Gói hỗ trợ lần 2 phải củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

PV| 13/09/2020 09:10

Đó là khuyến nghị của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính thực hiện, vừa gửi Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 9 này.

bai-3-giam-thue-7166-1599790639.jpg

Mọi doanh nghiệp cần được "cấp cứu"

Trong cuộc khảo sát lần 3 do Ban IV thực hiện với gần 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội về tác động bùng phát dịch Covid-19 lần 2, một trong những vấn đề được Ban IV ghi nhận đó là sự suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và hiệp hội về hiệu quả của gói hỗ trợ lần thứ nhất. 

Doanh nghiệp cho biết, họ rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý, thiếu thực tiễn, quy trình thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn. Từ đó, họ không còn hào hứng đưa ra các giải pháp, kiến nghị, đặc biệt một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng "vì kiến nghị nhiều lần nhưng gần như không có sự thay đổi". Ban IV đánh giá: "Đây cũng là một phần hệ lụy của việc nhiều doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch, đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định của tương lai khiến góc nhìn của doanh nghiệp có xu hướng trở nên tiêu cực hơn".

Do đó, Ban IV kiến nghị gói hỗ trợ Covid-19 lần 2 cần phải hướng tới củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên làm ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, Chính phủ cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện. Vì số liệu khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần "cấp cứu", nếu thực thi các chính sách hỗ trợ không nhanh có thể lâm vào tình trạng "chết lâm sàng", sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.

13232323-2760-1599790639.jpg

"Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã "kiệt quệ" và đổ vỡ, thì đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra, để doanh nghiệp cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, duy trì sản xuất/kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp", trích văn bản. Cụ thể, doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản tiền phải nộp trong năm 2020-2021, như các loại tiền bảo hiểm, tiền thuế, phí với Nhà nước, tiền thuê đất, tiền lãi vay ngân hàng, kinh phí công đoàn...

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng. Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm 50% các khoản BHXH, BHYT, BHTN năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021. Đánh giá lại tính cấp thiết của phí công đoàn trong năm 2020 và năm 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng quy định trong gói 1. Giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% hỗ trợ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngân hàng xem xét, mở rộng hình thức vay tín chấp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu hoạt động. Ví dụ, cho các doanh nghiệp du lịch vay với số tiền căn cứ vào lịch sử nộp thuế của doanh nghiệp mà không cần thế chấp. Tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay. Hỗ trợ các gói vay trả lương với lãi suất đặc biệt ưu đãi...

76% doanh nghiệp không cân đối thu chi

Trở lại kết quả sát của Ban IV cho thấy, có đến 20% doanh nghiệp cho biết đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.

Những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mắt trong vòng 6 tháng tới

Những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mắt trong vòng 6 tháng tới

Hầu hết doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, phải chịu áp lực để đảm bảo tiền lương, trả BHXH và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền vay ngân hàng lãi và nợ gốc, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng...

Đặc biệt, một số hiệp hội cho hay tiền thuê đất phải trả năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính giá thuê đất... nên những doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn, phải nộp tiền thuê tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm so với năm 2019 trở về trước.

Do sản xuất đình trệ, nên có tới 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, trong đó 54% có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí. Chỉ có 7% cho biết dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí. Vì vậy, cân đối dòng tiền và chi phí là bài toán lớn nhất của doanh nghiệp.

Tình trạng khó khăn khiến 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33% số doanh nghiệp trả lời. Trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ngành nông sản, nhựa, công nghệ thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gói hỗ trợ lần 2 phải củng cố niềm tin cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO