu cho phù hợp với tình hình thị trường. 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,52% so với tháng 1 - mức tăng cao nhất của chỉ giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.

10 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 4%, trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 20,05%, gas tăng 6,74%, dầu tăng 4,35%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, nhóm giao thông tăng 1,55% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm cuối tháng 1/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó chồng khó, doanh nghiệp lại đối mặt làn sóng giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO