Grab và Uber: Từ cạnh tranh đến độc quyền?

LÊ MINH TRÍ| 10/04/2018 03:35

Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy chỉ vài ngày sau khi Uber rời bỏ thị trường, cước phí taxi tại Trung Quốc đã tăng mạnh khiến khách hàng than phiền về việc họ phải trả phí gấp đôi.

Grab và Uber: Từ cạnh tranh đến độc quyền?

Ảnh: Beawiharta/Reuters

Sau 2 năm làm thí điểm, sự tham gia của Uber và Grab đã làm thay đổi dịch vụ taxi ở các thành phố lớn nước ta. Cả hai trở thành đối thủ lớn nhất của các hãng taxi truyền thống dẫn đến nhiều tranh luận lẫn khiếu kiện, đến mức chính các cơ quan quản lý về mặt nhà nước vẫn chưa thống nhất cách giải quyết vấn đề.

Đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt, các hãng taxi truyền thống đã phải tổ chức lại hoạt động, áp dụng công nghệ thông tin phục vụ khách hàng tốt hơn. Người hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc cạnh tranh này là khách hàng, không những được phục vụ tốt hơn mà còn tiết kiệm được nhiều tiền trong việc đi lại nhờ các đợt khuyến mại ồ ạt đến mức gây ngạc nhiên.

Trong khi cuộc chiến chưa hề sút giảm nhiệt độ thì thật bất ngờ, Uber Vietnam cho biết sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày 8/4 qua một thông báo ngắn gọn và có thể nói như chưa có một lời chia tay với khách hàng và đối tác của mình, mà nguyên nhân xuất phát từ một thỏa thuận ở cấp cao hơn.

Hôm 25/3, Uber Technologies phát đi thông báo xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ hai tại châu Á. Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 620 triệu dân này cho Grab. Đổi lại, họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Từ 8/4, toàn bộ khách hàng và tài xế của Uber sẽ chuyển qua ứng dụng của Grab.

Vậy là sau khi đã đầu tư 700 triệu USD, Uber sẽ từ bỏ hoạt động tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây được xem là một cú sốc khác đối với Uber sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2016, sáp nhập với Didi Chuxing để đổi lấy 20 tỷ USD cổ phần trong công ty đối thủ.

Link bài viết

Trong cả 2 thương vụ, Uber có thể hài lòng khi rời đi với cổ phần của đối thủ thay vì bỏ cuộc với tư thế của kẻ bị đánh bại. Đó là chưa kể họ không thể tiếp tục đốt tiền để hỗ trợ các tài xế và khách hàng trong cuộc chiến khốc liệt nhằm giành giật thị phần.

Vấn đề đặt ra cho các khách hàng ở những thị trường mà Uber có mặt là, họ sẽ ra sao sau khi công ty này bị xóa sổ? Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy chỉ vài ngày sau khi Uber rời bỏ thị trường, cước phí taxi tại Trung Quốc đã tăng mạnh khiến khách hàng than phiền về việc họ phải trả phí gấp đôi. Liệu điều tương tự có xảy ra ở Việt Nam hay không còn phải đợi thời gian trả lời. Tuy nhiên, điều chắc chắn là khi các nhà đầu tư muốn ngừng đổ tiền vào thị trường để cạnh tranh, các ưu đãi dành cho cả lái xe và hành khách sẽ ít đi.

Lo ngại về tình trạng độc quyền, mới đây Ủy ban Quản lý Cạnh tranh Singapore cũng yêu cầu Grab, Uber gửi báo cáo, “làm rõ chi tiết” về thỏa thuận mua lại giữa 2 doanh nghiệp. Đại diện Ủy ban này cho biết họ có quyền xem xét bất kỳ thương vụ sáp nhập hoặc mua lại nào có ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường và hứa hẹn sẽ đưa ra những biện pháp tạm thời ngăn ngừa triệt tiêu cạnh tranh gây thiệt hại cho người dân và tài xế.

Bình luận về thương vụ mua bán trên, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) hy vọng sự thâu tóm lần này về tay một “ông lớn” sẽ không làm giảm sức ép cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thế nhưng người trong cuộc lại tỏ ra lo lắng hơn. Ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Công ty Vinasun, nhận định thị trường khi chỉ còn một mình Grab sẽ càng nguy hiểm hơn, bởi lẽ doanh nghiệp này đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và với tiềm lực tài chính mạnh, cùng chiến lược giá “hủy diệt”, Grab đang tiến gần tới độc quyền trong thị trường đặt xe qua ứng dụng ở Việt Nam.

Lo lắng của các hãng taxi truyền thống xuất phát từ yếu tố cạnh tranh. Thế nhưng, như chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh chia sẻ, là rất khó để đưa ra cơ sở khẳng định việc Uber sáp nhập vào Grab vi phạm Luật Cạnh tranh hay không bởi vướng mắc lớn nhất là cho đến nay vẫn chưa định danh được cho loại hình này.

Khi chưa xác định rõ Uber, Grab là taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ thì không đủ cơ sở để nói họ vi phạm cạnh tranh ở lĩnh vực gì. Nếu nói họ là kinh doanh taxi thì thị trường còn rất nhiều hãng taxi khác, nếu là ứng dụng công nghệ thì cũng đâu chỉ có 2 hãng này, mặc dù thị phần hiện nay 2 hãng này chiếm chủ yếu.

Trước nhiều ý kiến lo Grab thao túng giá sau khi thâu tóm Uber, vị chuyên gia này cho rằng, Grab vẫn còn rất nhiều đối thủ khác chứ không phải một mình một chợ khi Uber biến mất.

Vẫn còn rất nhiều hãng taxi, người tiêu dùng và lái xe có thể lựa chọn. Nếu đắt quá người tiêu dùng có thể không đi nữa và chọn phương thức khác cho phù hợp. Hiện nay công nghệ thông tin gọi xe taxi đã phổ biến với hơn 10 hãng tham gia, chưa kể một số taxi công nghệ đang và sẽ triển khai, nên khả năng độc quyền là khó.

Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng Grab tăng chiết khấu với tài xế hay giảm khuyến mại với khách hàng là việc có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là chiến lược dựa vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, không có doanh nghiệp nào có thể sử dụng “chiến lược giá hủy diệt” mãi được.

Mặc dù không còn đối thủ cạnh tranh lớn là Uber nữa song Grab vẫn sẽ phải tiếp tục đau đầu với bài toán kinh doanh của mình khi nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này sắp đổ bộ vào Việt Nam như Lalamove, Go-jek. Từ hồi tháng 3/2018, thông tin hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Go-Jek của Indonesia tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường 93 triệu dân đã gây xôn xao trong giới công nghệ.

Tuy nhiên, thị trường rất nhiều biến động, khó ai có thể nói trước điều gì. Thời gian qua chúng ta cũng đã nhận thấy được những đổi mới, những nỗ lực không nhỏ của taxi truyền thống trong cuộc đua với Uber, Grab. Với một loạt thủ tục được đề nghị bãi bỏ tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nhiều gánh nặng chi phí và tạo sức bật cho taxi truyền thống.

Phó tổng giám đốc Vinasun Trương Đình Quý cũng cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp vận tải khó khăn là vì điều kiện kinh doanh bất bình đẳng. Khi được cởi trói khỏi những điều kiện này thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn, sức bật sẽ lớn hơn.

Trở lại với việc Grab “thôn tính” Uber, khách hàng và đối tác của 2 hãng này hiện vẫn còn hoang mang về những gì sắp xảy ra và đang chờ đợi những thông tin hướng dẫn sử dụng cụ thể dịch vụ này sau khi đổi chủ, như một hành vi tôn trọng “thượng đế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Grab và Uber: Từ cạnh tranh đến độc quyền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO