Jason Fried, nhà sáng lập 37Signals

dịch Thủy Tiên| 30/12/2009 06:21

Jason Fried là người ghét hội họp nhàm chán. Không ưa kiểu kinh doanh chẳng có lời. Và không thể chấp nhận những công ty quản lý nhân viên gắt gao vô nghĩa.

Jason Fried, nhà sáng lập 37Signals

Jason Fried là người ghét hội họp nhàm chán. Không ưa kiểu kinh doanh chẳng có lời. Và không thể chấp nhận những công ty quản lý nhân viên gắt gao vô nghĩa.

Jason, 35 tuổi, luôn sống và làm việc theo cách nghĩ của cá nhân.

Mời các bạn theo dõi bản tin audio Jason Fried, nhà sáng lập 37Signals do Kim Qui trình bày.

Vì thế mà Jason đã cùng Ernest Kim và Carlos Segura sáng lập 37Signals năm 1999 tại Chicago, Hoa Kỳ. Ban đầu, công ty cung cấp dịch vụ thiết kế website. Năm 2003, Jason thuê một lập trình viên người Đan Mạch David Heinemeier Hansson, viết phần mềm để sắp xếp và quản lý các dự án thiết kế của công ty. Điều không ngờ là khách hàng thấy cần và yêu cầu mua chương trình đó. Đến năm 2005, thì việc bán phần mềm vượt trội hơn việc thiết kế web cả về lượng khách hàng cũng như doanh thu.

Ngày nay, Jason và Hansson điều hành 37Signals. Công ty có 16 thành viên, và hơn 3 triệu khách hàng sử dụng những ứng dụng trên web như Basecamp và Campfire để quản lý và tổ chức dự án. Jeff Bezos, người sáng lập web bán hàng trực tuyến Amazon, là nhà đầu tư duy nhất của 37Signals.

Jason, 35 tuổi, luôn sống và làm việc theo cách nghĩ của cá nhân. Một tuần làm việc của công ty không đúng chuẩn 40 tiếng. Không họp hành. Thẳng thừng từ chối ý kiến đóng góp từ khách hàng…

Tôi không dùng đồng hồ báo thức. Tôi tự mở mắt lúc 6:38. Ngày xưa, từng có lúc tôi cứ dậy lúc 7:31, là chính xác giờ tôi được sinh ra. Nghe kỳ bí huh.

Điều đầu tiên tôi làm là kiểm tra tin nhắn và e-mail trong di động. Sau đó, tôi đi pha trà, nhâm nhi, thư giãn. Tôi thích trà xanh và trà trắng. Tôi uống đa dạng nhiều loại, tùy tâm trạng lúc bấy giờ. Gần đây, tôi toàn uống trà hòa tan matcha của Nhật. Cứ bỏ bột trà xanh vào nước rồi dùng đũa tre khuấy tan, uống cạn. Bữa sáng của tôi thường là bánh nướng (kiểu bánh tổ ong tại Việt Nam) và một nắm hạt hạnh nhân. Nếu trời lạnh quá, tôi chuyển sang ăn cháo yến mạch.

Một tiếng/lần, 3 lần/tuần, suốt hai năm nay, tôi đều đặn đến phòng tập thể dục. Sau khi tập thể dục là thời gian làm việc.

Tôi có thể làm việc tại nhà. Thường thì một tuần tôi làm việc tại nhà, rồi tuần tiếp theo tôi đến công ty. Ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 10 hoặc 11 giờ sáng. Trong 16 nhân viên công ty, thì chỉ có một nửa là sống tại Chicago. Mà dù sống ở đâu, thì mọi người đều có quyền tự do làm việc tại nhà, muốn đến công ty thì đến, không thì thôi. Tôi không có khái niệm làm việc 40 tiếng/tuần. Tôi chẳng quan tâm các nhân viên làm việc bao nhiêu tiếng, chỉ cần họ hoàn tất công việc.

Tôi dùng nhiều thời gian để viết. Tôi viết mọi thứ lên website. Ưu tiên hàng đầu của tôi là làm sao để giao tiếp, truyền đạt thông tin và cảm nhận một cách rõ ràng. Thông thường, bài viết trên web thật tệ, và việc phối hợp các trang còn khủng khiếp hơn. Đọc những bài đó, bạn không biết được họ là ai, họ làm gì, họ đại diện cho cái gì… Tôi bỏ ra nhiều thời gian để viết một câu và viết đi viết lại đến khi nó hoàn hảo. Tôi thích công đoạn biên tập. Blog của chúng tôi có hơn 100.000 người đọc. Nhưng tôi không post bài lên hằng ngày, mà chỉ viết khi có chuyện đặc biệt để kể.

Gần đây, tôi viết những nhận định chủ quan và nghiêm khắc về truyền thông hiện đại. Tôi thấy bực mình khi nhiều người thay đổi định nghĩa về thành công trong kinh doanh. Nếu một nhà hàng bán được nhiều thức ăn, đón nhiều thực khách, những lại thua lỗ, thì có gọi là thành công? Không. Cũng tương tự như vậy, nếu hoạt động trên lĩnh vực internet, có nhiều fan hâm mộ, nhiều người sử dụng dịch vụ hơn thì thành công? Không hẳn vậy. Tôi không nghĩ vậy. Thành công trong kinh doanh bắt buộc phải thể hiện qua con số lợi nhuận.

Phần lớn thời gian trong ngày tôi còn dùng để suy nghĩ cách khiến mọi chuyện bớt phức tạp. Trong thế giới những công ty phần mềm, những phiên bản 1, 2 và 3 của sản phẩm rất tốt, mọi người có thể sử dụng trơn tru. Nhưng rồi, công ty cứ thêm nhiều ứng dụng mới, để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũ. Dần dần, sẽ tạo thành sản phẩm ngày càng phức tạp, khó sử dụng đối với những khách hàng mới. Để tránh tình trạng đó, chúng tôi luôn cố gắng để duy trì sự đơn giản của sản phẩm.

Ngày trước, tôi theo dõi và trả lời e-mail khách hàng. Nhưng giờ thì có hai người chuyên làm việc đó. Tôi và đồng sự Hansson thỉnh thoảng có can thiệp xử lý khi cần. Chúng tôi không lập danh sách tất cả những lời phàn nàn, vì như vậy mất thời gian quá. Chúng tôi chỉ để mắt đến những những vấn đề xảy ra nhiều lần.

Khi nhận thư góp ý từ khách hàng, câu trả lời thường là: Không, chúng tôi sẽ không thay đổi. Nhiều công ty nói dối với khách hàng rằng họ sẽ thực hiện thay đổi. Chúng tôi không nói những gì mình không thực hiện. Vậy nên, chúng tôi ghi: “Chúng tôi sẽ cân nhắc ý tưởng của bạn”. Nhiều khách hàng không thích thế.

Phần mềm đầu tiên chúng tôi tạo ra là: Basecamp, vì nhu cầu của chính chúng tôi. Và đó cũng là triết lý làm việc của 37Signals: Tạo ra thứ mà mình cần, và người khác chắc cũng sẽ cần.

Tôi thích tìm hiểu về những đầu bếp để tạo cảm hứng kinh doanh. Ví dụ như đầu bếp Mario Batali, cho phép máy quay vào tận bếp để chia sẻ công thức nấu ăn của mình. Trong kinh doanh, mọi người thường e ngại chia sẻ, truyền đạt bí quyết. Vậy nên, tôi thấy cách kinh doanh của đầu bếp Mario thật phóng khoáng và tuyệt vời.

Tôi ghét họp hành. Thật phí thời gian và tiền bạc. Tôi nghĩ, nếu họp 10 người trong 1 giờ, thì mình mất tổng cộng 10 giờ làm việc. Vậy nên, thay vì ngồi họp mất thời gian, chúng tôi dùng Campfire, công cụ chat nhóm. Chúng tôi xây dựng chương trình này vì công ty ngày càng lớn mạnh, thu hút nhiều nhân viên ở những thành phố khác nhau. Campfire giúp chúng tôi trao đổi thông tin nhanh chóng và tiện lợi nhất. Nếu tôi đang bận làm việc, tôi đóng cửa sổ Campfire lại. Đến khi có thời gian, tôi mới mở ra kiểm tra và trả lời câu hỏi của nhân viên, nếu có. Tôi nghĩ rằng rất hiếm có câu hỏi nào quan trọng và cần trả lời tức thì đến mức ta phải ngừng công việc chính đang làm lại để giải quyết ngay. Bình thường, mọi câu hỏi đều có thể chờ vài giờ để từ từ giải quyết, không vấn đề gì. Thực sự, mục đích chính là tôi cố gắng để không có bất cứ sự gián đoạn nào với công việc đang làm. Bởi vì gián đoạn là kẻ thù của ý tưởng sáng tạo và năng suất làm việc.

Thông thường, tôi gọi nhà hàng quen đem đồ ăn đến và ăn trưa tại bàn làm việc. Công ty tổ chức bữa trưa chung vào thứ 5 hằng tuần và bất cứ ai làm việc tại văn phòng ngày đó đều được khuyến khích tham gia. Vì chúng tôi ít đến công ty, đó là dịp hiếm hoi để tìm hiểu nhau. Chúng tôi cũng tổ chức đi du lịch công ty. Năm ngoái, chúng tôi đến Maine và Wisconsin. Trong những dịp đó, tất cả thành viên tề tựu, vui chơi trong 5 ngày, hai lần/năm. Khi không gặp nhau thường xuyên, mọi người đều trân trọng những dịp hiếm hoi như vậy.

Sau bữa trưa, từ 1 đến 3 giờ chiều, tôi khá lười. Không thể tập trung sản xuất hay sáng tạo gì, tôi lướt web. Tôi nghĩ việc đó không thừa. Ngược lại, tìm hiểu, khám phá mọi người xung quanh là rất quan trọng.

Tôi ghét nhất là những doanh nghiệp đối xử với nhân viên như với trẻ con. Họ khóa không cho máy công ty truy cập Facebook và YouTube vì họ muốn nhân viên hì hục làm trọn 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, tôi nghĩ, làm vậy chẳng giúp công suất làm việc cao hơn, mà chỉ thấy ức chế hơn. Tôi chẳng cần biết nhân viên làm việc trong bao lâu, chỉ cần công việc xong là được.

Tôi thích đọc sách giữa ngày làm việc. Không phải truyện viễn tưởng, mà là sách về tiểu sử, cuộc đời những nhà phát minh. Tôi cũng thích đọc lịch sử Hoa Kỳ. Khoảng 3 giờ chiều, tôi lại uống một tách trà, giúp lên tinh thần, phấn chấn, tập trung làm việc.

Cho ra mắt phần mềm là khoảng thời gian bận rộn nhất, vì nhiều sai sót mình không ngờ được sẽ lộ ra. Tuy nhiên, lợi điểm của phần mềm trên web là có thể cập nhật, chỉnh sửa. Vậy nên, nếu có gì đó đột nhiên xảy ra, chúng tôi hy vọng có thể lập tức khắc phục trong vòng 3 giây. Nhưng khi công ty càng lớn, thì những vấn đề nhỏ sẽ lớn rất nhanh. Một sai lầm gì đó làm bực mình vài người hôm nay sẽ làm phiền lòng hàng trăm người vào ngày mai. Tôi dành nhiều thời gian để phản hồi những than phiền đó. Có khoảng 15.000 người đọc Twitter của tôi. Trong đó, có người là khách hàng quen thuộc, có người ghét tôi. Tôi không biết họ, nhưng họ cứ chờ dịp để nói: “Mày chẳng làm được gì ra hồn!”. Twitter là nơi xả giận thì phải. Nhiều khi, những lời miệt thị có thể làm bạn buồn lắm. Nhưng, thế giới mạng mà, phải học cách chai mặt thôi.

Về vấn đề tài chính của công ty, chúng tôi có kế toán quản lý. Tôi và Hansson theo dõi những con số hằng ngày. Chúng tôi có màn hình quản lý cập nhật tức thì, chỉ cho chúng tôi thấy có bao nhiêu người đăng ký mua sản phẩm hay hủy dùng sản phẩm. Tôi còn dùng những công cụ khác như: trang tin tức, blog, dò tìm trên google… để biết công ty đang được đứng ở vị trí nào, được đánh giá thế nào.

Chúng tôi không có những kế hoạch lớn, dài hạn. Những quyết định lớn khiến con người hì hục lao động quên cả ngày đêm. Tôi không thích như vậy. Hầu hết quyết định của chúng tôi có thể gọi là “chóng vánh”.

Tôi ngừng làm việc vào khoảng 6 giờ. Tôi là kẻ nghiện chính trị, đã từng có lúc xem nhiều show tin tức, thời sự. Nhưng gần đây, tôi dành buổi tối vui vẻ với bạn bè hay dạo chơi ngoài vườn. Tôi có mảnh vườn nhỏ, để tự tay cắt xén cây, nhổ cỏ. Tôi bắt đầu học chơi trống từ vài năm trước. Vậy nên, thỉnh thoảng, sau giờ làm việc tôi đi chơi trống một hai tiếng.

Tôi thích đồng quê, định mua vài căn nhà miền quê. Và đã mua một căn nhà nông dân xây bằng đá xây từ những năm 1850. Ở đó, người hàng xóm gần nhất cách nhà nửa dặm. Hầu hết cuối tuần tôi về đó chơi. Tôi vừa mua máy kéo. Năm sau, tôi định trồng bắp.

Tôi thích nấu ăn, nhưng, còn độc thân, mà lại chán việc nấu nướng cho mình, nên tôi thường ăn tiệm. Khi ăn, tôi không quan trọng kiểu cách.

Ban đêm, tôi thấy hứng thú làm việc, và thường làm 1, 2 tiếng. Những việc càng phức tạp, càng chi tiết, đòi hỏi tập trung cao độ thường được làm vào ban đêm. Nhưng thỉnh thoảng tôi chỉ xem TV hay đọc sách. Tôi thích chương trình American Idol, thích giấc mơ Mỹ, thích những gì Simon nói một cách thành thật và chính xác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Jason Fried, nhà sáng lập 37Signals
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO