Indonesia gia hạn điều tra chống bán phá giá tôn lạnh Việt Nam

Dương Nguyễn| 29/08/2020 00:13

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), xu thế gia tăng bảo hộ từ nhiều thị trường xuất khẩu đã khiến nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế.

Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã thông báo gia hạn thêm 6 tháng về việc điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ nhôm kẽm (tôn lạnh) của Việt Nam và Trung Quốc. KADI nói cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục điều tra, do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, ngày 30/7/2020, KADI công bố dự thảo kết luận điều tra vụ việc. KADI cho rằng, tôn lạnh của Việt Nam đang bán phá giá và đã gây ra thiệt hại cho các công ty tôn lạnh của Indonesia.

Cục Phòng vệ thương mại sau đó gửi thư phản đối một số nội dung. Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị KADI nên sử dụng các thông tin, dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Đồng thời cho rằng một số kết luận chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam, như vấn đề thuế giá trị gia tăng, sự trùng lặp trong tính toán… Các nội dung thiếu chính xác này đã dẫn tới biên độ bán phá giá cao và gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

KADI cho rằng tôn lạnh của Việt Nam đang bán phá giá và đã gây ra thiệt hại cho các công ty tôn lạnh của Indonesia.

KADI cho rằng tôn lạnh của Việt Nam đang bán phá giá và đã gây ra thiệt hại cho các công ty tôn lạnh của Indonesia

Theo Cục Phòng vệ thương mại, xu thế gia tăng bảo hộ từ nhiều thị trường xuất khẩu đã khiến nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế. Hồi cuối tháng 7/2020, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) cũng có thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia.  

Ngoài hai mặt hàng trên, trước đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng đưa ra danh sách theo dõi bao gồm 13 mặt hàng xuất khẩu được xác định có nguy cơ cao bị phía Mỹ và EU điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự hiểu biết của doanh nghiệp về vấn đề này còn rất hạn chế. Theo một khảo sát của Cục Phòng vệ thương mại, có khoảng 15% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại, chỉ có gần 2% tìm hiểu tương đối kỹ, còn lại đều chưa nắm rõ. Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động ứng phó bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Indonesia gia hạn điều tra chống bán phá giá tôn lạnh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO