Hạn chế rủi ro, giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế

QUỐC KHÁNH/DNSGCT| 01/11/2016 08:33

Trong hoạt động xuất nhập khẩu gần đây, không ít doanh nghiệp gặp rủi ro khi bán hoặc mua hàng với các đối tác nước ngoài.

Hạn chế rủi ro, giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế

Trong hoạt động xuất nhập khẩu gần đây, không ít doanh nghiệp gặp rủi ro khi bán hoặc mua hàng với các đối tác nước ngoài. Thiếu kinh nghiệm xem xét điều khoản hợp đồng, vội vã ký kết hợp đồng dù chưa kiểm chứng đầy đủ thông tin đối tác là lý do khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động khi xảy ra tranh chấp, thậm chí bị lừa, mất tiền hoặc mất hàng.

Đọc E-paper

Khi hợp đồng được ký bằng... niềm tin

Phát biểu tại chương trình hội thảo - tư vấn trực tiếp “Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, luật sư Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký VIAC cho biết, 50 - 60% trong 1.052 vụ kiện mà cơ quan này tiếp nhận và xử lý tính đến nay là các vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán, trong đó chủ yếu là mua bán ngoại thương.

Theo ông Bắc, nguyên nhân dẫn đến các khiếu kiện là do nhiều doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đến việc thẩm tra năng lực đối tác nước ngoài, không có khả năng hoặc thiếu kinh nghiệm xem xét các điều khoản trong hợp đồng. Đặc biệt khi tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp thường lúng túng trong việc xử lý.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam, từ đầu năm đến nay, một số nhà cung cấp điều ở châu Phi sau khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam đã không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng, chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, hủy ngang.

Có trường hợp đối tác xuất khẩu hủy hợp đồng và giữ tiền đặt cọc của người mua không trả, có trường hợp doanh nghiệp bị mất hàng trong container.

Gần đây trong ngành chế biến gỗ, nhiều doanh nghiệp chịu thiệt khi làm ăn với các đối tác nước ngoài. Do khan hiếm đơn hàng, một số doanh nghiệp đã vội vã xúc tiến làm ăn dù chưa tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác, cũng không nghiên cứu kỹ hợp đồng dẫn đến nhiều sơ hở và chịu thiệt khi xảy ra tranh chấp. Điển hình là trường hợp Công ty Gia Hân và Công ty Cửu Long, hai công ty này đều ký hợp đồng sản xuất, cung cấp cho Công ty Globle Home.

Trong vụ tranh chấp giữa Gia Hân và Globle Home, hợp đồng đã ký có các điều khoản bất lợi cho Gia Hân như hợp đồng bằng tiếng Anh (không có bản tiếng Việt), điều khoản hợp đồng chỉ định Trung tâm trọng tài quốc tế Hong Kong là nơi giải quyết tranh chấp và theo luật lệ Vương quốc Anh…

Khi Gia Hân hoàn thành việc giao hàng và nhiều lần yêu cầu đối tác thanh toán tiền, công ty này nhiều lần trì hoãn, sau đó còn tố cáo Gia Hân giả mạo con dấu kiểm định chất lượng, cung cấp hàng kém phẩm chất và đòi bồi thường.

Đến nay, số tiền mà Global Home nợ Gia Hân gần 500.000 USD nhưng theo luật sư rất khó đòi, bên cạnh đó, việc tranh tụng ở Trung tâm trọng tài quốc tế Hong Kong theo như hợp đồng cũng sẽ khiến cho Gia Hân tốn rất nhiều thời gian và chi phí.

Để hạn chế rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả

Trước tình hình các vụ tranh chấp ngày càng tăng, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần có những người am hiểu về ngoại thương, với các hợp đồng có giá trị lớn thì nên mời luật sư tư vấn.

Theo ông Châu Việt Bắc, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm khi giao thương với nước ngoài là thẩm định thông tin đối tác bằng cách tra cứu trên internet, nhờ luật sư tư vấn hoặc các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí có thể nhờ đến các công ty cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng.

Những thông tin cần thẩm định gồm thông tin đăng ký doanh nghiệp, người điều hành và các cổ đông, tình hình hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, các vụ tranh chấp – khiếu kiện…

Khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp phải chú ý đến những điều khoản về tranh chấp, ví dụ khi xảy ra tranh chấp thì nên đưa ra trọng tài kinh tế ở đâu, xử lý theo luật của nước nào, cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cơ quan nào. Nếu không chi tiết hóa những điều khoản này, việc giải quyết khiếu kiện sau đó sẽ rất khó khăn.

TS. Nguyễn Minh Hằng - Trọng tài viên VIAC, Trưởng khoa Luật Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, khi xem xét hợp đồng giao thương với đối tác nước ngoài, cần chú ý những điều khoản như giao hàng, thỏa thuận về giá và cách tính chênh lệch giá khi có những biến động thị trường, quy định chất lượng hàng hóa và các điều khoản về giải quyết rủi ro khi nhận hàng không đúng số lượng, chất lượng; yêu cầu bồi thường thiệt hại…

Theo bà Hằng, quy định về tiêu chuẩn chất lượng được đối chiếu theo cơ quan kiểm định nào rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhập khẩu, bởi đã xảy ra nhiều trường hợp đối tác giao hàng kém chất lượng nhưng doanh nghiệp cũng không thể khiếu kiện vì hợp đồng không quy định cụ thể điều khoản này.

Bên cạnh đó, nên thương thảo để lấy được sự chủ động về vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa vì đây cũng là yếu tố bị nhiều đối tác lợi dụng để trục lợi và gây khó cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Để giải quyết các tranh chấp trong giao thương quốc tế, bên cạnh tòa án, sử dụng trọng tài thương mại là phương thức được nhiều doanh nghiệp sử dụng hiện nay. Theo các chuyên gia, trong tình hình Việt Nam mở rộng giao thương quốc tế với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết thì cơ chế trọng tài được xem là giải pháp linh hoạt hơn khi giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bởi sau khi đã thống nhất việc lựa chọn một trung tâm trọng tài cụ thể, các bên được tự do lựa chọn thủ tục tố tụng, có trường hợp các bên có thể định ra cả nguyên tắc, trình tự, thủ tục trọng tài… Hơn nữa, cơ chế sử dụng trọng tài không xét xử công khai cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo được các bí mật kinh doanh.

Từ ngày 1/1/2017, Công ước Viên của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (còn gọi là CISG) với 85 quốc gia thành viên sẽ có hiệu lực tại Việt Nam. Đây là bộ luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế, điều chỉnh các vấn đề pháp lý từ khi hình thành hợp đồng (chào hàng, chấp nhập chào hàng), quy định quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua, chỉ rõ những biện pháp/chế tài khi một bên vi phạm hợp đồng cũng như các vấn đề về bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, bất khả kháng, bảo quản hàng hóa.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên có sự rà soát các hợp đồng xuất nhập khẩu của mình để đảm bảo phù hợp và tận dụng tốt nhất các lợi ích từ công ước này.

>Rủi ro trong hoạt động mua bán quốc tế

>Vì sao DN ít giải quyết tranh chấp bằng trọng tài?

>Chọn Tòa án hay Trọng tài khi đàm phán hợp đồng thương mại?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạn chế rủi ro, giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO