Gặp khó, DN thực phẩm đến gần người tiêu dùng hơn

10/08/2012 04:45

Muốn sản phẩm chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng, các DN ngành thực phẩm phải hướng đến yếu tố làm vừa lòng khách hàng để cải thiện tình hình sức mua sụt giảm.

Gặp khó, DN thực phẩm đến gần người tiêu dùng hơn

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ngày càng chọn lựa thực phẩm kỹ hơn trước khi quyết định mua nên các DN thực phẩm đang tung ra nhiều sản phẩm mới đánh vào tâm lý tiêu dùng với kỳ vọng sẽ cải thiện được sức mua.

Thay khẩu vị

Thời gian gần đây, khi tham gia vào các chương trình bán hàng hội chợ, CTCP Bánh kẹo Hải Hà không giới thiệu những sản phẩm cũ mà đưa ra hàng loạt sản phẩm mới.

Điểm nhấn của những sản phẩm mới này là được nghiên cứu để có được khẩu vị phù hợp với từng vùng miền nhằm đáp ứng khẩu vị của người tiêu dùng.

Chọn thực phẩm tại siêu thị

Theo ông Võ Xuân Nam, Giám đốc chi nhánh TPHCM của Hải Hà, muốn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, DN phải sáng tạo hơn trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm, chẳng hạn như người tiêu dùng miền Bắc thích bánh ngọt nhưng người miền Nam lại thích ít ngọt hơn nên công ty đã bổ sung thêm phô mai vào dòng bánh Sozo để tạo ra vị mặn và béo để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Song song đó, sau khi khảo sát ý kiến khách hàng tại TP.HCM, công ty đã tăng trọng lượng kẹo que lên 100 gram thay vì 80 gram như trước.

Trong khi đó, CTCP Bánh kẹo Bibica vừa khiến nhiều đại lý và người tiêu dùng tại TP.HCM ngạc nhiên với chương trình “Commando khối văn phòng” nhằm giới thiệu sản phẩm mới Hura Pie.

Theo chương trình này, bộ phận văn phòng của công ty gồm 150 người từ phó tổng giám đốc đến nhân viên đã đi đến các đại lý, tiệm tạp hóa, chợ... như một nhân viên bán hàng để quảng bá.

Với lực lượng bán hàng hùng hậu này, mỗi ngày công ty bán được khoảng 1.000 thùng bánh. Theo một đại diện của Bibica, đây là sản phẩm được sản xuất trên công nghệ hiện đại của Lotte Pie với khẩu vị hình thành từ việc nghiên cứu ý kiến và đánh giá thực tế của khách hàng.

Sản phẩm tung ra để tiếp cận khách hàng nhằm đón đầu nhu cầu tiêu thụ cho dịp Tết Nguyên đán 2013.

Chiều theo tâm lý tiêu dùng

Cuộc cạnh tranh giành thị phần cũng diễn ra rầm rộ ở thị trường mì gói. Theo thống kê mới đây của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 50 nhà sản xuất, cung cấp ra thị trường khoảng 50 tỷ gói mì/năm.

Theo các DN trong ngành, chi phí đầu tư một dây chuyền sản xuất mì gói khoảng 20 triệu USD. Muốn cạnh tranh, DN phải đầu tư vài dây chuyền để sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau.

Trong khi đó, thị trường tiêu dùng đa số chỉ chuộng sử dụng những sản phẩm giá thấp và đảm bảo không có chứa chất béo bão hòa, chất khó tiêu hay chất dễ bị ôxi hóa nên DN phải cải tiến chất lượng, đổi mới công nghệ và chạy đua giữ khách hàng bằng cách đưa ra sản phẩm hợp với tâm lý bảo vệ sức khỏe.

Chẳng hạn như với sản phẩm mì Omachi, CTCP Công nghiệp - Thương mại Masan đưa ra thông điệp sản phẩm “rất ngon mà không sợ nóng”, đánh vào tâm lý bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng hiện nay.

Để đưa nhãn hiệu này đi sâu vào thị trường, Masan sẵn sàng bán với giá thành thấp trong khi, theo DN công bố, mì Omachi được sản xuất từ nguyên liệu chính là khoai tây.

Cuộc chạy đua của các DN sản xuất mì ngày càng nóng hơn khi công ty Uni-President Việt Nam tung ra thị trường sản phẩm mì ăn liền Uni tôm.

Theo ông Lee Ching Tyan, Tổng giám đốc Uni-President Việt Nam, đây là sản phẩm mì ăn liền chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu tôm tươi thật, đồng thời sản phẩm không chứa chất bảo quản nhân tạo và màu thực phẩm, sợi mì dai, trơn, không bị bở khi ngâm lâu trong nước sôi và có bao bì đẹp, tuyệt đối chống ẩm.

Một điểm nhấn nữa khiến người tiêu dùng chú ý đến sản phẩm này là mì Uni tôm được bổ sung thêm dưỡng chất vitamin E, có tác dụng ngăn cản quá trình lão hóa của tế bào.

Ngoài ra, để tạo sự mới lạ, Uni-President đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm mì Uni tôm Snack ăn liền (ăn khô, không cần nấu nước sôi).

Không chịu thua kém, CTCP Acecook Việt Nam nắm bắt tâm lý chi tiêu tiết kiệm của khách hàng thời khó khăn đã tung ra thị trường sản phẩm mì Vào bếp với thông điệp “Ngon lại còn tiết kiệm”. Theo đó, giá bán lẻ của sản phẩm chỉ 2.500 đồng/gói.

Mới đây, Acecook Việt Nam đã đưa ra thị trường một dòng sản phẩm mới lạ là mì không chiên ăn liền với tên gọi Mikochi với lời giới thiệu là sợi mì không qua chiên và ngon như mì tươi với giá bán lẻ 6.000 đồng/gói 80gram.

Nhận xét về thị trường tiêu dùng hiện nay, một số DN thực phẩm cho rằng thị trường không còn tồn tại tư duy DN sản xuất sản phẩm nào, người tiêu dùng sẽ phải sử dụng sản phẩm đó. Trên thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt công ty cung cấp thực phẩm trong và ngoài nước.

Do đó, muốn sản phẩm chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng, các DN ngành thực phẩm phải hướng đến yếu tố làm vừa lòng khách hàng để cải thiện tình hình sức mua sụt giảm.

Ngoài yếu tố đổi mới chất lượng, các DN còn đang tiến hành nghiên cứu đổi mới mẫu mã để tạo hình thức bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, đã qua rồi thời của việc dùng quảng cáo suông để giành thị phần mà quảng cáo phải đi đôi với chất lượng.

Vậy nên khi sản xuất sản phẩm, DN không chỉ dựa vào tâm lý tiêu dùng mà cũng nên đi theo hướng nghiên cứu kỹ về khẩu vị của người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất, đó là cách để DN tạo được một lượng khách hàng bền vững trong thời buổi cạnh tranh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gặp khó, DN thực phẩm đến gần người tiêu dùng hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO