Dự trữ ngoại hối tăng vọt – nền kinh tế vẫn nhiều thách thức

Gia Lê| 09/09/2020 09:07

Tuần trước, Chính phủ công bố dự trữ ngoại hối đến hết tháng 8/2020 của Việt Nam đã lên 92 tỷ USD, dự kiến đến hết năm là 100 tỷ USD, tăng 20% so với đầu nhiệm kỳ. Diễn biến này đang có những tác động gì đến nền kinh tế?

Dự trữ ngoại hối tăng vọt – nền kinh tế vẫn nhiều thách thức

Dự trữ ngoại hối tăng nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.

Tiền tệ nới lỏng – doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Từ mức 80 tỷ USD vào cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối hiện nay đã lên mức 92 tỷ USD, tức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm đến nay đã mua ròng xấp xỉ 12 tỷ USD. Theo đó, một lượng tiền đồng khổng lồ đã được bơm vào nền kinh tế  thông qua kênh mua ngoại tệ, giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên dư thừa.

Mặt bẳng lãi suất là một trong những yếu tố thể hiện hiệu quả của chính sách này, khi lãi suất trên các thị trường đồng loạt giảm sâu trong thời gian qua, từ kênh vay mượn trên liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu Chính phủ cho đến lãi suất tiền gửi của các nhà băng. Có thể thấy sau các chính sách giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi đã thực hiện trong nửa đầu năm, công cụ tỷ giá và mua ngoại tệ đã được sử dụng tích cực gần đây để thực thi nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, dù các ngân hàng ngày càng thừa vốn, nhưng vẫn không mặn mà đẩy vốn cho vay ra, khi lo ngại rủi ro trong nền kinh tế vẫn khá lớn, trong bối cảnh dịch bệnh sẽ chưa thể sớm kết thúc, các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương quốc tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khó lường. Theo đó, bên cạnh nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay, vẫn có không ít doanh nghiệp tuy muốn vay nhưng vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng trong thời điểm này, khi các điều kiện tín dụng tiếp tục bị thắt chặt.

Thay vì đẩy mạnh cho vay, các ngân hàng tiếp tục chủ động giảm mạnh lãi suất tiền gửi để giảm bớt tình trạng thừa vốn, cũng như để tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay. Các đợt giảm lãi suất liên tiếp từ đầu tháng 7 đến nay, trải đều ở cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài, là minh chứng rõ nhất.

Như vậy, việc NHNN tăng mạnh dự trữ ngoại hối và bơm tiền đồng ra nền kinh tế, tuy là thông tin khiến không ít người hồ hởi, nhưng thực tế không tác động mấy đến khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, những đối tượng đang cần một nguồn lực tài chính mới để tài trợ cho khả năng cầm cự qua giai đoạn khó khăn, trong khi các gói cho vay theo chính sách hỗ trợ vẫn khá trầy trật để đến được đối tượng cần hỗ trợ.

Nhiều mục đích khác

Dù vậy, đứng ở góc độ nhà điều hành, việc mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối không chỉ đơn thuần nhắm đến mục tiêu tăng cường độ nới lỏng chính sách, mà có thể còn chứa đựng những ẩn ý khác. Đầu tiên trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế giảm sâu, đặc biệt sau những điều chỉnh chính sách chiến lược mới đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), mở đường cho kỷ nguyên lãi suất thấp kỷ lục và tiền rẻ kéo dài, tiền đồng đứng trước nguy cơ tăng giá so với USD.

Điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng xấu lên hoạt động ngoại thương của Việt Nam, vốn thời gian qua đã chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch toàn cầu. Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 8 tháng đầu năm nay đạt hơn 174 tỷ USD, vẫn tăng trưởng dương 1,6% so với cùng kỳ, giúp xuất siêu đạt mức kỷ lục 11,9 tỷ USD, dù hoạt động thương mại trên toàn thế giới bị thu hẹp mạnh vì dịch bệnh. Chính thặng dư thương mại hàng hóa khổng lồ cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cũng đã tạo điều kiện cho NHNN mua vào ngoại tệ với mức giá hợp lý.

Do đó, để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu, việc hạn chế tiền đồng tăng giá bằng cách mua vào ngoại tệ là một giải pháp cần thiết trong tình hình hiện nay, dù điều đó đang khiến Bộ tài chính Mỹ có thêm lý do để gần đây cáo buộc Việt Nam đang thao túng tiền tệ. Dù vậy, việc tiếp tục mua vào ngoại tệ để gia tăng nguồn lực cho quốc gia có khả năng sẽ tiếp tục được thực hiện, với điều kiện các cơ quan quản lý Việt Nam nên tích cực sử dụng các kênh ngoại giao để làm rõ với phía Mỹ rằng dự trữ ngoại hối của chúng ta vẫn khá thấp so với quy mô nền kinh tế.

Với dự trữ ngoại hối 92 tỷ USD và giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 8 tháng đầu năm nay là 162 tỷ USD, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang tương đương hơn 18 tuần nhập khẩu, cao hơn mức 12 – 14 tuần theo khuyến cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nên được xem là đã đủ mức độ an toàn. Ngoài ra, việc dự trữ ngoại hối tăng lên cũng có thể giúp nâng cao xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, khi khả năng trả nợ đã tăng lên đáng kể, từ đó nếu muốn vay thêm vốn ngoại tệ cũng có thể tiếp cận với chi phí tối ưu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự trữ ngoại hối tăng vọt – nền kinh tế vẫn nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO