Gỗ, gạo, dệt may giữ nhịp tăng trưởng 2022

Trần Hùng| 07/02/2022 06:30

Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, gạo, dệt may vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng trong năm 2021. Bước sang năm 2022, các ngành hàng này cần tiếp tục thay đổi để thích nghi.

Tăng trưởng nhờ "đổi" tư duy

Tổng kết năm 2021, ngành thủy sản đạt 8,89 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,7% so với năm 2020. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 1,15 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ngành gạo có một năm thắng lớn, khối lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt tương đương năm 2020 với giá trị mang về trên dưới 3,27 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Từ con số tổng kết trên có thể thấy điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng. Vấn đề là liệu các ngành hàng này làm thế nào để giữ được nhịp tăng trưởng trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn có những dấu hiệu bất định trong năm 2022.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, năm 2022 dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) dệt may tin tưởng vào khả năng tăng trưởng nhờ các DN trong ngành đang ứng dụng công nghệ số vào khâu sản xuất và quản trị để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành. 

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May TP.HCM cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của ngành dệt may trong năm 2022 là thiết lập chuỗi cung ứng. Năm 2021, việc thiếu hụt nguyên liệu đã khiến ngành dệt may lâm vào thế vô cùng khó khăn. Làm chủ nguyên liệu trong nước là "chìa khóa" giúp phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

Trong khi đó, với ngành hàng nông sản, điểm nghẽn lớn nhất trong nhiều năm qua là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, vụ việc ùn ứ xe chở hàng nông sản tại cửa khẩu Lào Cai trong thời gian gần đây là ví dụ rõ ràng. Vì thế, làm thế nào để khai thông là vấn đề lớn nhất ngành này cần thực hiện. 

Thực tế, đã có nhiều DN nông sản Việt Nam thay đổi tư duy từ sản xuất, đến kinh doanh, như Công ty Hoàng Phát Fruits (Long An) đã thay đổi cách thức sản xuất bằng việc áp dụng tiêu chuẩn Global GAP và khâu trồng và chế biến sản phẩm rau quả. 

detmay-6760-1643180801.jpg

Theo đó, công ty lắp đặt hệ thống rửa rau quả áp lực cao, hệ thống này đảm bảo các tia nước không triệt tiêu lẫn nhau để tăng hiệu quả rửa sạch, giảm tổn thương, gãy tai trái xảy ra trong quá trình chuyển tiếp giữa máy đến các băng tải đóng gói. Nhờ đó, các sản phẩm từ trái cây tươi cho đến chế biến sâu của công ty dễ dàng xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...

Tập đoàn Nafoods Group cũng đang xúc tiến đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ cho nông sản Việt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods Group chia sẻ: "Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận nhiều hơn nữa với thị trường 100 triệu dân trong nước. Bên cạnh đó, qua hoạt động này các sản phẩm nông sản của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng trên thế giới. Đây là một giải pháp để nông sản của Nafoods nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung tránh phụ thuộc vào một thị trường".

Vẫn còn bài toán khó cần giải

Mặc dù các doanh nghiệp đã cố gắng nỗ lực để thích nghi với tình hình mới và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng điều đó không có nghĩa là không có những bài toán khó giải với các ngành nghề xuất khẩu trong năm tới.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, trong năm 2022 khó khăn lớn nhất với ngành thủy sản vẫn là chi phí logistics quá cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, ông Lĩnh cho rằng Nhà nước cần có những động thái can thiệp mạnh mẽ để hạ giá thuê container, không để các hãng tàu tự động tăng giá như trong thời gian qua. 

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, thức ăn cho ngành thủy sản trong năm 2021 cũng tăng trên 20%. Chính điều này và những tác động tiêu cực từ Covid-19 đã khiến người nông dân ngại thả nuôi thủy sản trong năm 2021. Dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không đủ nguyên liệu phục vụ trong quá trình sản xuất. Do đó, các bộ ngành cần có những chính sách điều tiết thích hợp để làm giảm nguyên liệu đầu vào, từ đó giá thức ăn sẽ giảm xuống tạo điều kiện cho người nuôi và doanh nghiệp duy trì vùng nguyên liệu.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, để thúc đẩy xuất khẩu, cơ quan này đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có. Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, trong thời gian sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỗ, gạo, dệt may giữ nhịp tăng trưởng 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO