Khẩu trang và công cụ kiểm soát dịch Corona

Nguyễn Hoàng| 07/02/2020 07:00

Kể từ ngày 30/1/2020, sau khi phát hiện ba trường hợp người Việt Nam bị nhiễm virus Corona mới, khẩu trang y tế đã “cháy hàng”, đặc biệt tại Hà Nội và ở một số tỉnh lân cận.

Khẩu trang và công cụ kiểm soát dịch Corona

Chính phủ đã đưa ra giải pháp nhằm xử lý tình trạng tăng giá bán khẩu trang y tế dùng một lần. Kể từ ngày 30/1/2020, sau khi phát hiện ba trường hợp người Việt Nam bị nhiễm virus Corona mới, khẩu trang y tế đã “cháy hàng”, đặc biệt tại Hà Nội và ở một số tỉnh lân cận. Một số hiệu thuốc đã tăng giá lên 4-5 lần so với giá bán trước thời điểm xảy ra dịch. Khẩu trang loại thường từ 50.000 đồng/hộp nâng lên 150.000 đồng, loại tốt hơn từ 90.000 đồng/hộp nâng lên 250.000 đồng, thậm chí 280.000 đồng/hộp.

Hiện tượng khan hiếm khẩu trang, theo Chính phủ, là do nguyên liệu của các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế phụ thuộc vào Trung Quốc, thêm vào đó là việc sản xuất tạm ngừng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và Trung Quốc đề nghị nhập khẩu trang từ Việt Nam để đối phó với nạn dịch Corona. 

Xử lý tình trạng này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại hội nghị trực tuyến mới đây đã chỉ đạo: Không được phép tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh bất kể hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho “đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”.

Lợi dụng dịch để kiếm lợi là một thực trạng, không chỉ là về kinh tế, lớn hơn là vấn đề về đạo đức. Chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là hợp lý trong bối cảnh người dân đang tức giận về giá khẩu trang tăng đột biến. Thế nhưng, với các kinh tế gia và những người hiểu về kinh tế học, kế hoạch của Chính phủ nhằm “bình ổn” giá khẩu trang trong bối cảnh như hiện nay có thể khiến thị trường khẩu trang bất ổn hơn, bởi thiếu chính sách “kiểm soát từ đầu”. 

Theo đó, việc kiểm soát nhằm đưa mặt hàng khẩu trang về mức giá thời điểm trước khi xảy ra dịch Corona sẽ trở nên vô nghĩa, nếu sức mua của người tiêu dùng lớn hơn lượng hàng có trên thị trường. Thêm nữa, việc kiểm soát nhằm đưa mức giá bán khẩu trang ngang bằng với thời điểm trước dịch có thể khiến các nhà sản xuất phải bán hàng dưới giá thành vì nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập từ Trung Quốc, lại đang tăng giá và thiếu hàng. 

Việc áp dụng công cụ kiểm soát để giữ giá khẩu trang thấp hơn giá thị trường và giá thành sản xuất sớm muộn sẽ dẫn đến hai điều. Thứ nhất, cầu về khẩu trang sẽ tăng, bởi mặt hàng này trở nên rẻ hơn, người dân có thể mua nhiều hơn. Thứ hai, cung khẩu trang có thể giảm, bởi người dân mua nhiều hơn khiến lượng tích trữ sớm bị bán hết. Cạnh đó, việc sản xuất sẽ bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận giảm, thậm chí không còn, bởi nhà sản xuất phải chịu lỗ khi bán khẩu trang, các xưởng sản xuất quy mô nhỏ sẽ ngừng hoạt động. 

Thị trường đã có những phản ứng nhất định khi các nhà thuốc gần như đồng loạt treo biển “Không bán khẩu trang”, cho thấy việc sử dụng công cụ kiểm soát không hiệu lực. Nhu cầu khẩu trang trên thị trường vẫn tiếp tục tăng do việc lây Corona từ người sang người đã được khẳng định và nghiên cứu gần đây nhất càng làm tăng thêm lo ngại khi cho thấy chủng nCoV có thể lây ngay cả khi người trong giai đoạn ủ bệnh. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang ba lớp với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày và hai đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng xuất 32.000 chiếc/ngày. Như vậy, không ai dám đảm bảo năng lực sản xuất của các đơn vị này có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, nếu không có những giải pháp rốt ráo của Chính phủ. 

Đến nay, chưa có vắc xin ngừa hay thuốc điều trị bệnh do virus Corona, dù Trung Quốc đã thử nghiệm loại thuốc mới trong điều trị bệnh nhân nhiễm chủng nCoV. 

Tại Việt Nam, vấn đề khẩu trang vẫn có thể sử dụng “biện pháp tình thế”. Thay vì sử dụng công cụ kiểm soát, Chính phủ có thể mở ngay năm bảy điểm bán khẩu trang ở mỗi quận, huyện và bán với giá ổn định. Cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung, Chính phủ đặt hàng nhà sản xuất, bao tiêu toàn bộ sản lượng làm ra để phục vụ cho các điểm bán. Trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công Thương, với hệ thống tham tán thương mại trên thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp mua được nguyên liệu ở nước khác. Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ nhanh những vướng mắc liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khẩu trang và công cụ kiểm soát dịch Corona
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO