Gặp khó, Parkson vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam

HIỀN THU| 07/01/2015 04:05

Cạnh tranh khốc liệt tại thị trường bán lẻ Việt Nam khiến Parkson ngày càng gặp khó.

Gặp khó, Parkson vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam

Cạnh tranh khốc liệt tại thị trường bán lẻ Việt Nam khiến Parkson ngày càng gặp khó.

Đọc E-paper

Đêm 2/1, Trung tâm thương mại Parkson Landmark (Hà Nội) đã đóng cửa và các gian hàng trong trung tâm này được yêu cầu dọn dẹp ngay trong đêm.

Trong công văn lý giải cho quyết định đột ngột này, Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho biết kể từ khi mở cửa năm 2011, kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra, thậm chí thua lỗ, khiến đơn vị này buộc phải đóng cửa các quầy hàng tại tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Theo các báo cáo quý gần đây của Parkson, Parkson Group có mặt tại 6 thị trường chính là Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Sri Lanka. Trong đó, số điểm kinh doanh của Parkson tại Malaysia hiện là 38, tại Việt Nam là 9. Dù chỉ có một trung tâm mỗi nước nhưng thị trường Myanmar và Indonesia là khả quan nhất do tâm lý tiêu dùng tại đây tăng.

Lợi nhuận ròng của hãng trong quý chỉ là 6,9 triệu SGD, giảm tới 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do doanh số nghèo nàn tại Việt Nam và Malaysia. Trong đó, tại Việt Nam, Parkson đang chật vật với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Theo giải thích từ phía Parkson, kết quả kinh doanh yếu phát sinh từ việc đầu tư cửa hàng mới, thị trường bán lẻ chưa khởi sắc ở Việt Nam; lợi nhuận của thị trường Việt Nam giảm 5,5%.

Về thị trường Việt Nam, báo cáo nhận xét: "Môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn rất thách thức khi chi tiêu trong ngành bán lẻ còn yếu, và cạnh tranh khốc liệt khi ngày càng có nhiều đối thủ mới trên thị trường".

Trước đó, trong báo cáo tính đến hết tháng 6/2014, Parkson cho biết tăng trưởng doanh số các cửa hàng đã mở trên 1 năm tại Việt Nam tăng trưởng âm 1% trong năm 2013 và năm 2014 là âm 4%, do tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ yếu, bất chấp các dấu hiệu phục hồi kinh tế.

Theo nhận định của một số chuyên gia, Parkson bị ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam do gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều trung tâm thương mại mới. Parkson đã phải thực hiện nhiều biện pháp như đưa thêm hàng hóa giá tầm trung, thực hiện nhiều chiến dịch khuyến mãi để tăng doanh số và giảm chi phí hoạt động thông qua đổi mới chính sách quản trị.

Tuy nhiên, nhận xét về triển vọng năm nay, đại diện của Parkson Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan: "Chúng tôi sẽ vẫn tập trung cải thiện các yếu tố nền tảng. Với bảng cân đối kế toán mạnh, chúng tôi sẽ vượt qua giai đoạn phát triển các cửa hàng mới cũng như những thách thức hiện tại ở Malaysia và Việt Nam. Chúng tôi vẫn sẵn sàng cho các cơ hội mở rộng tại các thị trường chủ chốt và cam kết tối đa hóa lợi nhuận cổ đông".

Tại TP.HCM, Parkson vừa giới thiệu trung tâm mua sắm thứ 10 tại Việt Nam nằm trong dự án Léman Luxury Apartments tại Q.3, do C.T Group làm chủ đầu tư. Ông Tham Tuck Choy - Tổng giám đốc Parkson Việt Nam cho biết, với chiến lược làm ăn lâu dài, Parkson tiếp tục đặt mục tiêu mỗi năm phát triển thêm 2 trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình ảm đạm hiện nay, các phân tích cho rằng có khả năng sức mua sẽ tiếp tục thấp trong 2 - 3 năm tới. Khi đó, nhà bán lẻ nào trường vốn, đủ sức chịu lỗ vài năm thì mới có thể vươn lên dẫn đầu thị trường.

Tính đến hết năm 2013, số doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chiếm hơn 40% trong số 700 siêu thị tại Việt Nam. 31 trong tổng số 125 trung tâm thương mại hiện tại có yếu tố đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Dự báo, đến 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội, tương đương khoảng 25 - 30 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gặp khó, Parkson vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO