Ghi nhận và đầu tư đúng mức cho giá trị sáng tạo

K.HOA| 13/02/2010 07:41

Công nghiệp sáng tạo là một khái niệm còn khá lạ lẫm trong hệ thống ngành nghề của Việt Nam. Trong khi thực tế, ngành này chiếm 3,4% tổng giá trị thương mại quốc tế...

Ghi nhận và đầu tư đúng mức cho giá trị sáng tạo

Công nghiệp sáng tạo là một khái niệm còn khá lạ lẫm trong hệ thống ngành nghề của Việt Nam. Trong khi thực tế, ngành này chiếm 3,4% tổng giá trị thương mại quốc tế; tổng giá trị xuất khẩu năm 2005 đạt 424,4 tỷ USD trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 8,7% trong giai đoạn 2000-2005 (theo số liệu của Tổ chức Liên Hiệp Quốc về ngành nghề và phát triển - United Nations Conference on Trade and Development - UNCTAD).

Ông Togar Simatupang chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp sáng tạo tại Indonesia

Theo cuốn Sáng tạo Anh: những tài năng mới cho nền kinh tế mới (của Bộ Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Anh, xuất bản tháng 2/2008), “Công nghiệp sáng tạo là sự kết nối giữa các lĩnh vực quảng cáo, kiến trúc, thị trường nghệ thuật và đồ cổ, đồ thủ công, thiết kế và thiết kế thời trang, phim ảnh, các phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, truyền hình, phát thanh...”.

Tại hội thảo “Tầm quan trọng của dự án Thu thập & Phân tích số liệu ngành công nghiệp sáng tạo đối với một địa phương/thành phố và quốc gia”, do Hội đồng Anh phối hợp với Sài Gòn Media tổ chức ngày 5/2/2010 ở TP.HCM, nhiều vấn đề về ngành nghề này đã được làm rõ.

Bà Josephine Burns, Giám đốc Công ty Tư vấn BOP của Anh cho biết, tại Anh, ngành này đóng góp 7,3% tổng giá trị gia tăng và hơn một triệu việc làm, được xem là khu vực sáng tạo lớn nhất châu Âu.

“Doanh nghiệp sáng tạo” (creative enterprises) là một nhánh của dự án vùng mang tên "Thành phố sáng tạo" - dự án hợp tác văn hóa và nghệ thuật giữa vùng Đông Á và Vương quốc Anh, với mục tiêu phát triển thành phố sáng tạo, nơi có nền kinh tế tri thức thành công và các công dân toàn cầu có thể phát huy tài năng.

Theo bà, đó là do chính phủ đã nhận thức rõ sự đóng góp của các hình thức đầu tư khác nhau, có những chính sách hỗ trợ cũng như có nhiều hình thức liên kết giữa nhà nước và tư nhân, giữa trung ương và địa phương để phát triển. Bà chia sẻ, "tính sáng tạo xuất hiện ở nhiều lĩnh vực: đổi mới của các thành phố, du lịch văn hóa, hình ảnh và thương hiệu", và "đa phần các giá trị sáng tạo khó có thể đo lường nhưng cần được ghi nhận".

PGS.TS Togar Simatupang, chuyên gia triển khai về ngành công nghiệp sáng tạo đến từ Trường Quản lý và Kinh doanh - Học viện Kỹ thuật Bandung (Indonesia), cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về việc khởi dựng, thu thập số liệu về các ngành công nghiệp sáng tạo ở đất nước này. Theo ông, công nghiệp sáng tạo chính là nguồn để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, và điều quan trọng nhất là chính phủ phải nhận thức được tầm quan trọng này để có thể lập ra một "bản đồ" các lĩnh vực trong ngành, trên cơ sở nền văn hóa bản địa.

Bà Josephine Burns trình bày tham luận tại hội thảo

Chuyên gia tư vấn về ngành công nghiệp sáng tạo ở Vương quốc Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập số liệu ngành công nghiệp sáng tạo. Tại sao phải thu thập số liệu? Theo bà Josephine, việc này nhằm xác định khu vực sáng tạo, nói cách khác, là nắm rõ "cái gì, đang diễn ra và ở đâu?", để hỗ trợ các mục tiêu kinh tế/chính trị, đưa ra các chính sách phù hợp, định hướng sự phát triển trong tương lai.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Nhân, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ông Nhân cho biết, cũng bao gồm những lĩnh vực tương tự định nghĩa về ngành công nghiệp sáng tạo nói trên, Việt Nam chúng ta gọi đây là ngành công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: Báo chí, phát thanh, truyền hình, internet; Xuất bản, in, phát hành; Điện ảnh, sản xuất phim, phát hành và chiếu bóng; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo; Hoạt động kinh doanh thương mại vật tư, thiết bị chuyên ngành văn hóa và các hoạt động dịch vụ văn hóa khác.

Tham luận của ông Nhân cho biết, hiện nay ở Việt Nam hệ thống sản xuất, phân phối các sản phẩm văn hóa chủ yếu do nhà nước đảm nhiệm. Các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ tham gia các hoạt động công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Nhìn chung các doanh nghiệp văn hóa còn nhỏ. Việc đầu tư cho các hoạt động văn hóa còn thấp so với các ngành khác, hiện chiếm khoảng 0,3% GDP.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng chia sẻ về tình hình và những khó khăn của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ông Nhân nhấn mạnh việc nhà nước đã đầu tư chưa thỏa đáng so với nhu cầu, và cần đổi mới tư duy về ngành công nghiệp văn hóa: phải coi các ngành công nghiệp văn hóa là một ngành sản xuất thực thụ, theo quy luật cạnh tranh thị trường. Nhà nước cũng cần có chiến lược cụ thể phát triển ngành công nghiệp văn hóa, song song đó là việc nâng cao ý thức về sở hữu trí tuệ của người dân nhằm đảm bảo cho thị trường văn hóa, thị trường của ngàh công nghiệp sáng tạo phát triển lành mạnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ghi nhận và đầu tư đúng mức cho giá trị sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO