Giỏi thợ còn hơn dở thầy

MINH ĐẠT| 04/09/2012 06:33

Hàng loạt doanh nghiệp nội chết yểu và xu hướng dịch chuyển sản xuất, thương mại của thế giới đã đặt ra câu hỏi: Đã đến thời điểm công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam từ bỏ giấc mơ phần cứng mà chuyển hẳn sang công nghiệp phụ trợ?

Giỏi thợ còn hơn dở thầy

Hàng loạt doanh nghiệp nội chết yểu và xu hướng dịch chuyển sản xuất, thương mại của thế giới đã đặt ra câu hỏi: Đã đến thời điểm công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam từ bỏ giấc mơ phần cứng mà chuyển hẳn sang công nghiệp phụ trợ?

“Cứng” toàn thân

Với doanh thu 11,3 tỷ USD, tăng 101% so với năm 2010, ngành công nghiệp phần cứng điện tử đã giúp doanh thu toàn ngành CNTT tăng ngoạn mục 79% trong năm 2011 so với năm 2010. Đến nay, công nghiệp phần cứng - điện tử đang chiếm 82% tổng doanh thu toàn ngành.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông Tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã nhận xét: “Sự tăng trưởng này là nhờ sự đóng góp doanh thu xuất khẩu của nhiều DN như: Samsung, Canon, Panasonic, Foxconn, Nokia... do đã hoàn thành xây dựng các nhà máy mới và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm phần cứng, điện tử”.

Tuy nhiên, trái với bức tranh sáng màu của khối DN FDI, các DN nội trong lĩnh vực phần cứng - điện tử đang dần trở nên hụt hơi. Trong tổng số 11,3 tỷ USD doanh thu của ngành phần cứng – điện tử, DN nội địa chỉ chiếm khiêm tốn khoảng 1 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Tin học TP.HCM, nhận định: “Ngành phần cứng - điện tử vẫn tăng trưởng hằng năm nhưng đang trở thành sân chơi của riêng DN nước ngoài”. Theo ông Dũng, không như với các lĩnh vực khác, công nghệ phần cứng - điện tử đòi hỏi DN phải có đầu tư vốn lớn.

Trong những năm qua, khi nhu cầu về các sản phẩm công nghệ điện tử như máy tính xách tay, điện thoại, máy chụp ảnh... tăng trưởng mạnh, các DN FDI với lợi thế về vốn, đầu tư lớn, công nghệ và kinh nghiệm đã dần khẳng định vị thế so với các DN nội địa. Trong khi đó, nhiều DN nội yếu thế hơn, tỷ lệ nội địa lại thấp, đồng thời phải cạnh tranh với các thương hiệu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đã buộc phải chuyển hướng sản xuất và nhường “sân nhà” cho các DN FDI.

Mục tiêu 2015 có thể thất bại

Trong Báo cáo Xếp hạng doanh nghiệp CNTT năm 2011- 2012 được thực hiện trên 256 DN hàng đầu tại Việt Nam cho thấy, DN phần cứng có tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong năm 2011 thấp thứ nhì (12%), chỉ hơn tích hợp hệ thống (6%) và đứng sau các ngành còn lại là phần mềm, nội dung số, đào tạo, internet và dịch vụ.

Nhìn trên bình diện rộng lớn hơn của tất cả các DN phần cứng - điện tử trong nước, thống kê chỉ 20% DN có lời trong năm 2011. Với thực tế này, ông Dũng thẳng thắn: “Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2015, DN Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Việt Nam có thể bị thất bại”.

Có ý kiến cho rằng, những kết quả đáng buồn của các nhà sản xuất phần cứng trong nước đáng lẽ ra đã được các nhà làm hoạch định chính sách nhìn thấy từ khi... Sony bỏ liên doanh với Công ty CP Điện tử Tân Bình năm 2008.

Khi Sony chuyển sang làm thương mại thay vì sản xuất màn hình tivi CRT, những cuộc lột xác về công nghệ tivi diễn ra mạnh mẽ và màn hình CRT nhanh chóng trở nên lỗi thời. Không chỉ vậy, trào lưu công nghệ còn diễn ra trên tất cả các lĩnh vực khác như máy tính, máy ảnh, điện thoại di động, chip... khiến cho hàng loạt DN trong nước có công nghệ lạc hậu phải đóng cửa; còn số khác vẫn cố gắng cầm cự và duy trì sản xuất nhưng không thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài có công nghệ mới.

Trước tình hình DN trong nước chỉ còn một tỷ lệ thị phần nhỏ nhoi, nhiều ý kiến cho rằng, không còn cách nào khác là DN trong nước nên chuyển đổi hẳn sang làm công nghệ phụ trợ, sản xuất các thiết bị ngoại vi cho công ty nước ngoài, tham gia vào chuỗi công nghiệp liên kết toàn cầu của họ.

Đối với một số thị trường lân cận mạnh về công nghệ phần cứng như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, hầu hết đều bắt đầu xây dựng ngành công nghệ phần cứng từ công nghệ phụ trợ. Khi đã có một hệ thống phụ trợ vững mạnh, họ mới phát triển các sản phẩm thương hiệu nội địa. Trong khi đó, DN Việt Nam thì lại đi theo hướng ngược lại: phát triển sản phẩm hoàn chỉnh mà chưa có công nghệ phụ trợ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Đường cũng cho rằng, DN nội địa nên tìm các khe hở của thị trường để phát triển các sản phẩm chuyên biệt: “Các nhà đầu tư FDI thường sản xuất các sản phẩm thông dụng với sản lượng lớn, đại trà cho nhiều quốc gia. Họ ít tập trung vào các phân khúc nhỏ, chỉ phục vụ cho một thị trường như thiết bị y tế chuyên dụng cho chỉ các bệnh viện ở Việt Nam. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể trở lại sân chơi được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giỏi thợ còn hơn dở thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO