Hiểu cho thấu để không "mất ngôi"

KHÁNH VÂN| 04/02/2010 09:12

Khi tiếng tăm vú sữa Lò Rèn đã có thì HTX lại lúng túng trong việc tiêu thụ hàng hóa cho xã viên.

Hiểu cho thấu để không

Khi tiếng tăm vú sữa Lò Rèn đã có thì HTX lại lúng túng trong việc tiêu thụ hàng hóa cho xã viên. Hợp đồng xuất khẩu đang tiến triển thì gặp phải sự phản ứng của xã viên về việc HTX không tiêu thụ hàng như cam kết.

Hợp tác xã thất hứa?

Vú sữa Lò Rèn tại các vựa ở Vĩnh Kim

Trong Hợp đồng nguyên tắc thu mua vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, có ghi rõ trách nhiệm HTX phải thu mua vú sữa đạt tiêu chuẩn chất lượng của nông dân trong suốt mùa vụ và trong thời gian nông dân vẫn còn tuân thủ các yêu cầu của quy trình sản xuất. HTX thu mua vú sữa loại I (từ 300g trở lên), loại II (250 - 290g), loại III (200 - 240g) có vỏ bóng, trái đẹp, không có vết trầy xước, không bị vết sâu bệnh bằng với giá thị trường tương ứng.

Nếu HTX có hợp đồng xuất khẩu thì giá thu mua vú sữa GlobalGAP cao hơn 20% giá thị trường tương ứng của từng loại trên. HTX bao tiêu giá cho xã viên trong một tuần, mỗi chiều Chủ nhật, Ban chủ nhiệm và 13 tổ trưởng sản xuất sẽ thống nhất giá cho tuần sau. Chính cách làm này của HTX không chỉ giúp cho xã viên nắm rõ nguồn thu của mình khi bán hàng cho HTX, mà giá HTX đưa ra tự dưng trở thành giá sàn để nhà vựa thu mua.

Nhờ đó mà nông dân trong hay ngoài HTX đều không lo bị ép giá. Các nhà vựa cũng nói họ phải canh theo giá HTX, nếu không thì không mua được hàng đẹp. Hợp đồng là vậy, nhưng HTX luôn gặp hoàn cảnh “lực bất tòng tâm” khi khách hàng không giữ chữ tín khiến đầu ra thiếu ổn định.

Tỉnh Tiền Giang cần hỗ trợ nhiều hơn nữa

Một nguyên nhân nữa khiến HTX đôi khi phải “thất hứa” chính là sự thiếu cảm thông của xã viên. HTX quá ít vốn. Với 131 xã viên hiện nay, HTX chỉ có trên 100 triệu đồng, nếu mua đến đâu thanh toán đến đó thì một ngày đã không đủ. Vận động góp vốn thêm không dễ vì hiệu quả phải được chứng minh tương xứng. HTX họp các tổ trưởng cùng góp ý gỡ khó bằng cách cho HTX thu mua hết nhưng ghi phiếu nợ, khi bán hàng rồi thu tiền về thanh toán cho xã viên.

Rất tiếc, xã viên không nhất trí, cho như vậy là phiền phức, chẳng thà họ bán cho vựa ngoài. HTX cầu cứu Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang hỗ trợ lập thủ tục xin vay vốn từ Quỹ Đầu tư Phát trển của tỉnh, xin từ khi vú sữa chưa ra hoa đến giờ đã vào vụ rộ mới được đồng ý, nhưng với điều kiện các thành viên Ban chủ nhiệm phải mang giấy tờ nhà, đất của gia đình mình thế chấp để lấy được tiền vay cho HTX.

Ngày mang giấy tờ đi công chứng thế chấp cũng không phải suôn sẻ, chính quyền đòi tất cả những người liên quan trong gia đình phải có mặt. Thật là sự hy sinh vì tập thể chứ không thể xem là trách nhiệm của Ban chủ nhiệm HTX! Nếu xong thủ tục nhiêu khê ấy, HTX sẽ được vay 600 triệu đồng, dùng số tiền ấy chuẩn bị thu mua vú sữa GlobalGAP cho hợp đồng xuất khẩu, chắc chắn sẽ giải tỏa được bức xúc của xã viên.

Nếu công - tư không rõ ràng...

Bức xúc hiện nay là việc xã viên cho rằng ông Lê Văn Sơn, Phó chủ nhiệm HTX đã làm khó dễ để không thu mua cho HTX mà giới thiệu cho vựa của vợ ông Sơn mua hàng. Không thể phủ nhận những nỗ lực của HTX khi tiên phong và dám đương đầu với những khó khăn để xây dựng thương hiệu, kiểm soát quy trình thu mua theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nông dân chưa hẳn không bao giờ vi phạm “chỉ bán cho HTX hàng GlobalGAP” theo Hợp đồng nguyên tắc vì HTX không đủ nhân lực để kiểm tra hết.

Tuy nhiên, việc HTX vì nôn nóng có vốn xoay vòng để thu mua vú sữa cho xã viên bán ra thị trường trong nước khi chờ tìm những hợp đồng xuất khẩu, đã giao cho người nhà của Phó chủ nhiệm HTX đứng ra hùn vốn kinh doanh, chia lãi, dù có làm lợi cho HTX, giúp HTX có thể duy trì hoạt động, thì cũng đã gây dư luận không hay, ảnh hưởng uy tín HTX.

Chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cần làm rõ và công bố công khai vụ việc này. Nếu công - tư không được thẩm định rõ ràng, xã viên bị o ép thì công sức gầy dựng vùng trồng vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP ba năm qua của HTX có khả năng đổ vỡ.

Còn nếu oan sai cho HTX và cá nhân thành viên Ban chủ nhiệm thì thương cho họ đã hy sinh hết mình vì tập thể. Điều quan trọng hơn, thương hiệu “vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” được xây dựng đã thật sự mang lại nguồn lợi cho cả vùng Châu Thành rộng lớn, không thể vì những thành viên thiếu thiện chí mà làm “mất ngôi” của nó.

Ông Lê Văn Đông, xã viên HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim:

Dù việc làm ăn của HTX chưa vào nề nếp nhưng có tác động làm cho giá vú sữa cao và vú sữa Lò Rèn được nhiều người tiêu dùng biết đến. Do lượng hàng trong tiêu chuẩn GlobalGAP chưa nhiều thành ra HTX ký hợp đồng cũng dè chừng. Ưu điểm nhất của HTX là giữ được giá ổn định cho nông dân, mua bằng hoặc cao hơn vựa bên ngoài. HTX cũng có cơ chế thoáng với xã viên.

Khi HTX chưa có nhiều đầu ra, tiêu thụ không hết cho xã viên thì luôn có chia sẻ tình hình khó khăn, lúc đó xã viên được mang ra vựa ngoài bán. Hàng sản xuất theo GlobalGAP thì ra ngoài bán vẫn được cao giá vì lái thích mẫu mã đẹp làm mặt. Không hề có việc thành viên Ban chủ nhiệm không mua cho HTX mà giới thiệu cho vựa của gia đình mua.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim:

Vú sữa Vĩnh Kim hiện nay có giá nhờ trước hết là HTX. HTX có thương hiệu, bán những chỗ trôi nổi thì HTX không dám bán, còn đơn đặt hàng không nhiều mà các nơi tiêu thụ đều muốn giá rẻ, ngay như siêu thị, khách Nhật đến nơi cũng trả giá thấp nên HTX không bán, sợ mất giá trái vú sữa của vùng này.

Chủ trương của tỉnh là phát triển diện tích trồng vú sữa lên 3.000ha, phần lớn mới trồng, chưa cho trái nhiều, trong 3 – 4 năm nữa thu hoạch đều hết mà không tính toán đầu ra thì có thể xảy ra khủng hoảng thừa. Vì vậy rất cần có những người xông xáo đi quảng bá thương hiệu để tạo thị trường rộng hơn. Hiện nay, HTX mua vào giá cao nên các nhà vựa cũng mua giá cao cho nông dân, nhưng việc cạnh tranh đầu bán ra ở các thị trường sẽ làm giá vú sữa hạ xuống, thiệt hại trở lui lại nhà vườn. Giúp cho HTX có nhiều đầu ra, duy trì giá mua vào – bán ra đều tốt sẽ có lợi cho nông dân.

Ông Đặng Tấn Lâm, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang:

Liên minh HTX tỉnh đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương làm việc với Ban quản trị HTX. Anh Lê Văn Sơn đã gửi đơn đến các ngành chức năng mong làm rõ những sự việc dư luận đang đề cập. HTX còn khó nhiều thứ, còn nhiều việc phải làm. HTX bán phải chịu thuế GTGT 5% trong khi tư nhân không chịu thuế, là thấy khó cạnh tranh đầu ra rồi. Mọi khúc mắc giữa HTX và xã viên cần được nhannh chóng giải tỏa, nếu không làm rõ thì HTX khó phát triển, còn nông dân cũng không dám tiên phong làm cho nông sản địa phương có giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu cho thấu để không "mất ngôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO