Giày nội thu hút khách nội

LỮ Ý NHI| 15/04/2017 06:57

Giày nội vẫn có khả năng lấn át hàng ngoại và có thể bước tiếp vào phân khúc cao cấp.

Giày nội thu hút khách nội

Dù thị trường giày Việt Nam còn khá phân mảnh và chỉ có hơn chục thương hiệu trong nước nổi lên gần đây với không quá 2% thị phần cho mỗi thương hiệu, song đã được khách hàng đón nhận, cho thấy giày nội bắt đầu... "ăn" khách nội. 

Đọc E-paper

Với mức giá tầm trung, giày của thương hiệu Vascara nhanh chóng được người dùng, nhất là giới trẻ đón nhận với hơn 80 cửa hàng ở một số tỉnh - thành. Ngay sau đó, thị trường liên tiếp xuất hiện các tên tuổi mới 100% made in Vietnam.

Tuy nhiên, để tránh "vết xe đổ” mà các thương hiệu đi trước đã từng phải chật vật chỉ vì... cái tên thuần Việt như Hạnh Dung, Hồng Thạnh, Đông Hải, các thương hiệu ra sau đã "thông minh" hơn khi chọn công thức "ruột nội, tên ngoại" với hơn chục thương hiệu nghe "rất Tây", như Dolly, Juno, Sablanca, Bejo, Mirrabella, Hodono, Evashoes và cùng điểm chung là nhắm đến phân khúc khách hàng phổ thông, tránh phân khúc cao cấp vốn là thế yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cũng khó nắm hầu bao dân có tiền vì ngoài chất lượng, phân khúc này còn có nhu cầu thể hiện... đẳng cấp.

Hiệu quả tức thì là các thương hiệu này đã nhanh chóng thu hút người dùng do giá phải chăng, chất lượng tốt, mẫu mã hợp thời trang và nhất là đánh trúng tâm lý chuộng ngoại.

Một trong những thế mạnh lâu nay của ngành giày da Việt Nam là có tay nghề cao và đủ trình độ kỹ thuật để sản xuất giày cho các thương hiệu toàn cầu, vậy nên tận dụng lợi thế này vào thời điểm hàng Trung Quốc giá rẻ đang mất dần ưu thế, nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng khá, vừa túi tiền của người thu nhập tầm trung là cơ hội cho các doanh nghiệp nội.

Tuy nhiên, đây cũng là bước đi khó do thị trường quá nhiều cạnh tranh, nhất là các thương hiệu thời trang phân khúc trung bình khá của nước ngoài đang lần lượt lấn sân thị trường Việt như Zara, H&M, Top Shop, Uniqlo...

Bà Đỗ Thái Thục Uyên - quản lý thương hiệu giày Mirrabella cho biết: "Sau 3 năm, doanh thu của Mirrabella mỗi năm tăng từ 10 - 15% nhờ lợi thế là công ty mẹ chuyên gia công giày xuất khẩu nên tự sản xuất, không phải đặt hàng gia công nên làm chủ được chất lượng và giá thành, nhất là mỗi tháng Công ty đều có ít nhất 3 - 5 mẫu giày mới nên mức độ quay trở lại của người từng sử dụng giày của Mirrabella khá cao".

Tuy nhiên, cái khó hiện nay, theo bà Uyên vẫn là hệ thống phân phối vì giá thuê mặt bằng cao, thương hiệu nhỏ nên rất khó chen chân vào các trung tâm thương mại lớn. Đó là lý do sau 3 năm, Mirrabella mới chỉ có 3 cửa hàng.

>>Tony Hsieh - "Triệu phú bán giày" và hơn thế nữa

Bà Janny Thủy Trần - Giám đốc Công ty Vertex Co chuyên xuất khẩu giày Việt Nam ra nước ngoài, đánh giá: "Nếu so sánh về chất lượng và mẫu mã, hầu hết các thương hiệu giày nội ít có sự khác biệt nổi bật. Vì vậy, điểm hơn nhau hiện nay của các doanh nghiệp nội trong chạy đua giành thị phần là nguồn lực tài chính để quảng cáo, tiếp thị”.

Lợi thế "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" đã được chứng minh qua thương hiệu Juno. Có thâm niên gần 10 năm trên thị trường, nhưng 2 năm gần đây, khi nhận được đầu tư từ Seedcom về công nghệ, tài chính, cái tên Juno mới bắt đầu tạo dấu ấn khi "mạnh chi" cho hàng loạt chương trình marketing đình đám. Đơn cử, trong dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, Juno trở thành cái tên "nóng" nhất thị trường giày Việt khi tung ra khuyến mãi "83.000 đôi giày đồng giá 200K", đạt gần 200.000 lượt khách mua sắm trên kênh online và hệ thống cửa hàng.

Hay như chương trình Ngày hội mua sắm Black Friday năm ngoái, Juno đã dẫn đầu với hơn 52.000 lượt người tương tác, vượt qua cả thương hiệu nước ngoài như Zara, H&M hay adias. Thành công này, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - sáng lập viên Juno, còn là do chiến lược kinh doanh tập trung vào chất lượng, mẫu mã đáp ứng xu hướng người dùng chứ không phải để dẫn đầu thị trường. Song, quan trọng nhất là dịch vụ và sự tiện lợi. Khách hàng có thể đổi, trả hàng sau 3 tháng mà không cần lý do, thậm chí giày đi một vài lần cũng vẫn được đổi.

Cũng theo ông Tuấn, một lợi thế khiến Juno có khả năng "đi trước" đối thủ là kết hợp mô hình bán trực tuyến và truyền thống. Theo Juno, kinh doanh qua thương mại điện tử mang lại khoảng 20% doanh thu cho Công ty.

Không quảng cáo, marketing nổi trội như Juno, Vascara trập trung vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm và dịch vụ, xem đó là yếu tố cạnh tranh vì Công ty có bộ phận thiết kế am hiểu xu hướng thị trường.

Riêng Dolly thì cho rằng lợi thế cạnh tranh của Công ty là đầu tư nghiên cứu mẫu mã mới, trung bình 5 - 7 ngày có một mẫu giày mới.

"Ngoài da tổng hợp, khác biệt lớn nhất của Dolly là có các loại giày được làm bằng da thật, giá chỉ hơn 700.000đ/đôi. Đặc biệt, một số công đoạn được làm bằng tay, nên đáp ứng được các loại size quá chuẩn như to quá hoặc nhỏ quá”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phòng Chăm sóc khách hàng Dolly chia sẻ.

Chọn hướng tiếp thị trực tiếp đến khách hàng thông qua 5 cửa hàng bán lẻ, đồng thời kết hợp quảng cáo, bán hàng qua facebook, bà Ngô Vương Phương Nga - Giám đốc Giày Bejo cho rằng: "Cách làm này rất hiệu quả, vừa bán được hàng, không tốn nhiều chi phí, vừa giúp các bạn trẻ muốn khởi nghiệp nhưng không có tiền và giúp các bạn sinh viên có thêm chi phí học hành. Song, với hướng đi nào thì chất lượng, dịch vụ cũng phải là yếu tố đi đầu. Lấy phương châm kinh doanh "giày quốc tế nhưng giá Việt Nam", Bejo đã tiết giảm được nhiều chi phí quảng cáo mà vẫn có một lượng đáng kể khách hàng luôn trung thành và truyền tai nhau quảng cáo hộ sản phẩm, đó cũng là thế mạnh cạnh tranh của Bejo".

Dù nội lực khác nhau và cách kinh doanh mỗi thương hiệu mỗi khác nhưng việc tạo được dấu ấn và sự tin dùng của thị trường trong nước, cho thấy giày nội vẫn có khả năng lấn át hàng ngoại và có thể bước tiếp vào phân khúc cao cấp.

>>Hiện tượng Bitis Hunter và bước đi mới của giày Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giày nội thu hút khách nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO