Hỗ trợ doanh nghiệp: Còn khoảng cách lớn giữa chủ trương với thực thi

Mỹ Huyền| 08/04/2021 07:12

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa báo cáo Thủ tướng các vấn đề tổng hợp từ cộng đồng doanh nghiệp trong tháng 3/2021 với một số nội dung đánh chú ý. Theo đó, có những câu chuyện khiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là “còn khoảng cách lớn giữa chủ trương với thực thi”.

Hỗ trợ doanh nghiệp: Còn khoảng cách lớn giữa chủ trương với thực thi

Giải quyết phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp còn chậm

Một số phản ánh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ từ cuối năm 2020 tới nay, dù Thủ tướng Chính phủ đã giao các các Bộ, ngành, địa phương tiếp nhận, xử lý hoặc tham mưu xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo lại Thủ tướng trong tháng 3/2021, tuy nhiên, quá trình xử lý này dường như còn chậm, hoặc các biện pháp, giải pháp, hồi đáp do các Bộ, địa phương đưa ra chưa tháo gỡ được bất cập, vướng mắc cốt lõi của doanh nghiệp. Do đó trong tháng 3/2021, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi nhiều phản ánh về các vấn đề đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

CaNG-4193-1617876721.jpg

Ảnh minh họa

Nổi bật trong số đó vẫn là các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ban IV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường đối thoại với các nhóm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan nhằm giải quyết thấu đáo, triệt để vấn đề cho doanh nghiệp.

Liên quan đến câu chuyện ứng xử của một số cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong nỗ lực khởi nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đây là những chủ trương lớn Chính phủ đưa ra và liên tục có các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến trong thực tế lại đang có những câu chuyện khiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là “còn khoảng cách lớn giữa chủ trương với thực thi”.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, việc có nhiều đầu mối cơ quan quản lý nhà nước phụ trách các vấn đề của doanh nghiệp, bao gồm cả cơ quan quản lý chung tới các cơ quan quản lý chuyên ngành, mà lại chưa phát huy cơ chế “một cửa” thực sự để doanh nghiệp tham vấn, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp rất lúng túng mỗi khi liên hệ với các cơ quan nhà nước, nhất là các vấn đề liên ngành.

Một số cách thức xử sự hiện nay của các cơ quan quản lý chưa nhận được sự đồng tình từ phía doanh nghiệp, như: khi doanh nghiệp hỏi về quy định pháp lý (bất kỳ), cơ quan quản lý nhà nước thường gửi cho doanh nghiệp toàn văn các văn bản pháp lý liên quan (để doanh nghiệp tự nghiên cứu), hoặc đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau trong nhiều lần làm việc thay vì hướng dẫn một lần, trọng tâm vào vấn đề cụ thể để giúp doanh nghiệp nắm bắt, khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh rất khó khăn trong việc tìm hiểu, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp cần giải quyết một số quy trình, thủ tục có tính liên ngành, quá trình tương tác giữa các Bộ liên quan thường ít có sự chia sẻ, gắn kết thông tin chủ động mà để doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với từng Bộ. Còn ở tại cấp địa phương, dù nhiều địa phương cũng đã thành lập các mô hình liên ngành giao một sở, ngành nào đó làm đầu mối chính nhưng doanh nghiệp vẫn được chỉ dẫn để làm việc, tương tác trực tiếp với nhiều cơ quan liên quan thay vì chỉ tương tác với cơ quan đầu mối, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian công sức và chịu áp lực, khó khăn không nhỏ trong suốt quá trình này.

Doanh nghiệp chuyển đổi số: một số cơ quan quản lý ứng xử chưa phù hợp

Trong nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp để bắt kịp các cơ hội phát triển trên thế giới nhằm tạo ra những giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế theo các chủ trương và lời kêu gọi từ Chính phủ, còn rất thiếu vắng các cơ chế, chính sách mới phù hợp và tạo đà cho phát triển nền kinh tế số, dẫn tới tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước có cách ứng xử chưa phù hợp, thường dùng khung khổ pháp lý hiện tại áp đặt với các mô hình kinh doanh mới, xử phạt các vấn đề phát sinh so với cách thức kinh doanh truyền thống, làm triệt tiêu sức sáng tạo và gây ảnh hưởng khá tiêu cực tới các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ doanh nghiệp: Còn khoảng cách lớn giữa chủ trương với thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO