Hàng Việt sẽ "mạnh bước" ở thị trường Mỹ?

DUY KHUÊ| 23/02/2016 00:22

Với nhiều ký kết hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Mỹ ngay từ những ngày đầu năm Bính Thân, hy vọng các thương vụ này sẽ tạo tiền đề hàng Việt "mạnh bước" hơn ở thị trường Mỹ...

Hàng Việt sẽ

Với nhiều ký kết hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với các đối tác Mỹ ngay từ những ngày đầu năm Bính Thân, hy vọng các thương vụ này sẽ tạo tiền đề hàng Việt "mạnh bước" hơn ở thị trường Mỹ... 

Đọc E-paper

Đồng loạt mở đường

Cùng với thông tin về việc ký kết hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Thái Group... với các đối tác Mỹ, gồm BIDV MetLife, Công ty H2Origins Seafood Inc, Tập đoàn Khách sạn Hyatt... được công bố vào ngày 16/2 là kỳ vọng về một thị trường Mỹ không chỉ rộng cửa cho DN mở rộng hợp tác đầu tư mà còn là thị trường lớn thu hút hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Mới đây, bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP, DN từng được biết đến từ năm 2012 là đơn vị tiên phong mở đường cho trái thanh long Việt Nam sang Mỹ với sản phẩm sấy theo phương pháp sấy thăng hoa và năm 2013 cũng đã giới thiệu gạo Việt Nam được sản xuất theo hướng hữu cơ trên vùng nước lợ luân canh lúa - tôm đến với thị trường này, cho hay, khoảng hai tháng nữa, GAP và các đối tác tại Mỹ sẽ khai trương siêu thị bán hàng Việt Nam tại Mỹ.

Đây được xem là siêu thị đầu tiên với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD trong hệ thống gồm 4 siêu thị và một trung tâm phân phối hàng hóa Việt Nam tại California, Mỹ. "Nếu mô hình này thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ở các tiểu bang khác của Mỹ”, bà Tú Anh nói.

Theo bà Tú Anh, nguyên nhân để GAP quyết định mở siêu thị bán hàng Việt Nam tại Mỹ xuất phát từ hoàn cảnh của chính DN trên xứ người. "Thời gian qua, hàng hóa Việt Nam đã xuất hiện ở thị trường Mỹ, đặc biệt là nông sản, nhưng không nhiều. Đã có rất nhiều trường hợp DN Việt Nam xuất khẩu nông sản, trái cây tươi vào Mỹ bị ép giá, chậm thanh toán nhưng phải "cay đắng" chấp nhận vì hàng tươi không bán nhanh sẽ bị hỏng. GAP đã từng là nạn nhân trong những thương vụ như vậy", bà Tú Anh cho biết.

Nếu như Công ty CP Nông nghiệp GAP chọn cách đưa thực phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng Mỹ theo hướng khép kín từ nông trại đến bàn ăn thông qua kênh siêu thị thì Vinaco-op lại "đánh mạnh" vào phân khúc nhà hàng, khách sạn từ nhà trưng bày tạm gọi là "Ngôi nhà Việt Nam" thông qua sự đánh giá chất lượng từ những đầu bếp danh tiếng của Hiệp hội các đầu bếp Mỹ.

"Ngôi nhà Việt Nam" đang trong quá trình thực hiện với khoảng 21 nhà đầu tư (NĐT) cùng tham gia.

Chuyện NĐT Việt Nam mở siêu thị tại Mỹ thật ra không mới, nhưng so với các NĐT khác thì đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi lẽ công trình đã được Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ kiểm tra, xác nhận, cũng như sự khuyến khích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, trong tương lai gần, hệ thống siêu thị vừa nêu dự kiến sẽ là "bến đỗ tập trung" của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam với chất lượng ổn định đưa vào thị trường Mỹ, đồng thời nơi đây còn tạo ra nhiều việc làm cho người Việt ở Mỹ.

Bước chậm, mong vững chắc

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết ngày 4/2/2016 càng nung nấu những quyết định đầu tư đối với các NĐT Việt Nam vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, không giống thời gian trước, các NĐT Việt Nam đặt chân vào thị trường Mỹ lần này xem ra khá thận trọng và bài bản hơn.

Đơn cử như trường hợp của GAP, thay vì một mình "đem chuông đi đánh xứ người", "được ăn cả, ngã về không", thì lần này GAP lại kêu gọi thêm nhiều DN cùng hợp lực. 

Cụ thể như ở siêu thị đầu tiên sắp khai trương tại Mỹ đã có 6 NĐT gồm các DN Việt Nam và NĐT Việt kiều tại Mỹ cùng tham gia với số vốn của mỗi bên là 500.000USD.

Mô hình này sẽ được tiếp tục thực hiện đối với các siêu thị còn lại trong hệ thống. Hiện GAP đang tìm kiếm các NĐT Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có hàng hóa muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ để đặt vấn đề cùng hợp tác hoặc cùng đầu tư.

Theo bà Lê Thị Tú Anh, thời gian qua, nông sản, hàng hóa của Trung Quốc bị mất uy tín ở thị trường Mỹ, gạo thơm của Thái Lan cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, do đó, khi TPP được ký kết thì năm 2016 - 2017 được xem là thời điểm quyết định việc "thắng thua" của hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản ở thị trường Mỹ, nơi được xem là rất hấp dẫn nhưng cũng nhiều rủi ro.

Chia sẻ về điều này, ông Trần Văn Liêng - Tổng giám đốc Công ty CP Phân phối xuất nhập khẩu Vinaco-op, cho hay, theo kết quả khảo sát mà Vinaco-op thu được thì đa phần các nhà phân phối tại Mỹ đều cho rằng, vấn đề lớn nhất của hàng hóa Việt Nam là tính ổn định của chất lượng sản phẩm nhưng các DN Việt Nam hiện nay vẫn chưa biết làm thế nào để ổn định về chất lượng để đảm bảo việc cung ứng.

Cũng theo ông Liêng, hàng Việt Nam muốn tồn tại và phát triển được ở thị trường Mỹ, cần phải có nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên là phải "đánh mạnh" vào việc phát triển những mặt hàng chủ lực mà các nước không sản xuất được.

"Hiểu được điều này, nên chúng tôi xây dựng "Ngôi nhà Việt Nam", nơi được xem như là điểm giới thiệu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam và giới thiệu về văn hóa của người Việt. Dự kiến, điểm đặt "Ngôi nhà Việt Nam" sẽ tại Lasvegas", ông Liêng cho hay.

Cũng theo ông Liêng, ngoài việc trưng bày sản phẩm, dự kiến hằng tháng, "Ngôi nhà Việt Nam" sẽ tổ chức một ngày hội thực phẩm Việt Nam, kêu gọi các thành viên của Hiệp hội các đầu bếp phía Nam, Califonia, Mỹ cùng tham gia nấu các món ăn để đánh giá chất lượng thực phẩm, góp phần đưa thực phẩm Việt Nam vào hệ thống "Food service" tại Mỹ.

Bởi hiện nay, có khoảng 60% dịch vụ ăn uống của người Mỹ được thực hiện bên ngoài hệ thống siêu thị. Do vậy, nhu cầu về hàng hóa chất lượng cao và giá tốt là rất lớn.

Điểm lại các thương vụ đầu tư tại Mỹ, có thể thấy tuy hình thức khác nhau nhưng cách làm nào cũng cùng mục đích đưa hàng Việt vào Mỹ và từng bước khẳng định giá trị của hàng Việt Nam.

>Xiaomi và tham vọng "Tây tiến" từ thị trường Mỹ

>Hàng Dệt may Việt Nam: Nửa chân ở thị trường Mỹ

> Cần chú ý gì khi vào thị trường Mỹ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt sẽ "mạnh bước" ở thị trường Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO